20 tuổi, Nguyễn Văn Nết (thường gọi Sáu Nết) thoát ly gia đình, tham gia kháng chiến. Rời vùng quê Tân Thạnh Tây (Củ Chi), ông lên chiến trường Lâm Đồng (cũ) và gắn bó với thị xã B'Lao những năm chống Mỹ.
20 tuổi, Nguyễn Văn Nết (thường gọi Sáu Nết) thoát ly gia đình, tham gia kháng chiến. Rời vùng quê Tân Thạnh Tây (Củ Chi), ông lên chiến trường Lâm Đồng (cũ) và gắn bó với thị xã B’Lao những năm chống Mỹ. 22 tuổi, ông được kết nạp Đảng. Tháng 9/1963, khi Đảng bộ thị xã B’Lao (T29) thành lập, ông là một trong những đảng viên đầu tiên, phụ trách một trong bốn địa bàn trọng yếu của T29 lúc bấy giờ.
Ông Nguyễn Văn Nết thắp nhang tưởng nhớ Liệt sỹ Lê Thị Pha, một trong những đồng đội T29 hy sinh ở Tân Lú (địa bàn hoạt động của Đội 406) |
Năm 1961, sau khi nhập ngũ, ông Nguyễn Văn Nết được tổ chức điều động về địa bàn Tân Rai, Minh Rồng (thị xã B’Lao) hoạt động. Cùng năm đó, ba “mũi” công tác từ Khu 5 vào, Bình Thuận lên, Đông Nam Bộ ra, hợp thành tổ chức Ban cán sự B7 (tiền thân của tỉnh Lâm Đồng cũ) và thành lập Phân ban T14, ông được giao nhiệm vụ làm Đội trưởng Đội công tác vũ trang tuyên truyền (406) của T14, hoạt động ở Y6 – vùng Tân Rai, Minh Rồng, Tân Thanh, Tân Phát, Tân Hà, Tân Lú và Bà Tền.
Đến tháng 9/1963, Đảng bộ thị xã B’Lao (T29) thành lập, Đội công tác do ông Sáu Nết làm đội trưởng (sau khi T14 giải thể) - cùng với 3 Đội công tác 403, 404, 405 và Đội công tác vùng H30 – tiếp tục ở lại với T29. Riêng Đội công tác 406 của ông được giao nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền, mở rộng cơ sở phía Bắc Quốc lộ 20 (vùng Y6).
Với ông, đó là những năm tháng không thể nào quên, là dấu ấn của tuổi thanh xuân, của nhiệt huyết tuổi trẻ. Ông kể: “Hồi đó, phương thức hoạt động của các đội công tác là hai chân (chính trị, quân sự) và ba mũi (chính trị, quân sự, binh vận). Nơi nào không tiếp cận được thì dùng quân sự để đánh; nơi nào tiếp cận được thì dùng chính trị để giáo dục, tuyên truyền, xây dựng cơ sở, hoặc dùng binh vận để vận động con em đi lính ngụy bỏ ngũ ở nhà làm ăn. Hoạt động của đội công tác chủ yếu là vũ trang tuyên truyền, khi cần cũng vào ấp đánh địch”.
Đội công tác của ông Sáu Nết chỉ có hơn chục anh em. Tuy ít, nhưng ai cũng “đa năng”, chuyên một việc nhưng biết nhiều việc. Để có thể đảm trách tốt nhiều nhiệm vụ (xây dựng lực lượng, nắm tình hình, tổ chức cơ sở cách mạng trong dân, thu thuế, vận chuyển lương thực nuôi quân và khi cần có thể đánh mìn phá ấp…). Các anh em ngoài những kỹ năng hoạt động chính trị, còn phải được huấn luyện như lính đặc công, biết rà mìn, gài mìn, đánh mìn; biết các thế võ chính trong giải vây, bắt địch; học cách đi trong rừng (đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng); hoạt động trong lòng địch, chịu đựng gian khổ, ngày vào rừng, đêm ra bám ấp để tuyên truyền giáo dục chính sách Mặt trận, đường lối cách mạng cho dân.
Đội trưởng Sáu Nết cùng với Chính trị viên Đội công tác, ngoài những nhiệm vụ trên, còn phải bám dân, lựa chọn, vận động, thử thách và giới thiệu quần chúng ưu tú cho tổ chức kết nạp Đảng; mở rộng và củng cố tổ chức ngay trong lòng địch. Ông kể: “Để có thể vận động được quần chúng tốt, bản thân mình phải nêu gương trước, thực hiện Đảng bộ “4 tốt” (công tác tốt, quan hệ tốt, tình cảm tốt, đánh giặc tốt). Một khi tư cách tốt, lý tưởng kiên định cộng thêm kỹ năng, chuyên môn tốt thì sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Mặc dù “vạn sự khởi đầu nan”, nhưng các anh em đảng viên thời kỳ sơ khai của T29 đều có chung một chí hướng như thế…”.
Sáu Nết nhớ mãi một trong những chiến công “ấn tượng” của Đội công tác 406, đó là đã vận động và giác ngộ được 2 thủ lĩnh của một trung đội dân vệ ở “ấp chiến lược” Tân Rai, là K’Rủi (Trung đội trưởng) và K’Binh (Trung đội phó) làm cơ sở nội tuyến. Khi quyết định đánh phá ấp chiến lược Tân Rai (7/5/1965), hai cơ sở này đã dẫn đường cho lược lượng vũ trang, đội công tác, du kích thị xã tập kích đánh địch ở khu tập trung dân ấp Tân Rai, bao vây bắn tỉa, cắt đường tiếp tế trại huấn luyện biệt kích Mỹ Tân Rai, buộc 5 đại đội phải rút chạy, 800 đồng bào được giải trang trở về buôn làng làm ăn.
Hoặc trận đánh đêm 20/11/1970, Đội công tác đã dò thám tình hình, trữ lương thực và mở đường cho Đại đội 216 đặc công, tập kích đồn Tân Rai, diệt đại đội địch ở đây và làm chủ trận địa. Trên lĩnh vực chính trị, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, Đội công tác 406 đã cảm hóa được bà Mười Phụng (một chủ đồn điền có chồng là người Pháp) làm cơ sở tin cậy của cách mạng. Cơ sở này đã có nhiều đóng góp lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng; vận động nhiều chủ đồn điền khác đóng thuế cho cách mạng. Ngoài cơ sở này, có gần 20 cơ sở khác đã được đội công tác của Sáu Nết vận động làm địa chỉ tin cậy cho cách mạng ở vùng Y6.
Đảm trách nhiều nhiệm vụ của Đội công tác vũ trang tuyên truyền, Sáu Nết trải nghiệm nhiều. Sau giải phóng, kinh nghiệm thời chiến đã giúp ông đảm trách tốt nhiều cương vị được giao. Từ những vị trí cần nhiều chuyên môn như Phó phòng Xây dựng huyện Bảo Lộc (1975 – 1976), Chủ nhiệm HTX mua bán huyện (1976 - 1979), Trưởng phòng Lương thực (1979 – 1983) cho đến những chức danh như Thư ký Công đoàn (1984), Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy (1984 – 1986), Bí thư thị trấn B’Lao (1986 – 1989), PCT HĐND huyện (1989 – 1997), ông đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Từ khi nghỉ hưu (năm 1997), ông dành thời gian cho gia đình và từ 4 năm nay, đảm trách thêm vai trò Trưởng Ban liên lạc T29. Ở cương vị này, ông có điều kiện gần gũi anh em, đồng đội của T29; thăm hỏi khi anh em ốm đau, qua đời; liên lạc để gặp gỡ nhau vào những dịp họp mặt truyền thống.
Thời gian phai bạc nhiều mái đầu, thử thách tuổi tác và bệnh tật, cứ mỗi năm gặp mặt lại có thêm người “ra đi”. Mỗi người ra đi là mất đi một hồi ức về T29. “Để những ký ức về chiến trường xưa không phai nhạt, những anh em còn sống đã cùng ngồi lại, góp nhặt những câu chuyện chiến trường, vẽ lại bức tranh về vùng đất B’Lao thời kháng chiến để viết nên cuốn “Lịch sử về lực lượng vũ trang của T29”, chắc sẽ được phát hành trong dịp Kỷ niệm 50 năm thành lập Đảng bộ thị xã B’Lao - T29” - ông Nguyễn Văn Nết tự hào.
HẢI UYÊN