Giáo dục Đà Lạt giành lại ngôi vị "anh cả"

03:08, 25/08/2013

Sau hơn 10 năm, giáo dục thành phố Đà Lạt giành lại ngôi vị "anh cả" của ngành GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng. Năm học 2012-2013, Phòng GD&ĐT Đà Lạt hoàn thành xuất sắc 15/16 lĩnh vực công tác; là đơn vị xuất sắc tiêu biểu khối các phòng GD&ĐT, được UBND tỉnh tặng "Cờ thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học".

Sau hơn 10 năm, giáo dục thành phố Đà Lạt giành lại ngôi vị “anh cả” của ngành GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng. Năm học 2012-2013, Phòng GD&ĐT Đà Lạt hoàn thành xuất sắc 15/16 lĩnh vực công tác; là đơn vị xuất sắc tiêu biểu khối các phòng GD&ĐT, được UBND tỉnh tặng “Cờ thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học”.

Một giải pháp nâng chất lượng và hiệu quả ở tiểu học là thi Viết chữ đẹp
Một giải pháp nâng chất lượng và hiệu quả ở tiểu học là thi Viết chữ đẹp


Để nâng hiệu lực, hiệu quả quản lý, năm học 2012-2013, đội ngũ GD&ĐT Đà Lạt tiếp tục đào sâu nội dung các văn kiện chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và ngành. Cùng đó, tập trung ứng dụng công nghệ thông tin; gắn nhiệm vụ với các cuộc vận động và phong trào thi đua; phối hợp chặt chẽ với các bộ phận chức năng và UBND phường, xã. Kết quả năm học 2012-2013, 29/29 trường mầm non (MN) và 26/26 trường phổ thông hoàn thành công tác tự đánh giá. Trong đó, 3 trường tiểu học (TH) Đoàn Thị Điểm, Nam Hồ, Lê Lợi và 2 trường THCS Phan Chu Trinh, Nguyễn Đình Chiểu được công nhận đạt chất lượng giáo dục. Thành phố có 29 trường đạt chuẩn quốc gia, bao gồm: 7 trường MN; 15 trường TH; 5 trường THCS và 2 trường THPT, tăng 2 trường so với năm học trước. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đến trường tăng 3,8%; tất cả các trường mẫu giáo tổ chức bán trú với 100% trẻ được bán trú học 2 buổi/ngày; trẻ suy dinh dưỡng còn 3,2%. Ngày 30/6/2013, cùng Đơn Dương, Đạ Huoai, thành phố Đà Lạt được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn phổ cập MN cho trẻ 5 tuổi.

Nhằm bồi dưỡng năng khiếu và phát huy tính tích cực của học sinh (HS), Đà Lạt triển khai nhiều cuộc thi thiết thực và hiệu quả như: giải toán trên mạng (Violympic); tiếng Anh trên mạng (IOE); Hùng biện tiếng Anh; Viết chữ đẹp... Các trường tăng cường đổi mới nhiều lĩnh vực chuyên môn, từ quản lý, sinh hoạt tổ, nhóm, đến ra đề kiểm tra, xây dựng chương trình. Năm học 2012-2013, thành phố bội thu về học sinh giỏi các cấp: 22 giải quốc gia và khu vực, 53 em xuất sắc toàn trường, 272 em đạt HS giỏi cấp tỉnh và 394 em cấp thành phố. So năm học trước, tỷ lệ HS phổ thông loại khá và giỏi tăng, HS yếu kém giảm; 100% HS lớp 5 được công nhận hoàn thành chương trình TH; gần 99% tốt nghiệp THCS, tăng 0,65 %. Ở Đà Lạt, trong 16/16 phường, xã thành lập Trung tâm học tập cộng đồng, điều đáng ghi nhận hơn là 2 năm nay mỗi Trung tâm được hỗ trợ 12 triệu đồng/năm để hoạt động, thu hút hơn 8 ngàn lượt người tham gia bồi dưỡng chuyên đề. Năm học vừa qua, Đà Lạt có 1.874 CBQL, GV, NV, trong đó, đạt chuẩn cả ở MN, TH và THCS từ hơn 99%-100%; đạt trên chuẩn có gần 58% ở MN; hơn 82% ở TH và gần 66% ở THCS. Đáng mừng nữa là thành phố đã phát triển với 72 trường (không kể 3 trường chuyên biệt) đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của hơn 48.100 HS…

Với những nỗ lực trên, năm học 2012-2013, ngành GD&DT Đà Lạt được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen cho 2 tập thể và 2 cá nhân; UBND tỉnh công nhận 15 tập thể LĐXS, 59 CSTĐ cấp tỉnh, tặng Bằng khen 4 tập thể và 17 cá nhân. Ngoài ra, có 25 tập thể và 91 cá nhân được tặng Giấy khen của Sở GD&ĐT, UBND thành phố; 26 tập thể LĐTT và 364 cá nhân là CSTĐ cấp cơ sở…

Tuy nhiên, GD&ĐT Đà Lạt vẫn còn những tồn tại và hạn chế tiếp tục phải khắc phục trong năm học mới. Đó là, chất lượng giáo dục tuy đã dẫn đầu tỉnh nhưng vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu, nhất là một số địa bàn vùng ven, vùng dân tộc thiểu số chưa thật vững chắc. Mặt khác, một bộ phận cán bộ quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục; số ít GV phổ thông chuyển biến chưa rõ nét về năng lực sư phạm và chuyên môn,… Tình trạng tồn tại nhiều trường 2 cấp học (THCS&THPT) sẽ là khó khăn trong chỉ đạo chuyên môn; quá tải HS ở nhiều trường trung tâm là trở ngại để duy trì tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia…

Trưởng phòng GD&ĐT Đà Lạt Nguyễn Vĩnh Phúc cho biết: Ngành đã đề ra nhiều nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp học để phát huy những mặt đã đạt được và khắc phục những tồn tại ngay từ đầu năm học. Theo đó, các trường bắt đầu bàn thảo, đề ra những kế hoạch năm học. Một trong những nhiệm vụ, theo ông Phúc là: Triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy học đối với HS dân tộc thiểu số, HS vùng ven; phổ cập giáo dục và xây dựng nông thôn mới. Cùng công tác tự đánh giá là tăng cường kiểm tra, giám sát; tập trung đào tạo-bồi dưỡng GV; đổi mới phương pháp từ dạy học đến kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS… Nhiệm vụ của GD&ĐT Đà Lạt năm học 2013-2014 là: tăng tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đến trường từ 0,5% - 1%; trẻ độ tuổi mẫu giáo từ 3 - 5%; 100% trẻ 5 tuổi được huy động, trong đó, học 2 buổi/ngày 100% ở các phường, ít nhất 95% ở các xã. Phấn đấu giảm ít nhất 1% số trẻ suy dinh dưỡng so cùng kỳ; đảm bảo 100% trẻ mẫu giáo dân tộc thiểu số được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1...

Trong bậc phổ thông, tăng cường cho HS TH trên các mặt giáo dục như đạo đức, kỹ năng sống... Tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) tại trường Đa Thành và nhân rộng mô hình này đến các trường Lê Quý Đôn, Trại Mát, Nam Hồ, Đa Lợi, Cửu Long. Phấn đấu thêm 2 trường TH đạt chuẩn là Trạm Hành và Nam Thiên. Đối với trung học, đồng bộ các giải pháp linh hoạt, sáng tạo từ đánh giá, đến phương pháp nhằm từng bước nâng dần chất lượng và hiệu quả lên một tầm mới. Mặt khác, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường THCS, THPT đạt chuẩn quốc gia; tiếp tục duy trì có chất lượng mô hình tổ chức dạy 2 buổi/ngày tại THCS Nguyễn Đình Chiểu. Góp phần thực hiện chủ trương tăng đội ngũ lao động có tay nghề tại địa phương. Năm học 2013-2014, ngành GD&ĐT Đà Lạt thực hiện phân luồng với chỉ tiêu ít nhất từ 10% - 15% HS tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp...

Minh Đạo