Để trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng

03:08, 06/08/2013

Hiện nay tổng số trẻ khuyết tật được đi học ở các cơ sở giáo dục chuyên biệt và hòa nhập chỉ từ 679 đến 779/2.772 cháu, chiếm tỷ lệ từ 24% - 28%. Đặc biệt, ở vùng sâu, vùng xa, nhiều trẻ khuyết tật chưa có cơ hội đến trường.

Lần đầu tiên tại Lâm Đồng, những người làm công tác giáo dục trẻ khuyết tật có một môi trường học tập những kiến thức chuyên môn trong việc nuôi dạy trẻ đặc biệt. Đó là Trung tâm giáo dục đặc biệt tỉnh Lâm Đồng. Đây cũng là trung tâm duy nhất của cả nước được sự hỗ trợ của Hàn Quốc. Qua đó, tạo điều kiện để giúp trẻ khuyết tật có thể hòa nhập cộng đồng dễ dàng hơn.

Chuyên gia của Hàn Quốc hướng dẫn cách làm và sử dụng phương tiện phục hồi chức năng bằng nguyên liệu sẵn có
Chuyên gia của Hàn Quốc hướng dẫn cách làm và sử dụng phương tiện phục hồi chức năng bằng nguyên liệu sẵn có


Theo số liệu của Phòng Giáo dục tiểu học - Sở Giáo dục và Đào tạo, Lâm Đồng hiện có 5 trường và cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật với 279 học sinh. Trong đó, có 4 cơ sở giáo dục chuyên biệt gồm Trường Thiểu năng Hoa Phong Lan, Trường Khiếm thính tỉnh, cơ sở dạy trẻ khuyết tật Mai Anh Đà Lạt, Trường Khiếm thính Ánh Sao (Bảo Lộc) và 1 cơ sở giáo dục hòa nhập là Trường Tiểu học Phan Như Thạch. Số học sinh khuyết tật học hòa nhập tại các trường mầm non và phổ thông bình quân hàng năm từ 400 - 500 học sinh. Trong khi đó, số trẻ khuyết tật từ 6 - 18 tuổi trên địa bàn khoảng hơn 2.700 trẻ.

Con số trên cho thấy số trẻ khuyết tật trong độ tuổi đi học theo học tại các trường còn khiêm tốn. Theo thống kê, hiện nay tổng số trẻ khuyết tật được đi học ở các cơ sở giáo dục chuyên biệt và hòa nhập chỉ từ 679 đến 779/2.772 cháu, chiếm tỷ lệ từ 24% - 28%. Đặc biệt, ở vùng sâu, vùng xa, nhiều trẻ khuyết tật chưa có cơ hội đến trường.

Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục hòa nhập dành cho trẻ khuyết tật ở các trường mầm non và phổ thông chưa cao. Hiện tượng trẻ “không tương thích” với chương trình và phương pháp dạy học của giáo viên rất phổ biến, nhiều trẻ phải bỏ học giữa chừng vì không theo kịp chương trình. Một trong những nguyên nhân là do việc bồi dưỡng phương pháp dạy học của giáo viên dạy lớp có trẻ khuyết tật học hòa nhập chưa được tiến hành thường xuyên và chưa có hệ thống bài bản, khoa học vì thiếu cán bộ tư vấn, hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên dạy lớp có trẻ khuyết tật học hòa nhập và tư vấn cho phụ huynh có con em khuyết tật.

Không những vậy, nhiều trẻ khuyết tật chưa có cơ hội học nghề và không có cơ hội học lên trên. Điều đó đã làm giảm ý chí phấn đấu và nhu cầu được giáo dục của trẻ. Một nguyên nhân khác là việc điều tra phát hiện trẻ khuyết tật chưa được tiến hành (với địa chỉ cụ thể), nên nhiều trẻ khuyết tật chưa được vận động đến trường, hoặc khi đến trường thì tuổi đã khá cao, nên gặp khó khăn trong học tập. Và nguyên nhân lớn nhất là nhiều phụ huynh có con em khuyết tật cũng chưa được vận động tuyên truyền và hỗ trợ để đưa con em đến lớp, thậm chí nhiều phụ huynh có tâm lý bi quan, chán nản nên bỏ mặc cho trẻ phát triển một cách tự phát.

Việc thành lập Trung tâm giáo dục đặc biệt với sự hỗ trợ của Hàn Quốc sẽ đáp ứng nhu cầu hỗ trợ chuyên môn trong lĩnh vực can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật của các nhà trường và gia đình trẻ khuyết tật. Đây cũng là trung tâm duy nhất của cả nước dưới sự hỗ trợ của tổ chức hợp tác phát triển KOICA Hàn Quốc cùng với Trường Đại học giáo dục Hàn Quốc và Hiệp hội giáo dục đặc biệt Hàn Quốc với tổng kinh phí khoảng 22 tỷ đồng. Trong đó, trang thiết bị gồm đồ dùng dạy học và các dụng cụ phục hồi chức năng với trị giá hơn 1,8 tỷ đồng được gửi qua từ Hàn Quốc dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia của Hàn Quốc về cách sử dụng để hỗ trợ cho việc giáo dục trẻ khuyết tật của địa phương.

Trung tâm giáo dục đặc biệt sẽ phối hợp cùng các cơ sở giáo dục chuyên biệt huy động từ 200 - 300 trẻ học tập chuyên biệt và từ 500 - 600 trẻ học hòa nhập tại các trường mầm non và phổ thông.

Đây sẽ là nơi tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên các trường học, thành viên của các tổ chức quần chúng, thân nhân trẻ khuyết tật, nhóm hỗ trợ cộng đồng, các tình nguyện viên… có những kiến thức và kỹ năng về can thiệp sớm, chăm sóc và giáo dục trẻ khuyết tật để đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ. Đồng thời, tập huấn đội ngũ cộng tác viên, nhân viên y tế về phục hồi chức năng sử dụng những phương tiện phục hồi chức năng hiện đại, cách làm và sử dụng phương tiện phục hồi chức năng bằng nguyên liệu sẵn có tại địa phương và gia đình trẻ khuyết tật. Hướng dẫn cha mẹ trẻ khuyết tật cách chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật tại gia đình.

Sau khi đi vào hoạt động, Trung tâm giáo dục đặc biệt còn có phòng tư vấn cho phụ huynh có con em khuyết tật để họ có được những lựa chọn đúng đắn trong việc giáo dục con em mình. “Đây sẽ là địa chỉ tin cậy cho phụ huynh và giáo viên trong việc lựa chọn môi trường giáo dục, định hướng nghề nghiệp và chữa bệnh cho trẻ khuyết tật, giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng dễ dàng hơn”, ông Nguyễn Hữu Hoa – Hiệu trưởng Trường Thiểu năng Hoa Phong Lan chia sẻ.

Tuấn Hương