Thực trạng di tích xuống cấp, cần tu bổ, phục hồi vẫn luôn là vấn đề "nóng" được dư luận quan tâm. Thực tế, công tác tu bổ di tích đã được quan tâm hơn trong những năm qua nhưng di tích xuống cấp, cần bảo quản, phục hồi, tu bổ vẫn chiếm số lượng lớn.
Đình Chu Quyến, Hà Nội được đánh giá cao về công tác tu bổ di tích |
Thực trạng di tích xuống cấp, cần tu bổ, phục hồi vẫn luôn là vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm. Thực tế, công tác tu bổ di tích đã được quan tâm hơn trong những năm qua nhưng di tích xuống cấp, cần bảo quản, phục hồi, tu bổ vẫn chiếm số lượng lớn. Đơn cử như Hà Nội, năm 2011 chi 1.164.252 triệu đồng và 892.498 triệu đồng năm 2012 bao gồm cả ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa cho công tác tu bổ di tích. Nhưng hiện vẫn có khoảng 600 di tích trên địa bàn thủ đô cần đầu tư tu bổ gấp. Đáng ngại hơn, công tác tu bổ di tích trong thời gian gần đây vẫn xảy ra nhiều “điểm nóng” như Chùa Trăm Gian, Đình Ngu Nhuế…
Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng di tích bị xâm phạm, nhiều hạng mục được tu bổ không còn giữ nguyên được “yếu tố gốc” là do nhiều đơn vị, cá nhân tham gia công tác tu bổ di tích hiện nay không có nhiều kinh nghiệm, am hiểu về lĩnh vực tu bổ di tích...
Có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, Thông tư 18/2012/TT - BVHTTDL quy định chi tiết một số quy định bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích gồm 6 chương, 31 điều.
Một trong những nguyên tắc trong hoạt động thi công tu bổ di tích được Thông tư nêu rõ là ưu tiên sử dụng phương pháp thi công truyền thống, chú trọng bảo tồn các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo vệ cấu kiện trong suốt quá trình thi công tu bổ di tích. Thực tế, trong những năm qua đây đó vẫn có không ít di tích sau khi được tu bổ gần như trở thành một di tích mới, hoặc làm biến dạng di tích khiến nhiều chuyên gia phải lên tiếng.
Đặc biệt, Thông tư dành cả Chương II quy định điều kiện năng lực và điều kiện hành nghề của các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động liên quan đến tu bổ di tích. Theo đó, bên cạnh các chứng chỉ khác như kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng… những người tham gia công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải có Chứng nhận hành nghề và Chứng chỉ hành nghề. Cụ thể, Giấy chứng nhận hành nghề cấp cho tổ chức có đủ điều kiện năng lực tương ứng với các hoạt động về lập quy hoạch di tích, lập dự án báo cáo kỹ thuật tu bổ di tích, thi công tu bổ di tích… Còn Giấy chứng chỉ hành nghề được cấp cho các cá nhân tham gia các hoạt động này. Một trong những điều kiện để cấp giấy Chứng chỉ hành nghề và Chứng nhận hành nghề là phải kinh qua các lớp học tập huấn mang tính đặc thù nghề nghiệp của công tác tu bổ di tích...
TS (Theo báo Văn hóa)