Người cựu binh nhận thẻ thương binh khi đã ngoài 90

04:08, 21/08/2013

Đó là trường hợp của cựu chiến binh Tô Đình Cắm, một trong 34 đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân.

Đó là trường hợp của cựu chiến binh Tô Đình Cắm, một trong 34 đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, sau gần 7 thập kỷ bị thương ở trận địa Rạch Giá (năm 1946) và mặt trận Đông Khê (năm 1950), mãi đến tận ngày 23 tháng 7 năm 2013, mới được công nhận là thương binh khi đã bước sang tuổi 91. Tại sao lại có sự chậm trễ này? Chúng tôi đã đến khu phố 8B, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, nơi cựu chiến binh Tô Đình Cắm đang sinh sống và các ban, ngành ở địa phương để tìm hiểu sự việc.

Cựu binh Tô Đình Cắm
Cựu binh Tô Đình Cắm


Lược sử người cựu binh

Theo tài liệu của Huyện Đội Đạ Tẻh cung cấp: Ông Tô Đình Cắm, bí danh là Tô Tiến Lực, dân tộc Tày, sinh ngày 16/10/1922, tại bản Um, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Ông tham gia cách mạng từ năm 1941. Tháng 2 năm 1944, Tô Đình Cắm tham gia lớp huấn luyện chính trị - quân sự khóa 3 ở Phạ Phá (trong khu rừng Trần Hưng Đạo) do Hội Việt Minh mở. Chiều 22/12/1944, ông là 1 trong số 34 đội viên đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã tham gia các trận đánh ở Phay Khắt, Nà Ngần, Đồng Mu. Sau đó, ông về hoạt động ở huyện Nguyên Bình và Ngân Sơn. Tháng 1/1945, ông Tô Đình Cắm được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, năm 1954, khi xuất ngũ về địa phương công tác, do không chuyển sinh hoạt Đảng, nên ngày 11/1/1969, ông được kết nạp lại.

Tháng 8/1945, ông Tô Đình Cắm tham gia giải phóng tỉnh Bắc Kạn. Đến tháng 9/1945, ông cùng đoàn quân Nam tiến, vào đóng quân ở Rạch Giá (Kiên Giang). Tháng 6/1946, trong một trận đánh, ông bị thương ở chân. Sau khi điều trị vết thương, ông được chuyển ra Quảng Nam rồi về quê Cao Bằng. Tháng 10/1947, thực dân Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn, ông lại xung phong tái ngũ và được bổ nhiệm chức vụ Trung đội trưởng Trung đội Pháo binh. Năm 1950, ông Tô Đình Cắm chiến đấu trong Chiến dịch Biên giới, tham gia trận đánh Đông Khê và bị thương ở vai. Năm 1954, ông được giải ngũ về quê.

Tại địa phương, ông tham gia công tác xã hội, như thôn trưởng, đội trưởng hợp tác xã… Năm 1992, Tô Đình Cắm rời quê hương Cao Bằng, cùng vợ và 4 con chuyển vào huyện Đạ Tẻh lập nghiệp.  

Nhận thẻ thương binh khi đã 91 tuổi

Trong căn nhà cấp 4 đã cũ, ông Tô Đình Cắm (tên thường gọi là Tô Văn Cắm) vừa nhìn bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vừa nói với chúng tôi: “Không có đồng chí Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) thì cũng không có mình!”. Ông nhớ lại: “Hồi đó, tôi còn nhỏ lắm, nằm ngủ còn gác chân lên người đồng chí Văn mà! Giờ thì yếu lắm rồi, tai không còn nghe rõ và còn đau lưng, đau vai gáy nữa!”.

Anh Tô Đức Tuân (sinh năm 1960), con trai thứ 4 của ông Tô Đình Cắm, cho biết: “Từ ngày mẹ tôi qua đời (tháng 11 năm 2011), bố tôi yếu hẳn đi. Với lại, do vết thương cũ tái phát và tuổi già”. Tôi hỏi lý do vì sao sau 67 năm bị thương, ông Tô Đình Cắm mới được nhận thẻ thương binh, anh Tô Đức Tuân giải thích: “Trước đây, do giấy tờ chứng thương của bố tôi hầu như bị thất lạc hết và chúng tôi cũng chẳng biết kêu ở đâu, thành thử mãi đến ngày 23/7/2013, bố tôi mới được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 trao giấy chứng nhận thương binh, khi đã 91 tuổi”.

Ông Đinh Viết Bảo - Trưởng Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Đạ Tẻh, nói: “Từ trước tới nay, chúng tôi chưa nhận được một giấy tờ đề nghị nào từ phía gia đình ông Tô Đình Cắm, nên không thể làm gì hơn. Còn các chế độ ưu đãi khác, ông vẫn được hưởng bình thường. Hiện nay, hàng tháng, ông nhận 2.106.000 đồng từ tiền chế độ cán bộ lão thành cách mạng. Năm 2000, ông được lãnh 50 triệu đồng (chế độ cán bộ tiền khởi nghĩa)”.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Thượng tá Hoàng Đình Tuấn - Chính trị viên Huyện Đội Đạ Tẻh, nói rõ hơn: “Lý do vì sao chậm trễ, trước hết là do cụ Tô Đình Cắm đã làm mất giấy tờ. Năm 1992, cụ Tô Đình Cắm vào Đạ Tẻh làm ăn theo dạng “tự do”. Sau gần 2 năm, chúng tôi mới biết. Hơn nữa, căn cứ vào Hướng dẫn số 250/HD-CS ngày 5/3/2012 về một số nội dung công tác xác nhận, giám định và quản lý thực hiện chính sách thương binh tồn đọng của Cục Chính sách (Tổng Cục Chính trị), thì giấy tờ để làm căn cứ xét duyệt, cấp giấy chứng nhận bị thương khi người bị thương còn lưu giữ được một trong các giấy tờ gốc, có ghi các vết thương cụ thể như: Giấy chứng nhận bị thương được đơn vị cấp sau khi bị thương; phiếu chuyển thương, chuyển viện; bệnh án điều trị; giấy ra viện…

Trong khi đó, cụ Tô Đình Cắm lại không có đủ những giấy tờ trên, nên chưa thể cấp thẻ thương binh cho cụ được. Tuy nhiên, sau khi biết cụ Tô Đình Cắm là 1 trong số 34 đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân vào Đạ Tẻh sinh sống, chúng tôi đã tham mưu cho huyện ủy, UBND huyện Đạ Tẻh biết và từ đó đến nay, hàng năm, vào các dịp lễ, tết, cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang huyện đều tổ chức đến thăm hỏi, tặng quà gia đình cụ”.

Vĩ thanh

Thượng tá Hoàng Đình Tuấn cho biết thêm: “Mới đây, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân Khu 7, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng đã đồng ý trong thời gian tới sẽ hỗ trợ cụ Tô Đình Cắm 250 triệu đồng để xây cho cụ một căn nhà, trị giá căn nhà vào khoảng hơn 300 triệu đồng”. Về phía địa phương, ông Bùi Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh, cũng hết sức đồng tình và ủng hộ: “Địa phương rất quan tâm và sẽ hỗ trợ cho cụ từ 50 - 100 triệu đồng. Nếu số tiền vượt quá 100 triệu đồng, huyện sẽ kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn Đạ Tẻh hỗ trợ thêm. Hiện tại, huyện đang chờ bản thiết kế và đang làm việc với gia đình ông Nông Son Sắt - hàng xóm phía trên nhà cụ Cắm, để đổi mảnh đất mà ông đang canh tác cho gia đình cụ Cắm. Vì căn nhà mà cụ Cắm đang ở có thế đất thấp, trũng và lùi xa so với mặt đường. Nếu đổi được, chúng tôi sẽ làm nhà sớm cho cụ”. Cũng theo ông Hùng, dự kiến vào đầu mùa khô này, căn nhà sẽ được xây dựng.

TRỊNH CHU