Không chỉ có cán bộ công chức viên chức công tác trong vùng sâu cần theo học lớp dạy tiếng dân tộc thiểu số để giao tiếp, thuận lợi hơn cho công việc mà ngay cả người đồng bào dân tộc thiểu số cũng có nhu cầu tham dự các lớp học này để bảo tồn tiếng nói và chữ viết của cộng đồng mình.
Không chỉ có cán bộ công chức viên chức công tác trong vùng sâu cần theo học lớp dạy tiếng dân tộc thiểu số để giao tiếp, thuận lợi hơn cho công việc mà ngay cả người đồng bào dân tộc thiểu số cũng có nhu cầu tham dự các lớp học này để bảo tồn tiếng nói và chữ viết của cộng đồng mình.
Tập huấn khuyến nông ở vùng sâu Đạ Tẻh |
Lâm Đồng bắt đầu triển khai việc dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ công chức, viên chức của tỉnh từ năm 2005 theo Đề án 253 QĐ-TTg “Một số giải pháp củng cố kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên” của Thủ tướng Chính phủ.
Căn cứ theo nhu cầu thực tiễn tại địa phương, có 3 tiếng của các cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số tương đối lớn tại Lâm Đồng được chọn giảng dạy là K’Ho, Mạ và Chu Ru. Với tiếng K’Ho, việc biên soạn các tài liệu dùng cho dạy học đã được bắt đầu từ năm 2003. Cho đến năm 2007, bộ tài liệu này bao gồm cả chữ viết được soạn lại theo chương trình khung của Bộ Giáo dục - Đào tạo, sau đó được Bộ thẩm định, nghiệm thu đánh giá tốt, được tỉnh ban hành trong năm 2010 và được dùng chính thức trong giảng dạy cho đến nay.
Với tiếng Chu Ru, cùng với việc chuẩn bị tài liệu giảng dạy theo chương trình khung của Bộ Giáo dục với phương án chữ viết đi kèm, một bộ từ điển Việt - Chu Ru cũng được tỉnh biên soạn. Bộ từ điển này đã hoàn tất bước đầu trong năm 2007 và hai năm sau đó chính thức được ban hành. Với tiếng Mạ chậm hơn. Bộ tài liệu giảng dạy đến nay mới chỉ ban hành tạm thời và đang tiếp tục được hoàn thiện. Song song với việc biên soạn tài liệu, tỉnh tiến hành chọn người để giảng dạy. Điểm khó là Lâm Đồng không nhiều người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên có trình độ về ngôn ngữ và phương pháp sư phạm (đại học sư phạm). Phương án đưa ra là chọn những người trong cộng đồng am hiểu về ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc mình, có trình độ chuyên môn ít nhất là tốt nghiệp cao đẳng, đại học để đào tạo thành giáo viên dạy tiếng dân tộc cho cán bộ công chức.
Để đào tạo người dạy, Sở Nội vụ Lâm Đồng đã phối hợp với Sở Giáo dục Lâm Đồng tổ chức các đợt tập huấn hằng năm về nội dung tài liệu, phương pháp giảng dạy, kỹ năng ra đề thi, kỹ năng coi thi, chấm thi theo quy chế... Cùng đó là các chuyến học tập, trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh Tây Nguyên và trong nước. Trong năm 2008, Sở Nội vụ đã phối hợp với Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt tổ chức lớp cấp chứng chỉ sư phạm bậc 1 cho 25 người là giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số. Đến cuối năm 2012, Lâm Đồng đã mở được 96 lớp ở cả 3 tiếng K’Ho, Chu Ru và Mạ cho 3.020 cán bộ công chức, viên chức của tỉnh. Trong số này, đã tổ chức kiểm tra cuối khóa và cấp 565 giấy chứng nhận, 2.310 chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số theo phôi của Bộ Giáo dục. Tính trung bình từ năm 2005 đến nay, mỗi năm Lâm Đồng mở khoảng 10 lớp học, mỗi lớp từ 30-40 học viên. Trong năm 2013, tỉnh đã mở 10 lớp trong đó có 7 lớp trong năm gồm 2 lớp tại Đà Lạt (tại Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng tại chức Lâm Đồng), 5 lớp rải ở các huyện Lâm Hà, Đơn Dương, Di Linh, Bảo Lâm và Đạ Huoai. 3 lớp còn lại được mở tại Đam Rông trong năm 2012 và chương trình học kéo dài qua năm. Tổng số học viên 10 lớp này khoảng trên dưới 400 người. Hiệu quả lớn nhất mà chương trình mang lại chính là không ít học viên sau khi học xong đã phát huy được hiệu quả sử dụng trong thực tiễn công tác. Tại Lâm Hà, nhiều cán bộ nay có thể sử dụng tương đối thành thục tiếng K’Ho trong vận động dân. Tại Bảo Lâm, nhiều cán bộ xã có thể dùng tiếng Mạ để hòa giải mâu thuẫn trong cộng đồng người Mạ địa phương. Nhiều giáo viên các trường dân tộc nội trú sử dụng tiếng của học sinh mình để nói chuyện trong buổi chào cờ đầu tuần.
Do ngân sách có hạn nên việc mở lớp đào tạo tiếng dân tộc thiểu số hiện nay của tỉnh vẫn còn rất giới hạn dù lượng học viên đăng ký đi học mỗi năm một tăng. Theo kế hoạch, trong 2 năm đến Lâm Đồng cũng chỉ mở thêm 8 lớp với khoảng 280 học viên. Trong khi đó, một lượng lớn công chức, viên chức rất cần học tiếng dân tộc thiểu số, chẳng hạn như giáo viên ở các trường mầm non, tiểu học, giáo viên khối trường dân tộc nội trú; cán bộ y tế thôn buôn, y tế xã, đội ngũ khuyến nông, kiểm lâm cơ sở… Chính vì vậy, trong thời gian đến, bên cạnh học viên là cán bộ công chức cấp xã ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiếu số, tỉnh cũng sẽ ưu tiên cho những đối tượng trên cùng những người làm công tác xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng có đông người dân tộc thiểu số sinh sống.
Cùng đó, trước nhu cầu của rất nhiều người trong cộng đồng dân tộc thiểu số muốn tham dự các lớp học này để góp phần bảo tồn tiếng nói chữ viết của cộng đồng mình, Sở Nội vụ Lâm Đồng đang kiến nghị với Bộ Nội vụ cùng Bộ Giáo dục nên đưa việc dạy tiếng dân tộc thiểu số, trước nhất là tiếng K’Ho vào chương trình dạy học cho học sinh phổ thông ở các trường phổ thông Dân tộc Nội trú tại Lâm Đồng.
Gia Khánh