Đổ xô vào học cao học với bất cứ ngành gì có thể làm lãng phí nguồn ngân sách có hạn trong khi Lâm Đồng đang rất cần một đội ngũ chuyên gia sâu trong nhiều lĩnh vực.
Đổ xô vào học cao học với bất cứ ngành gì có thể làm lãng phí nguồn ngân sách có hạn trong khi Lâm Đồng đang rất cần một đội ngũ chuyên gia sâu trong nhiều lĩnh vực.
Lễ tốt nghiệp một lớp cao học tại Đà Lạt |
Đua nhau học cao học
Để xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao cho tỉnh, thông qua các chương trình hợp tác, liên kết đào tạo với các trường đại học lớn trong nước, những năm gần đây, Lâm Đồng đã chi ra một nguồn ngân sách không nhỏ để cử cán bộ công chức, viên chức nâng cao trình độ hằng năm.
Theo Sở Nội vụ Lâm Đồng, từ năm 2008 đến nay, đã có 821 người đi học tiếp sau bậc đại học, chủ yếu là cao học. Trong số này có 446 người được thụ hưởng từ nguồn kinh phí nhà nước; số còn lại được cơ quan, đơn vị chủ quản hỗ trợ một phần kinh phí và có nhiều người tự bỏ tiền túi đi học, chỉ xin cơ quan thời gian. Các lĩnh vực đi học khá đa dạng: y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, nông nghiệp, tài chính và nhiều nhất là quản trị kinh doanh… Để tạo thuận lợi cho người học, những năm gần đây, Lâm Đồng đã phối hợp với các trường đại học trong nước mở các lớp đào tạo cao học ở Đà Lạt, tại Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng tại chức Lâm Đồng. Tại đây, Đại học Bách Khoa TP HCM đã tổ chức đến nay được 5 lớp cao học quản trị kinh doanh cho 217 người, 1 lớp về môi trường cho 9 người. Đại học Nông lâm TP HCM cùng Đại học Lâm nghiệp mở các lớp cao học về trồng trọt, lâm nghiệp, quản lý đất đai, quản lý kinh tế cho 162 người; Đại học Luật có lớp cao học luật cho 53 người; Đại học Quốc gia Hà Nội mở cao học tài chính - ngân hàng với 58 học viên; Đại học Sư phạm Hà Nội có 4 lớp cao học Quản lý giáo dục cho 99 người… Đông người đi học nhất trong số trên là ngành y tế với 117 người; kế đến là giáo dục với 99 người; ngành nông nghiệp có 39 người.
Để đảm bảo ngoại ngữ cho đầu vào cũng như tốt nghiệp cho các học viên sau đại học là cán bộ công chức, viên chức, Lâm Đồng đã phối hợp với Trung tâm Ngoại ngữ - Đại học Bách Khoa TP HCM tổ chức các lớp đào tạo tiếng Anh tại Đà Lạt cho nhiều trình độ, từ chứng chỉ A, B, C trong nước đến chứng chỉ TOEFL, TOEIC quốc tế tại Đà Lạt. Từ 2008 đến nay đã có trên 1.500 lượt người tham gia các lớp học này và dự thi lấy chứng chỉ.
Cần diện rộng hay chuyên sâu?
Đi học trong chừng mực nào đó đã là một sự cố gắng rất lớn từ phía người học. Với rất nhiều người, đây là một cơ hội để cập nhật kiến thức, học thêm những điều mới để sau đó áp dụng tốt hơn cho công việc thường nhật tại nhiệm sở. Đây cũng là một cơ hội thăng tiến cần nắm bắt. Về phía nhà nước, việc cử cán bộ đi học là một nỗ lực rất lớn của Lâm Đồng trong nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực của tỉnh. Chỉ tính trong 4 năm từ 2009 đến cuối 2012, Lâm Đồng đã chi gần 22,5 tỷ đồng cho việc đào tạo nâng cao phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, trong đó có chương trình đào tạo sau đại học. Tuy nhiên, theo Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Xuân Thám - Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng, cần cân đối lại các ngành học, tránh tình trạng đào tạo thiên lệch, chung chung như hiện nay. Có những ngành học bị bão hòa trong xã hội vẫn có không ít người đổ xô đăng ký vào, trong khi có ngành rất cần nhưng lại không cử hoặc không có người đi. Chẳng hạn, với ngành học “thời thượng” là cao học quản trị kinh doanh đang được rất nhiều người đổ xô vào học. Hệ quả là không ít cán bộ công chức viên chức có bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh với kiến thức cung cấp trong chương trình nghiêng về kinh doanh làm ăn, không đồng nhất với công tác quản lý chuyên sâu nhưng chính những người này khi tốt nghiệp lại dùng ngay tấm bằng này để thăng tiến trong cơ quan của mình vốn chẳng liên quan gì đến chuyện kinh doanh.
Chính vì vậy, theo ông Thám, chỉ chấp nhận đào tạo ngành này cho những cơ quan thực sự làm kinh doanh, còn các cơ quan khác nên hướng người học vào các lĩnh vực đang cần, chẳng hạn như cao học hành chính công rất cần cho công tác quản lý, cải cách hành chính hiện nay. Và không chỉ trong quản lý hành chính công, có không ít lĩnh vực mà tỉnh đang rất cần người có trình độ cao học để phục vụ trong hệ thống quản lý nhà nước như luật, môi trường, quản lý tài nguyên, các ngành về khoa học xã hội - nhân văn … “Cần tránh tư tưởng đồng nhất các tấm bằng thạc sỹ như nhau, hễ cán bộ có bằng thạc sỹ thì định hướng cơ cấu vào lãnh đạo. Cao học thực sự chỉ là nền tảng kiến thức cho cán bộ mà thôi”- ông Thám nói.
Toàn Lâm Đồng hiện nay ước tính có trên 1.000 thạc sỹ, chừng trên 100 tiến sỹ, nhưng số tiến sỹ này chủ yếu tập trung tại các trường đại học, viện nghiên cứu, trong các cơ quan đơn vị rất ít. Trong 446 người được Lâm Đồng cấp kinh phí đào tạo bậc sau đại học, chỉ vỏn vẹn có 2 nghiên cứu sinh đi học ở nước ngoài, còn nếu tính trong tổng số 821 người đi học sau đại học trên cũng chỉ có đúng 6 nghiên cứu sinh. Tỷ lệ này là quá thấp. Theo đề xuất của ông Thám, trên nền các đề tài khoa học hữu ích của tỉnh hằng năm, tỉnh có thể cấp kinh phí để những người thực hiện phát triển thành các luận án. Cùng đó cũng nên bố trí ngân sách thích hợp để cử người có năng lực đi đào tạo bậc tiến sỹ ở nước ngoài nhưng đề tài thực hiện của tỉnh, trong nước, nhằm quốc tế hóa các đề tài này, từng bước tạo nên một đội ngũ chuyên gia sâu trong từng lĩnh vực.
VIẾT TRỌNG