Được đưa vào triển khai thí điểm tại Chi cục Hải quan Đà Lạt từ năm 2009 đến nay, thủ tục hải quan điện tử được cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong toàn tỉnh hưởng ứng khá tích cực. Có nhiều tiện ích của hải quan điện tử đã giúp cải cách đáng kể thủ tục hành chính trong kê khai hải quan so với trước đây, song cũng còn nhiều công đoạn chưa thực sự "thoáng"!
Được đưa vào triển khai thí điểm tại Chi cục Hải quan Đà Lạt từ năm 2009 đến nay, thủ tục hải quan điện tử được cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong toàn tỉnh hưởng ứng khá tích cực. Có nhiều tiện ích của hải quan điện tử đã giúp cải cách đáng kể thủ tục hành chính trong kê khai hải quan so với trước đây, song cũng còn nhiều công đoạn chưa thực sự “thoáng”!
THÔNG QUAN NHANH HƠN
Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, hải quan điện tử là một “đột phá” trong cải cách hành chính của ngành hải quan, giúp giảm thời gian thông quan hàng hóa, giảm tiếp xúc giữa DN với cơ quan hải quan, giảm phiền hà, tiêu cực. Ông Phạm Quang Phong - Kế toán trưởng Công ty CP tơ tằm Á Châu, cho biết: “Nếu trước đây, để hoàn tất thủ tục hải quan cho một lô hàng xuất hoặc nhập, DN phải lui tới hải quan hai, ba lần, thì nay chỉ ở nhà cũng biết được lô hàng của mình có thể thông quan hay không. Theo phần mềm hải quan điện tử, mọi yêu cầu chi tiết trong hồ sơ đều được tự động “update”. Chấp hành kê khai theo các yêu cầu này, hồ sơ đủ hay thiếu, DN biết ngay từ đầu và chỉ đến hải quan duy nhất một lần để hoàn tất công đoạn cuối cùng là “chứng thực” hồ sơ gốc”.
Nếu trước đây phải mất khoảng 30 phút cho việc kiểm tra chi tiết hồ sơ một lô hàng, thì nay thời gian kiểm tra chỉ còn 5 phút, thậm chí chỉ cần 2 phút để hệ thống tự động hồi báo kết quả thông quan lô hàng. Rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, nên số lượng hồ sơ được thông quan qua điện tử nhiều hơn. Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2013, có hơn 3.000 tờ khai hải quan đã được giải quyết, tăng 10% so với 2012.
KHAI ĐIỆN TỬ, BÁO ĐIỆN THOẠI
Tuy nhiên, ông H - một đại lý tại Bảo Lộc chuyên thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu, cho biết: “Khai báo hải quan điện tử thì phải khai qua mạng, nhưng để biết chính xác kết quả thì có khi phải dùng điện thoại. Bản thân tôi làm dịch vụ này đã từng “kinh qua” nhiều hải quan điện tử ở Bảo Lộc, TP.HCM, Hải Phòng, Buôn Ma Thuột…, ở đâu cũng đều phải “Alô” để kiểm tra kết quả và “đẩy” nhanh tiến độ thông quan. Cũng theo ông H, những yêu cầu bắt buộc trong hồ sơ kê khai hải quan điện tử giúp DN nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nhưng đôi lúc “máy móc” quá cũng làm chậm quá trình thông quan.
Ví dụ, trong cùng một thời điểm, DN không thể thông quan 3 lô hàng tại 3 Chi cục Hải quan khác nhau. Vì về nguyên tắc, hồ sơ thông quan yêu cầu phải có giấy nộp tiền chứng nhận đã đóng thuế xuất nhập khẩu cho lô hàng, DN mở tờ khai ở đâu thì đóng thuế ở đó và có hóa đơn đỏ (bản gốc) kèm trong lô hàng làm thủ tục thông quan tại nơi mở tờ khai. Muốn thông quan 2 lô hàng còn lại, DN phải tuần tự gửi chuyển phát nhanh (EMS) hóa đơn nộp tiền đến các chi cục hải quan khác để bổ sung vào hồ sơ thông quan (do hệ thống không chấp nhận bản Fax). “Trong những trường hợp đó, chúng tôi phải liên lạc điện thoại nhiều lần với các chi cục hải quan để xác nhận về việc đã gửi hoặc nhận hóa đơn. Điều này làm mất thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ xuất hoặc nhập hàng hóa của DN, trong khi ai cũng biết một lô hàng khi đã gửi hồ sơ thông quan tất nhiên đã phải hoàn tất mọi thủ tục thuế, phí từ trước” - Ông H phân trần.
MÁY MÓC VẪN LÀ NGƯỜI
Một DN khác, ông Đậu Hồng Danh – đại diện Công ty TNHH Kimono Japan (KCN Lộc Sơn), phản ánh: “Dù là điện tử, nhưng không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Đôi lúc do đường truyền bị nghẽn hoặc vì lý do nào đó về mặt kỹ thuật, DN không nhận được thông tin phản hồi, vẫn phải đích thân ra tận nơi để làm thủ tục thông quan. Thời gian chạy từ KCN Lộc Sơn ra đến Đội nghiệp vụ số 2 (thuộc Chi cục Hải quan Đà Lạt) đóng tại Bảo Lộc (khoảng 8 km) còn nhanh hơn thời gian hệ thống hồi báo. Vậy thì chi bằng đến tận nơi làm thủ tục luôn cho rồi!”.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Đức Mười, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Đà Lạt, thì hạn chế của hải quan điện tử chính là việc thu thập thông tin của DN để cập nhật vào hệ thống có những thời điểm chưa kịp thời, nên đôi khi kết quả mà hệ thống đưa ra đối với một lô hàng cần thông quan của DN đó chưa được chính xác! Tuy nhiên, ông Mười cũng cho biết: “Theo kỹ thuật quản lý rủi ro, hệ thống sẽ tự động phân luồng. Thông thường, những lô hàng nào có hồ sơ đầy đủ, đảm bảo các yêu cầu thông quan thì máy sẽ đưa vào “luồng xanh”; tuy nhiên, cũng có những lô hàng sẽ được hệ thống chọn ngẫu nhiên để đưa vào “luồng vàng” (kiểm tra chi tiết hồ sơ) hoặc “luồng đỏ” (kiểm tra chi tiết hàng hóa)”. Trong trường hợp lô hàng rơi vào “luồng vàng” hoặc “luồng đỏ” thì thời gian kiểm tra sẽ lâu hơn và bắt buộc DN phải có mặt tại hải quan. Yêu cầu đặt ra - theo ông Mười - là cần thường xuyên nâng cấp đường truyền cũng như cán bộ hải quan phải tăng cường nghiên cứu, liên tục cập nhật các kỹ thuật về phần mềm hải quan điện tử để đáp ứng nhu cầu nhanh, nhạy, chính xác của công việc.
DỊCH VỤ HẢI QUAN “LÊN NGÔI”
Một hạn chế khác khiến một số DN vẫn chưa “mặn mà” với hải quan điện tử là mức phí để mua và cài đặt phần mềm hải quan điện tử khá cao: 1,8 triệu đồng/bản (đối với DN sản xuất kinh doanh) và 10 triệu đồng/bản (đối với DN gia công xuất khẩu). Đó là chưa kể, mỗi năm DN phải bỏ thêm một khoản phí duy trì 5 - 6 triệu đồng để nâng cấp phần mềm. Đối với những DN vừa và nhỏ, vốn ít, không có điều kiện đầu tư công nghệ, mỗi năm chỉ xuất hoặc nhập 1 - 2 lô hàng, thì đó là khoản đầu tư phải suy tính. Đó cũng là lý do tại sao có khá nhiều DN tìm đến với các đại lý kinh doanh dịch vụ xuất nhập khẩu, thay vì tự động cập nhật phần mềm kê khai hải quan điện tử cho DN của mình. Toàn tỉnh hiện có 3 đại lý làm dịch vụ này: 2 đại lý tại Đà Lạt và 1 đại lý tại Bảo Lộc.
Ông Nguyễn Vĩnh Quảng - Chi cục phó Chi cục Hải quan Đà Lạt, Đội trưởng Đội nghiệp vụ số 2 tại Bảo Lộc, cho biết: “Kể từ khi Thông tư 196 “quy định thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thương mại” được triển khai, đã quy định rõ: “Các DN đáp ứng đủ điều kiện (về nhân viên được đào tạo và có chứng chỉ, đăng ký chữ ký số, phần mềm hệ thống đầy đủ…) thì mới được tham gia hải quan điện tử. DN nào không đáp ứng đủ điều kiện thì phải thông qua các đại lý làm thủ tục hải quan. Tuy nhiên, dù bằng hình thức nào thì theo lộ trình đến đầu năm 2014, khi triển khai dự án thông quan điện tử quốc gia (VNACCP/VCIS), bắt buộc 100% DN xuất nhập khẩu trên toàn quốc đều phải tham gia hải quan điện tử. Hiện tại, con số này ở Lâm Đồng là trên 95%.
HOÀNG HẢI