Trong cuộc đấu tranh kháng chiến chống Mỹ, cùng với các vùng căn cứ và vùng tạm chiếm, quân và dân H30 (Đại Lào) đã vượt qua muôn vàn khó khăn, đóng góp sức người, sức của, cùng lực lượng địa phương và bộ đội chủ lực làm nên chiến thắng lịch sử năm 1975.
Trong cuộc đấu tranh kháng chiến chống Mỹ, cùng với các vùng căn cứ và vùng tạm chiếm, quân và dân H30 (Đại Lào) đã vượt qua muôn vàn khó khăn, đóng góp sức người, sức của, cùng lực lượng địa phương và bộ đội chủ lực làm nên chiến thắng lịch sử năm 1975. H30 vinh dự được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Một góc thành phố Bảo Lộc hôm nay. Ảnh: BÙI TRƯỞNG |
Trong cuộc hành trình tìm hiểu về H30, chúng tôi may mắn gặp được ông Lê Tấn Hưng (tức Ba Hưng), nguyên Phó Bí thư Đảng bộ T29 và được nghe kể về quá trình hình thành và hoạt động của H30 (là tên gọi phiên hiệu của một tổ chức cách mạng, tại địa bàn xã Đại Lào ngày nay).
H30 là vùng hoạt động bí mật của cách mạng trong lòng địch, là cơ sở cách mạng, là điểm truyền tin, móc nối che giấu cán bộ và cung cấp lương thực, thực phẩm cho lực lượng du kích địa phương cũng như lực lượng bộ đội chủ lực. Không còn nhiều tư liệu và hình ảnh về H30, nhưng thật may vì trong chuyến hành trình này, chúng tôi gặp được nhiều nhân chứng sống, là những người gắn bó với H30 từ những ngày đầu, cùng trải qua bao gian nan thử thách.
Theo chân ông ba Hưng và các cựu chiến binh T29, chúng tôi đến thăm nhà và thắp nén nhang tưởng nhớ ông Lê Luyến - trước đây là Bí thư Chi bộ H30. Đây là 1 trong 7 gia đình cách mạng tiêu biểu thời bấy giờ. Ông sinh năm 1910, thoát ly tham gia cách mạng từ năm 1939, là 1 trong những cán bộ tiền khởi nghĩa của huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Năm 1958, vào Đại Lào, ông tiếp tục hoạt động cách mạng, vận động người thân trong gia đình cũng như bà con trong “ấp chiến lược” cùng tham gia hoạt động cách mạng.
Nói về ông Lê Luyến và việc thành lập H30, ông Lê Tấn Hưng cho biết: “Chi bộ H30 ngày đầu thành lập chỉ có 3 đảng viên, bao gồm ông Lê Luyến, bà Bảy Nhung và ông Bùi Khâm (tự Muời Khâm). Riêng ông Lê Luyến là 1 đảng viên ưu tú, nhà của ông cũng chính là cơ sở cách mạng. Chính H30 đã góp phần tạo nên chiến công chung của quân và dân thị xã B’Lao”.
Cùng với gia đình ông Lê Luyến, gia đình ông Muời Khâm cũng là một trong số các gia đình đã có nhiều cống hiến, đóng góp cho H30. Đã gần 40 năm đất nước hoàn toàn giải phóng, thế nhưng, kí ức về một thời đạn bom, khói lửa, gắn bó với cách mạng, cùng đồng đội, đồng chí đánh Mỹ, diệt Ngụy, làm chỗ dựa tin cậy của Đảng, của cách mạng vẫn mãi in sâu trong tâm trí đôi vợ chồng già Bùi Khâm và Nguyễn Thị Thu. Khi thì những vắt cơm được giấu thật kỹ trước khi đem ra chỗ hẹn; lúc thì cùng tải những bao gạo, bao muối; khi rải truyền đơn, lúc cung cấp thuốc men, hay thồ đạn dược…, những việc làm tưởng rất giản đơn, nhưng lại là điều phi thường của những người bình thường đang sống trong lòng địch, trong sự kìm kẹp vây hãm, trong các đợt truy kích ráo riết của kẻ thù.
Là căn cứ nằm sâu trong lòng địch, được hình thành trong giai đoạn địch ráo riết xây dựng ấp chiến lược, khu tập trung, dồn dân vào các ấp để quản lý, nhưng với ý chí quật cường, mưu trí, một lòng kiên trung theo Đảng, quyết tâm đánh đuổi quân thù, chỉ sau một thời gian ngắn, H30 đã huy động được 83 anh chị em thoát ly tham gia kháng chiến. Tại vùng căn cứ mật, có 7 gia đình vẫn âm thầm chịu đựng gian khổ, bám ấp, bám làng, cung cấp tình hình hoạt động của địch; tiếp nhận và cung cấp lương thực, thực phẩm, những mặt hàng thiết yếu cho lực lượng cách mạng; đồng thời, bí mật hỗ trợ Đội vũ trang công tác binh vận, góp phần cùng nhân dân và lực lượng vũ trang làm thất bại các âm mưu, chiến lược của Mỹ Ngụy.
Cuộc chiến nào cũng có thương vong, trong cuộc chiến đấu dai dẳng, gian nan, ác liệt ấy, 41 trong tổng số 83 chiến sỹ thoát ly và tham gia hoạt động cách mạng bí mật tại H30, đã anh dũng hy sinh. Họ nằm lại trong lòng đất mẹ, để đem lại mùa xuân cho đất nước, cho mầm sống tiếp tục nảy nở sinh sôi, cho thế hệ hôm nay được vui sống trong độc lập - tự do - hạnh phúc.
Giờ đây, trong số những người còn sống, có người thân thể không trọn vẹn, không ít người mang trong mình vết thương chiến tranh, đau nhức lúc trái gió trở trời, thế nhưng, họ vẫn tiếp tục nỗ lực, nêu gương sáng cho các thế hệ sau học tập. Để rồi, mỗi khi có dịp, họ lại gặp nhau tâm sự, sẻ chia về những tháng ngày đầy gian khổ nhưng rất hào hùng, và cùng nhau thắp nén nhang tưởng nhớ, tri ân người đã khuất, cũng như trò chuyện về cuộc sống hôm nay, về sự phát triển không ngừng của địa phương sau gần 40 năm thay da đổi thịt.
Bích Hồng