Lo cho "heo vàng" vào lớp 1

03:08, 08/08/2013

(LĐ online) - Trong khi không khí tuyển sinh vào lớp 1 năm học 2013-2014 tại nhiều địa phương trong toàn quốc "nóng" từ đầu hè 2013, khi nhiều phụ huynh "chạy đôn chạy đáo" chọn trường cho thế hệ "heo vàng" (sinh năm 2007, theo âm lịch là năm Quý hợi) vì số trẻ em được sinh trong năm "vàng" 2007, được thống kê là tăng đột biến trên toàn quốc.

(LĐ online) - Trong khi không khí tuyển sinh vào lớp 1 năm học 2013-2014 tại nhiều địa phương trong toàn quốc “nóng” từ đầu hè 2013, khi nhiều phụ huynh “chạy đôn chạy đáo” chọn trường cho thế hệ “heo vàng” (sinh năm 2007, theo âm lịch là năm Quý hợi) vì số trẻ em được sinh trong năm “vàng” 2007, được thống kê là tăng đột biến trên toàn quốc thì tại TP. Đà Lạt, công tác tuyển sinh đầu cấp tiểu học diễn ra không quá “nóng” và đến nay đã cơ bản hoàn thành.

Cô và trò Trường tiểu học Phan Như Thạch - Đà Lạt trong ngày khai giảng. Ảnh Internet
Cô và trò Trường tiểu học Phan Như Thạch - Đà Lạt trong ngày khai giảng. Ảnh Internet

Là một trong số nhiều phụ huynh có con vào lớp 1 năm nay, chị Phạm Ngọc Linh (P9. TP.Đà Lạt) tâm sự: “Từ nhiều tháng trước khi các trường bắt đầu tuyển sinh, tôi và nhiều người bạn có con vào lớp 1 năm học này cũng đã lo xong thủ tục học cho con vào đúng tuyến theo quy định. Cơ sở vật chất trường lớp giờ ở phường trung tâm với phường 9 cũng chẳng khác nhau nên mình cứ đúng quy định của ngành giáo dục thôi”.

Chị Dương Thu Tâm (phường 1- Tp. Đà Lạt), chia sẻ: “Gia đình tôi ở ngay phường 1, mà tâm lý chung của các phụ huynh đều muốn cho con vào học tại các trường trung tâm vì nghĩ rằng chất lượng đào tạo sẽ tốt hơn nên tôi cũng đã cấp tập lo xin nhập học cho con từ rất sớm để tránh phức tạp”.

Không phải ai cũng có suy nghĩ cho con vào học đúng tuyến giống chị Linh và Chị Tâm. Do vẫn tồn tại tâm lý của một số phụ huynh cho rằng, chất lượng ở các trường trung tâm, trường điểm sẽ tốt hơn nên nhiều phụ huynh đã tìm mọi cách để “lo” cho con vào các trường theo nguyện vọng của mình.


NHỜ NHẬP KHẨU ĐỂ CON VÀO TRƯỜNG ĐIỂM

Do quy định trong việc tuyển sinh năm nay là các Hội đồng Tuyển sinh sẽ tiếp nhận tất cả hồ sơ thường trú, tạm trú xin vào trường, sau đó sẽ xét từng hồ sơ và chuyển các hồ sơ sai tuyến về trường đúng tuyến tuyển sinh theo quy định. Tưởng rằng với quy định chặt chẽ này thì việc "chạy lo" cho con vào học trái tuyến sẽ không thể nhưng từ đây, nhiều phụ huynh đã tìm cách làm nhiều “thủ thuật” để hợp lệ cho con vào trường theo đúng quy định. Một trong số những thủ thuật đó là việc nhờ người quen nhập hộ khẩu, chuyển khẩu trên giấy tờ để con mình vào đúng địa bàn tuyển sinh mong muốn.

Chị H… (có hộ khẩu thường trú ở phường 3, Đà Lạt), có con gái năm nay vào lớp 1, cho biết: Để xin được cho con vào lớp 1 ở Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, vợ chồng chị đã phải nhập hộ khẩu nhờ ở nhà một người quen cho con trước 3 năm tại phường này.

Không phải lo tính từ 3,4 năm trước nhưng gia đình anh chị Q (có hộ khẩu thường trú tại phường vùng ven), cũng đã phải nhờ người quen cho con nhập khẩu trên giấy tờ và ghi lui thời gian nhập lại 3 năm để hợp thức hoá cho cậu con trai vàng vào học tại Trường Đoàn Thị Điểm – một trường điểm có tiếng năm ngay trung tâm thành phố.

CHẤT LƯỢNG ĐỒNG ĐỀU
 

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc - Trưởng Phòng GD& ĐT Tp. Đà Lạt : Cùng với chỉ đạo chung của Sở GD&ĐT là đảm bảo 100% học sinh trong độ tuổi lớp 1 ra lớp, tổ chức tuyển sinh công khai, dân chủ, tăng cường nguồn tuyển sinh cho các trường vùng ven. TP. Đà Lạt cũng đã thực hiện nghiêm ngặt các quy định chung, tổng chỉ tiêu đặt ra là 3.673 học sinh.

Không chỉ đưa ra chỉ tiêu, phân tuyến tuyển sinh cụ thể, Phòng Giáo dục cũng tiến hành phối hợp chặt chẽ công tác điều tra địa bàn, huy động trẻ ra lớp. Địa bàn tuyển sinh đảm bảo tuân thủ theo quy tắc chung: Học sinh thường trú tại xã, phường nào sẽ tuyển sinh vào học tại xã, phường đó; Giữa các xã, phường, học sinh thường trú gần trường nào hơn thì sẽ học tại trường đó; Trường hợp ưu tiên dành cho học sinh có hộ khẩu tạm trú dài hạn.

Một điểm mới đáng chú ý trong việc tuyển sinh năm nay là các Hội đồng Tuyển sinh sẽ tiếp nhận tất cả hồ sơ thường trú, tạm trú xin vào trường, sau đó sẽ xét từng hồ sơ và chuyển các hồ sơ sai tuyến về trường đúng tuyến tuyển sinh theo quy định.

Như vậy, với việc kiểm soát chặt chẽ, công khai, phương thức mới, quy trình nghiêm ngặt, nỗi lo chung của nhiều phụ huynh có “ heo vàng” năm học này đã được giải tỏa, đảm bảo đúng tuyến và không còn tình trạng thiếu chỉ tiêu ở các trường vùng ven.

Ông Nguyễn Hữu Khánh - Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Quý Đôn chia sẻ: “Chất lượng đào tạo ở tất cả các trường đều như nhau, từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên chuẩn đều như nhau. Năm học 2013-2014, theo đúng quy định của Phòng GD&ĐT, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn cũng tuyển sinh đúng đối tượng, đúng tuyến, thậm chí số học sinh tuyển vào năm nay còn thấp hơn so với chỉ tiêu đặt ra (285/315 học sinh), điều này chứng tỏ các em đã được tuyển sinh đúng tuyến, áp lực tuyển sinh không có”.

Ông Khánh cũng cho biết thêm, khác với các trường tiểu học khác, trường Lê Quý Đôn có 62 chỉ tiêu học sinh học tiếng Pháp là tuyển sinh trên toàn tỉnh. Ngoài ra, so với nhiều năm học trước, sỹ số học sinh của trường đã giảm đi đáng kể, đến nay đã giảm hơn 300 em, như vậy cũng phản ánh phần nào việc các em đã được tuyển sinh đúng tuyến của mình.

Bà Mai Thị Thủy - Hiệu trưởng Trường tiểu học Đa Lợi, Phường 10 (Một trong những trường vùng ven có chỉ tiêu tuyển sinh thấp, chỉ 50 em) cũng cho biết: Nhà trường luôn được trang bị đầy đủ các điều kiện vật chất tốt nhất để phục vụ dạy và học, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, nâng cao nghiệp vụ do Phòng giáo dục tổ chức”.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Lâm Đồng, kết quả hoàn thành chương trình tiểu học năm học 2012-2013 là 21.427/21.523, đạt  tỷ lệ 99,6%. Công tác đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất, phân bổ giáo viên cũng đã được tiến hành sớm trước khi bắt đầu năm học mới, đảm bảo chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất ở tất cả các trường đều được đầu tư đồng đều theo đúng quy định.

Vẫn biết việc lo lắng cho tương lai, học hành của con là tâm lý chung của tất cả các bậc làm cha mẹ, tuy nhiên không nên vì theo chạy theo xu hướng hay quá lo lắng mà lựa chọn, “lo chạy” cho con vào các trường khác tuyến, bởi chất lượng giáo dục đều được đảm bảo cân bằng ở tất cả các trường. Trong khi đó, thì việc “chạy lo” cho con em mình tưởng vô hại nhưng trên thực tế lại kéo theo những hệ lụy và sức ép không nhỏ.

DIỄM THƯƠNG