Đưa hình ảnh đạo đức Bác Hồ vào lòng học sinh

04:08, 29/08/2013

Ở Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Bảo Lâm, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một khái niệm rất gần gũi. Không có những bài giảng đạo đức lý thuyết sáo rỗng, cũng không có những phong trào thi đua hình thức. Đó là mục tiêu mà nhà trường hướng đến.

Ở Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú (PTDTNT) huyện Bảo Lâm, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một khái niệm rất gần gũi. Không có những bài giảng đạo đức lý thuyết sáo rỗng, cũng không có những phong trào thi đua hình thức. Đó là mục tiêu mà nhà trường hướng đến.

“Đối với các em học sinh DTTS, không thể cứ nói các em hãy yêu Bác, hãy làm theo Bác là các em nghe và làm theo đâu. Nói về Bác, học về Bác, thi tìm hiểu về Bác… tất cả đều đã được làm rồi; nhưng không hiệu quả bằng việc hàng năm Trường tổ chức cho các em những chuyến về thăm quê Bác, thăm lăng Bác, thăm Phủ Chủ tịch, thăm Thủ đô…” - thầy giáo Nguyễn Ri, Hiệu trưởng Trường PTDTNT huyện Bảo Lâm, tâm sự như thế.

Giáo viên và học sinh của trường trong một chuyến về thăm quê Bác
Giáo viên và học sinh của trường trong một chuyến về thăm quê Bác


Được về quê Bác, tận mắt đi trên con đường làng ngào ngạt hương sen dẫn vào ngôi nhà sàn đơn sơ, nhìn thấy cái phản, cái ghế, cái bàn trong nhà Bác; được thắp nén nhang trên bàn thờ thân phụ Bác; được nghe cô hướng dẫn viên trong Phủ Chủ tịch kể về tấm lòng của Bác đối với học sinh, với đồng bào DTTS; được sờ vào cái áo, cái mũ của Bác; được vào thăm Lăng Bác, nhìn thấy Bác nằm thanh thản, hiền lành…; nhiều em đã trốn ra một góc riêng lau nước mắt. Cứ bằng những cách như thế mà những bài học đạo đức, những mẩu chuyện đầy cảm xúc, yêu thương của Bác Hồ đi vào lòng các em nhẹ nhàng mà sâu sắc. Sau mỗi chuyến đi, khi trở về, nhiều em trở nên ngoan hơn, học chăm hơn, hăng say lao động hơn…

Ngoài những chuyến về thăm quê Bác, các em còn được “về nguồn” vào những dịp lễ, những ngày kỷ niệm. Những chuyến đi như thế tạo điều kiện cho các em dạn dĩ, mở mang kiến thức, biết yêu thương, chia cái khó, cái nghèo với các bạn DTTS còn nghèo.

Cô giáo Nguyễn Thị Tài - Phó Hiệu trưởng, cho biết: “Trường không nặng lý thuyết khi giảng dạy về Bác. Thế mạnh của trường là giáo dục kỹ năng sống, tổ chức các mô hình “làm theo” cho các em. Mỗi năm học, mỗi cấp học, các em đều phải thực hành nâng cao chất lượng đời sống, tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn nội trú bằng việc trồng rau, trồng khoai lang, hoặc chăm sóc công trình măng non, vườn hoa, cây cảnh… Trường tập cho các em biết quý công sức lao động, biết tự lập và trân trọng giá trị cuộc sống”.

Ngoài ra, những mẩu chuyện về Bác cũng được các em tái hiện và lồng ghép trong các hoạt động dưới cờ, các chuyên đề văn học, ngoại khóa về biển đảo, an toàn giao thông… Theo thầy giáo Nguyễn Ri, trong các hoạt động giáo dục, cần lấy cái “thần” của Bác để giáo dục học sinh. Đó chính là tình yêu thương. Những mẩu chuyện về Bác thuyết phục, cảm hóa được người khác, chính vì trong đó hàm chứa tình yêu thương. Vì thế, mọi hoạt động giáo dục trong trường đều xuất phát từ tình yêu thương. Đối với học sinh DTTS, chỉ cần thực sự yêu thương các em, tạo cho các em một môi trường giáo dục an toàn, thân thiện thì các mục tiêu giáo dục sẽ dễ dàng đạt được.

Từ 2 năm nay, Trường PTDTNT  huyện Bảo Lâm thực hành phương châm: “Chia sẻ”. Khi đã cảm được bài học yêu thương, từ hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn cho tới học sinh đều phải biết chia sẻ với nhau. Bằng cách này mà mọi hoạt động phong trào, mọi nhiệm vụ từ dạy đến học trong trường đều trở nên nhẹ nhàng, thoải mái.

Thầy giáo Nguyễn Ri trao đổi: “Đừng nói gì đến thầy cô, ngay cả đội ngũ nấu bếp, nếu không yêu thương học sinh thì làm sao nấu được những bữa ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng cho các em. Ngược lại, học sinh cũng phải biết yêu thương, chia sẻ với “nhà bếp” bằng cách phụ dọn chén, dọn bàn trước khi ăn và rửa chén, xếp bàn sau khi ăn xong. Hoặc như năm học 2012 - 2013 vừa qua, trường thực hiện mô hình “đổi mới, nâng cao chất lượng giờ sinh hoạt lớp”.

Đặc biệt, một mô hình giáo dục hiệu quả giúp các em học sinh DTTS chia sẻ trách nhiệm với nhau đã được trường tổ chức từ 2 năm nay. Đó là quản lý nhóm. “Năm học 2011, do chất lượng giáo dục học sinh dân tộc quá yếu, nên từ tháng 2/2012, trường tổ chức mô hình quản lý nhóm” - thầy giáo Nguyễn Ri cho biết.

Trường có hơn 250 học sinh với 8 lớp. Mỗi lớp chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm 10 em; phân đều các em khá, trung bình, yếu trong mỗi nhóm. Mỗi thầy cô giáo trong trường phải phụ trách 1 nhóm. Riêng Hiệu trưởng sẽ phụ trách nhóm nào yếu nhất. Ngoài giờ học, từng nhóm sẽ ngồi lại để trao đổi, làm rõ những điểm mạnh, yếu của nhóm, của từng thành viên; trên cơ sở đó, sẽ tìm ra cách để phát huy thế mạnh, cải thiện điểm yếu, giúp nhau vươn lên trong học tập. Khi các em không thể giúp nhau thì thầy cô sẽ là người hỗ trợ.

Nhờ thực hiện phương pháp này mà chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt. Cuối năm học 2012 - 2013, toàn trường có 2 em xuất sắc, 4 em giỏi và 111 em khá, chỉ còn 13 học sinh yếu và không có học sinh trung bình. Đặc biệt, từ khi triển khai Cuộc vận động Học tập và làm theo gương Bác, hằng năm, trường đều có 100% học sinh xếp loại hạnh kiểm khá, tốt. Năm 2012, Trường PTDTNT Bảo Lâm được đánh giá là trường tiêu biểu xuất sắc khối Dân tộc nội trú của tỉnh và nhiều năm liền là điển hình của huyện trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

HẢI UYÊN