Không phụ lòng người, đất nở hoa

03:08, 11/08/2013

Xã Đạ Sar đang đứng đầu về thành quả hành trình giảm nghèo nhanh và bền vững trong 29 xã nghèo của tỉnh Lâm Đồng.

Xã Đạ Sar đang đứng đầu về thành quả hành trình giảm nghèo nhanh và bền vững trong 29 xã nghèo của tỉnh Lâm Đồng. Năm 2008, xã có 186 hộ nghèo, cuối 2012 chỉ còn 57 hộ, chiếm 6,08% và 21 hộ cận nghèo, tỷ lệ 4,21%. Mức giảm nghèo chung so năm 2011 cao nhất huyện Lạc Dương với 47,22%; đạt 113% chỉ tiêu giao. 30% đã thoát nghèo có tích lũy, Đa Sar đứng thứ 2 sau thị trấn Lạc Dương về mặt bằng thu nhập.

Để dân nghèo là tội lỗi

Đến xã, nhiều thành viên Đảng ủy, chính quyền, đoàn thể của Đạ Sar và các hộ nông dân K’Ho đang cùng cán bộ huyện Lạc Dương và doanh nghiệp sôi nổi bàn để thống nhất mô hình liên kết giữa nhà nông với doanh nghiệp. 11 giờ hơn, Chủ tịch xã Ya Ti Ong và Phó Chủ tịch xã Kon Sơ Ha Thi tiếp tôi. Để “nhấc nổi” sức ỳ tập tục canh tác, thành năng động lên rẫy, xuống ruộng làm ăn của đồng bào, Ya Ti Ong đúc kết: Quan trọng là phối lồng ghép các nguồn vốn; mấu chốt là nông dân. “Cán bộ phải theo sát dân mà vận động, mưa dầm thấm lâu”- vị thành viên Tổ công tác xây dựng mô hình giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện vốn là cử nhân đại học kinh tế chính quy này nói. Đạ Sar có 937 hộ, 4.293 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số 867 hộ, 4.038 nhân khẩu. Ya Ti Ong dứt khoát: “57 hộ còn lại vẫn đang được Nhà nước tiếp tục đầu tư, một số hộ còn ỷ i, còn khó lắm. Nhưng phải kiên trì vận động, bỏ họ là tội lỗi”. Bằng nhiều cách, cán bộ xã, thôn đến tận nơi kiểm tra, nhắc nhở; cán bộ xắn tay áo làm giúp cho dân, quyết không để họ ly nông. “Quan trọng là dân phải hợp tác cùng chính quyền mới thoát nghèo bền vững được”. Năm 2012, xã có 12 hộ thoát nghèo theo mô hình vườn - chuồng - rừng. So năm trước, mức thu nhập hàng tháng chênh lệch thấp nhất từ 150 - 165 ngàn đồng như hộ Kră Jăn Ha Luyênh, Ka Long Ha Tang thôn 3; cao nhất từ 994 ngàn - hơn 1 triệu đồng như hộ Đơng Gur Ha Sưng thôn 1, Liêng Jrang Ha Than thôn 4…

Theo chỉ dẫn của Kon Sơ Ha Thi, tôi tìm đến thôn trưởng thôn 5 Lơ Mu Ha Boc. Thôn có 130 hộ, 621 nhân khẩu, nhưng còn 10 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo. Cái khó bó cái khôn, bởi đông con, có hộ 7 đến 11 người con. Số ít hộ chưa đủ đất canh tác. Đạ Sar đã tìm được lời giải: mở rộng đất canh tác, tuyên truyền mạnh kế hoạch hóa gia đình. Đồng thời, Nhà nước thường xuyên tập huấn trồng cây, chăn nuôi. “Có những hộ do sức khỏe ốm đau, nhưng rất biết tự giác, nên cố gắng phấn đấu làm ăn như ông Ya Kha bị gãy chân, nay siêng lắm”, Ha Boc giới thiệu.

Thoát nhanh nghèo là giúp láng giềng

Ya Kha với thành quả rẫy cà phê mãn nhãn
Ya Kha với thành quả rẫy cà phê mãn nhãn

Ya Kha là dân tộc Chu ru, 62 tuổi. Tháng 7/2012, ông đăng ký thoát nghèo bằng mô hình chăn nuôi, nên được nhận hỗ trợ 4 heo con, phân bón chăm sóc cà phê và quản lý bảo vệ rừng. Cách mà Ya Kha “phấn đấu cố gắng thoát nghèo để nhường cho hộ khác được hưởng chính sách” là phá cà phê cũ, nhận giống hỗ trợ, đầu tư phân bón, áp dụng kỹ thuật. “Phải chăm sóc theo thời kỳ chớ. Khi cần có phân thì tỉa cành, làm lòng chảo mình bỏ phân để khỏi trôi, rồi lấp đất để đảm bảo khỏi hơi nóng bốc lên cháy mất lá; tỉa cành để có ánh sáng ra bông nhiều mới có quả nhiều được… Tháng 6 có mưa nhiều mình bỏ phân tốt hơn; bỏ phân mồi cho cây tốt lên, rồi trồng xen cây hồng ăn trái, 1 sào 250 cây cà và 10 cây hồng…”, Ya Kha làu làu say sưa. Cách làm của ông vừa giữ ẩm vào mùa khô cho đất vừa lấy ngắn nuôi dài bằng việc bán hồng tháng trước lấy tiền mua phân để tháng sau bón cho cà phê. “Phải bỏ ít nhất 2 lần phân mới đạt được. Rồi xịt thuốc rầy, thuốc sâu 1 năm phải 2-3 lần không thì hại cây mình”, ông nói tiếp. Ya Kha dẫn tôi đi trong mênh mông xanh mướt và trĩu quả của 1 ha cà phê quanh nhà. Năm rồi được 7 tấn, có mùa đạt 9 tấn. Vắt cành cà phê trĩu nặng xuống Ya Kha tâm tư: Năm 2012, giá xí nghiệp mua 1 ký tươi 12-13 ngàn đồng, nhưng thương lái mua chỉ 8-9 ngàn; năm 2011, họ mua 11-12 ngàn, giá xí nghiệp 16-17 ngàn. Dân rất mong đầu ra quả cà ổn định, không bị ép giá, nhất là phân lên giá (ka li năm 2012 giá 500 ngàn đồng/bao, năm 2013 giá 800 ngàn đồng)…

Rời ông già “siêng” ấy, tôi đến một ông già “siêng” có tiếng khác. Đó là K’Să Ha Tâng, Phó Bí thư chi bộ thôn 1. Dễ tìm, vì nhà vợ chồng người K’Ho này sát đường nhựa 723, lừng lững ba tầng, tổng diện tích 180 m2, tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng vào năm 2006. Làm Hạt phó Kiểm lâm huyện Lạc Dương xin nghỉ hưu sớm để làm nông và trở thành điển hình khá giả để bà con thôn buôn noi theo. Chuyện một lúc, chị Liêng Jrang K’Chin, vợ anh, mang ly cà phê đặc sánh, thơm lừng thay lời chào và giới thiệu sản phẩm. Của ăn của để từ 2 ha cà phê, nay vợ chồng anh chuyển giao cho con 1 ha và những kinh nghiệm quý giá. Ha còn lại của Ha Tâng đạt 15 tấn tươi, trừ chi phí, lời 80 triệu đồng/năm. Anh chia sẻ: “Quan trọng phải có đất sản xuất, vốn đầu tư, đặc biệt là bản thân phải chịu khó siêng năng, làm ăn phải bài bản, đừng ỷ vào đầu tư của Nhà nước”. Ha Tâng quả quyết: “Đất Đạ Sar là đất lành chim đậu, đất tốt đấy, vấn đề là người lao động, tư liệu sản xuất, giống và kỹ thuật thôi. Nhưng theo tôi, để giảm nghèo còn rất cần chống lãng phí, tiết kiệm, nhất là cưới xin tốn kém lắm anh ạ”…

Đội trời đạp đất dưới thung sâu     

Mưa lắc rắc, tôi đến thôn 4 để gặp thôn trưởng Ha Viên. Trước nhà, tốp thợ vội vàng phủ bạt con đường liên thôn mấy trăm triệu đồng đang thi công. Ha Viên lên rẫy, tôi đội mưa tự tìm nhà Liêng Jrang Ha Than. Căn nhà vợ chồng Liêng Jrang Ha Than - Lơ Mu Re Ni nằm hút dưới lũng sâu. Xuống được nhà phải men theo con đường đất dốc trơn dài đúng 1.000 m. Đi đường rừng hàng chục năm nay, nhưng tôi vừa lái xe vừa đạp đất chống té, còn ông Liêng Jrang Ha Bri (bố vợ Ha Than) chở đứa cháu lao xuống phà phà. Đất và người Đạ Sar trở nên thân thiết từ thủa nào. Mưa nặng hạt, Ha Than rời rẫy cà phê vào ngôi nhà ván lè tè đã cất từ 16 năm nay. Chén nước nóng hổi từ tay Ha Than đưa xua nhanh trong tôi cảm giác mưa lạnh và hú vía sau cú trượt dốc. Người mẹ trẻ Re Ni sinh năm 1978, ít hơn chồng 3 tuổi đang bế đứa con 14 tháng tuổi xem ti vi giữa nền nhà. Đó là đứa con thứ tư, con lớn 16 tuổi đến bạn. Ba chị em đang học THCS, THPT. “Nhà mình con đông, chồng thường ốm đau, tiền vào bệnh viện hết nên khổ”, Re Ni nói với ra. Ha Than tư lự nhìn xuống lũng mưa trắng trời. Mãi rồi mới chậm rãi chia sẻ: “Nhà mình đông người, sức khỏe có hạn, nhưng để con ăn học hết, mấy đứa con nó thích học, mình phải chịu khó thôi…”. Trên gương mặt anh ngời lên ý chí và nghị lực của người đàn ông đã từng được tôi luyện trong quân ngũ. Các cụ xưa truyền “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo”. Năm 2012, Ha Than lợi dụng vũng trũng của dòng chảy be bờ ngăn được 400 m2 nuôi cá. Tháng 7 năm đó, Nhà nước hỗ trợ 1.600 giống cá trắm và chép. Lứa đầu chỉ thu hoạch được 40 kg. Không nản, Ha Than rút kinh nghiệm và xuống tận Định An, Đức Trọng bỏ 1,6 triệu đồng mua 10 kg cá bột gồm rô phi, chép, mè và trắm. Tận dụng nguồn nước từ hồ cá, vợ chồng anh tích cực phát triển 6 sào cà phê quanh sườn núi. Lợi thế đó đã giúp gia đình nâng tổng sản lượng từ 7 tấn tươi lên hơn 10 tấn. Vợ chồng lại hì hụi trồng mới 4 sào nữa. Là hộ nghèo thâm niên của xã, nhưng có điều kiện về đất đai và chí thú làm ăn, Nhà nước cấp cho vợ chồng 800 cây giống cà phê; 4 bao NPK và hơn 15 bao lân. Vợ chồng bỏ thêm 30 triệu đồng mua phân để bón đủ 2 lần. Chưa thể thoát nghèo, Nhà nước tiếp tục “hích đẩy”, cho hộ Ha Than nhận khoán quản lý và bảo vệ rừng, mỗi năm thu thêm 10 triệu đồng. Tích tiểu thành đại, hộ Ha Than-Re Ni nuôi thêm heo nái, mỗi lứa được 7-8 con… Cuộc sống nhấc dần gia đình anh rời khỏi thung sâu. Tiễn tôi ra sân, Ha Than bộc bạch thêm: “Mình cũng mới tạm thoát nghèo thôi, còn phải cố gắng nhiều nữa mới thoát nghèo chắc chắn được”. Những cành cà phê trĩu quả dưới chân anh lung linh hạt mưa xao động…

5 trong 6 thành viên gia đình Ha Than
5 trong 6 thành viên gia đình Ha Than


Cái nghèo sẽ là câu chuyện cũ

Đất Đạ Sar có gần 29 ngàn ha, chỉ gần 1,4 ngàn ha đất nông nghiệp nhưng thuận lợi phát triển cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Năm 2012, xã có 108 hộ được hỗ trợ hơn 693 triệu đồng để thâm canh cây trồng; 100 hộ được vay vốn từ quỹ phát triển lâm nghiệp 300 triệu đồng; 202 hộ thực hiện dự án nông-lâm kết hợp với hơn 180 ha... Năm 2013, xã tiếp tục nhận hỗ trợ của Nhà nước hơn 648 triệu đồng và nhiều chính sách ưu đãi khác. 12 hộ tham gia mô hình từ các nguồn vốn giảm nghèo, Chương trình 135 và vay với tổng kinh phí gần 248 triệu đồng… Phó Chủ tịch xã Đạ Sar Kon Sơ Ha Thi cho biết: Tổng diện tích gieo trồng toàn xã hiện là 2.140 ha, gồm bắp, khoai môn, rau, đậu, dây tây, hoa và hơn 798 ha cà phê thu hoạch, 130 ha hồng trái. Xã có 764 con trâu, 795 con bò, 796 con heo, hơn 3.500 gia cầm... Những con số này chưa dừng lại, đặc biệt là đang tập trung chuyển đổi trồng rau, hoa. Năm 2013, Đạ Sar đặt ra các chỉ tiêu: tổng sản phẩm thực hiện 78.995 triệu đồng; thu nhập bình quân 18,4 triệu đồng/người/năm; tổng thu ngân sách 3.056 triệu đồng và tổng chi ngân sách 2.942 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,61%...

Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Nguyễn Quốc Kỳ đánh giá: “Ở Lạc Dương, xã nghèo, thôn nghèo đều có chung sự quan tâm quyết liệt của huyện, nhưng với Đạ Sar, 2 vấn đề trân trọng nhất, đó là ý thức của người dân tự lực tự cường, quyết tâm vươn lên rất tốt; đây là xã duy nhất của huyện có đội ngũ cán bộ chủ chốt tại chỗ, họ gần dân, chỉ đạo sát sao, lãnh đạo bài bản, nhiệt tình và có năng lực”. Tôi thầm nghĩ, có sự tiếp ứng tích cực, đồng bộ từ Nhà nước, những chủ nhân của xã nhất quyết thoát nghèo thì Đạ Sar chắc chắn sớm rời cái tên “xã nghèo” của tỉnh trong tương lai không xa.

Bút ký: TĨNH XUYÊN