Một cuộc khảo sát ý kiến người dân trong việc thực hiện cải cách hành chính trên lĩnh vực cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, Quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại 4 địa phương gợi mở những vấn đề các cấp, ngành cần tiếp tục quan tâm.
Một cuộc khảo sát ý kiến người dân trong việc thực hiện cải cách hành chính trên lĩnh vực cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, Quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại 4 địa phương gợi mở những vấn đề các cấp, ngành cần tiếp tục quan tâm. Bởi sự hài lòng của người dân về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực này sẽ là thước đo hiệu quả cải cách thủ tục cũng như ý thức cán bộ “vì dân phục vụ”.
Thực hiện cải cách hành chính “một cửa” giải quyết hồ sơ nhà đất tại UBND Tp Đà Lạt. Ảnh: N.Minh |
Các địa phương được Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát chuyên đề việc thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai, nhà ở bao gồm huyện Cát Tiên, huyện Di Linh và thành phố Đà Lạt. Qua đó, ngoài việc giám sát trực tiếp, đoàn giám sát đã phát 74 phiếu khảo sát cho người dân tại các địa phương trên và được người dân gửi về Ban Pháp chế - Hội đồng Nhân dân tỉnh. Nội dung của phiếu khảo sát đề cập đến 8 vấn đề liên quan đến hồ sơ, thủ tục, quy trình giải quyết, số lần nộp đủ hồ sơ, việc hướng dẫn, giải thích của công chức trong quá tình giải quyết thủ tục hành chính... và những kiến nghị mà người dân quan tâm. Trong đó đáng chú ý là nội dung công chức thực hiện nhiệm vụ có gây khó khăn, phiền hà hay không, thời gian nhận kết quả hay mức độ hài lòng của người dân về cách thức của cơ quan tiến hành giải quyết thủ tục hành chính về cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất…
Tổng hợp kết quả khảo sát cho thấy, đánh giá về thành phần hồ sơ, quy trình giải quyết thủ tục hành chính cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất có 64,86% (48 lựa chọn) dễ hiểu, dễ thực hiện; 32,43% (24 lựa chọn) cho rằng khó hiểu, khó thực hiện, còn lại không lựa chọn phương án nào. Về số lần đến cơ quan giải quyết thủ tục để nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất có 18,91% tới một lần, 28,37% tới cơ quan thực hiện hai lần, trong khi đó có tới 39 lựa chọn (tỷ lệ 52,72%) phải đi từ ba lần trở lên. Đánh giá về trách nhiệm hướng dẫn, giải thích của công chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính có 43 lựa chọn (58,11% phiếu) cho rằng được hướng dẫn, giải thích rõ ràng; 23 lựa chọn (31,08% phiếu) cho rằng không rõ ràng và không được hướng dẫn, giải thích có 5 lựa chọn (6,75%), còn lại 3 lựa chọn (4,06%) chọn cả hai nội dung không rõ ràng và không được hướng dẫn.
Thời gian nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, kết quả đã nhận có 47 lựa chọn (63,51%); trong đó đúng hẹn 29 lựa chọn, trễ hẹn 18 lựa chọn; chưa nhận kết quả có 12 lựa chọn (16,22%), trong đó chưa đến hẹn 4 và trễ hẹn 8 lựa chọn trong tổng số phiếu được khảo sát.
Đối với câu hỏi công chức thực hiện nhiệm vụ có gây khó khăn, phiền hà cho người dân trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính hay không? Trả lời có gây khó khăn, phiền hà với 37 lựa chọn (bằng 50% số phiếu khảo sát). Trong đó, có 7 lựa chọn bị gây khó khăn, phiền hà ở cấp xã, 6 lựa chọn đối với cấp huyện và cả hai cấp xã và huyện là 22 lựa chọn cho rằng có bị gây phiền hà và 2 lựa chọn không nói rõ cấp nào. Theo đó, số phiếu còn lại có 36 lựa chọn (48,64 phiếu) cho rằng không bị gây khó khăn, phiền hà và 1 phiếu chọn cả hai phương án. Đo lường mức độ hài lòng về cách thức làm việc của cơ quan giải quyết thủ tục hành chính cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất có 32 lựa chọn (42,24% phiếu) cho rằng hài lòng, trong khi đó có 38 lựa chọn (51,35% phiếu) đánh giá không hài lòng, số còn lại không lựa chọn đáp án nào.
Bên cạnh những đánh giá nêu trên, một số người dân còn có ý kiến, phản ảnh và kiến nghị những nội dung mà người dân quan tâm. Đó là việc giải quyết hồ sơ còn khó khăn, không thuận lợi, người dân phải chi phí những khoản tiền ngoài quy định. Hay có ý kiến cho rằng không thấy niêm yết, công khai thủ tục, việc tiếp nhận hồ sơ không đảm bảo, nhất là cán bộ địa chính ở cấp xã nên người dân phải đi lại nhiều lần. Thời gian thẩm định, thủ tục giải quyết hồ sơ còn rườm rà. Đặc biệt phải có bộ phận giám sát cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết hồ sơ để nắm được số lượng hồ sơ tiếp nhận, đã giải quyết và chưa giải quyết trong tháng, quý ra sao, tránh tình trạng kéo dài thời gian gây phiền hà cho dân. Đồng thời người dân cũng đề nghị nên nêu gương sáng điển hình trong đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận trên các phương tiện thông tin đại chúng để cán bộ, công chức khác học tập.
Qua khảo sát, thăm dò ý kiến người dân với tinh thần khách quan và sự “phản hồi” của người dân đối với từng nội dung được khảo sát cho thấy vẫn còn đâu đó sự tắc trách trong việc thực hiện cải cách hành chính và giải quyết thủ hành chính tục liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhất là ở các cấp xã, phường, thị trấn. Vì vậy, theo đánh giá của Ban Pháp chế - Hội đồng Nhân dân tỉnh tại báo cáo kết quả giám sát là “không loại trừ khả năng tiêu cực, sách nhiễu của cán bộ, công chức thực hiện giải quyết thủ tục liên quan tới đất đai” nên cần phải có bộ phận giám sát cán bộ, công chức trực tiếp làm nhiệm vụ này và không ngừng nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức ở cơ sở.
HỒ XUÂN TRUNG