Việc thiếu hiểu biết về pháp luật gây không ít khó khăn cho chính bà con nông dân cũng như chính quyền trong việc xử lý công việc hàng ngày. Bởi vậy, Hội Nông dân, tổ chức chính trị xã hội của nông dân, trở thành một trong những kênh quan trọng đưa luật về nông thôn, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật cho những người nông dân.
Nông thôn, nơi cư trú của trên 70% dân cư Lâm Đồng lại là nơi ít được thụ hưởng “ánh sáng văn hóa”, trong đó có cả việc tiếp cận với kiến thức luật pháp. Việc thiếu hiểu biết về pháp luật gây không ít khó khăn cho chính bà con nông dân cũng như chính quyền trong việc xử lý công việc hàng ngày. Bởi vậy, Hội Nông dân, tổ chức chính trị xã hội của nông dân, trở thành một trong những kênh quan trọng đưa luật về nông thôn, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật cho những người nông dân.
Ông Nguyễn Hùng Lân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, nơi có trên 30% bà con người dân tộc ít người cư trú cung cấp: “Nói chung, trình độ hiểu biết pháp luật của bà con nông dân địa phương chúng tôi khá hạn chế, do đó nhiều việc vi phạm pháp luật diễn ra mà không biết đó là phạm luật. Ví dụ như việc uống rượu rồi điều khiển phương tiện giao thông, đánh nhau, tranh chấp đất đai”. Tình trạng của xã Lạc Xuân cũng là tình trạng chung của hầu hết nông dân trên địa bàn tỉnh, đó là bà con nông dân hầu hết chưa hiểu biết về luật pháp. Việc thiếu sót này bình thường không gây nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống của bà con song tiềm ẩn nguy cơ người nông dân vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết. Và khi có tranh chấp pháp luật xảy ra, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, thường việc xử lý vụ việc rất khó khăn do cả hai phía cùng thiếu hiểu biết về luật pháp.
Xác định được nhu cầu hiểu biết pháp luật của người nông dân chủ yếu những luật gắn với cuộc sống hàng ngày của họ, các cấp Hội Nông dân chú trọng vào việc cung cấp kiến thức cho hội viên, bà con nông dân một cách thực tế. Ông Đinh Xuân Hội, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà cho hay: “Chúng tôi tuyên truyền pháp luật thường xuyên, lần họp nào cũng trao đổi với hội viên về những vấn đề luật gần gũi với bà con. Cụ thể như Luật Đất đai, Luật Giao thông, Luật Hôn nhân và gia đình… Nói chung bà con không cần những gì quá cao siêu, mình giảng giải luật phải dễ hiểu, có vấn đề nảy sinh, mình giải thích ngay từ vụ việc đó cho bà con nắm được”. Tuy nhiên, ông Hội cũng thừa nhận, điểm mạnh của cán bộ hội là hiểu biết tâm tư, tình cảm của bà con, điểm yếu là chưa thực sự hiểu biết về pháp luật nên cũng còn nhiều khó khăn khi làm công tác tuyên truyền pháp luật.
Ngoài kênh truyền thống đưa luật tới nông dân qua các cấp hội, đặc biệt cấp chi tổ hội, Hội Nông dân tỉnh còn có Trung tâm Tư vấn pháp luật chuyên làm nhiệm vụ tư vấn, tuyên truyền luật cho các vùng nông thôn trong tỉnh. Đặc biệt, từ khi Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ ra đời, việc huy động sự tham gia của nông dân trong công tác phổ biến pháp luật và vận động nông dân thực hiện pháp luật ở nông thôn được chú trọng. Ông Phạm Ngọc An, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Nông dân tỉnh cung cấp: “Hội Nông dân luôn có kế hoạch phối hợp với Hội đồng Phổ biến pháp luật của tỉnh để triển khai hoạt động đưa luật về nông thôn. Trong đó, chúng tôi đóng vai trò đặt hàng, tư pháp sẽ thực hiện theo chương trình phối hợp. Ngoài kênh tuyên truyền miệng được duy trì và phát triển liên tục, chúng tôi còn thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ khác”. Một trong các giải pháp là Hội Nông dân xây dựng các CLB “Nông dân với pháp luật”, từ CLB ra đời đầu tiên năm 2007 ở xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, nay Lâm Đồng đã có trên 20 CLB. Mỗi CLB là một hạt nhân, thành viên của CLB sẽ là những người có hiểu biết về luật và nhân rộng luật trong cộng đồng dân cư. Các hội thi sân khấu hóa pháp luật cũng là điểm thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia. Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh còn tổ chức các tổ tư vấn pháp luật lưu động, đây là hoạt động rất hiệu quả khi nông dân trực tiếp được trao đổi, giải đáp những thắc mắc về luật với các chuyên gia ngay tại nơi cư trú. Ông An khẳng định: “Công tác tuyên truyền pháp luật cho hội viên luôn được chúng tôi xác định là nhiệm vụ quan trọng, giúp nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, đời sống tiến bộ và ổn định đời sống xã hội”.
Cùng với toàn xã hội, Hội Nông dân đang ra sức “đưa luật về thôn”, giúp nông dân nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật, cùng xây dựng một nông thôn văn minh.
DIỆP QUỲNH