Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26 - NQ/TW của BCHTW Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở hầu hết vùng nông thôn Lâm Đồng ngày càng ổn định, được cải thiện, thu nhập tăng, chỉ số phát triển con người (HDI) thuộc nhóm trung bình của cả nước.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26 - NQ/TW của BCHTW Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở hầu hết vùng nông thôn Lâm Đồng ngày càng ổn định, được cải thiện, thu nhập tăng, chỉ số phát triển con người (HDI) thuộc nhóm trung bình của cả nước.
Trước hết thực tế cho thấy: Tình trạng đói nghèo giảm nhanh. Theo tiêu chí mới, năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh là 16,31% nhưng đến năm 2012, giảm còn 6,31% (khu vực nông thôn 9%). Điều kiện học tập, chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa của khu vực nông thôn được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 14,6%. Đến nay, Lâm Đồng có 1.119 nhân viên y tế thôn bản/1.125 thôn bản. Hệ thống trường lớp cơ bản đáp ứng cho học sinh trong độ tuổi. Có 21.595 trẻ 5 tuổi đến lớp, đạt 99,6%. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm đến hết năm 2012 đạt gần 60,4%...
Giải quyết việc làm cho khu vực nông thôn cũng được tỉnh chú trọng. 5 năm qua, tỉnh bố trí 68.020 tỷ đồng để thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo hàng năm chiếm khoảng 25%, hàng năm tạo việc làm mới cho khoảng 24.000 – 25.000 lao động. Từ năm 2008 đến nay, xuất khẩu lao động được hơn 1.600 người… Đặc biệt, chất lượng cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng nâng lên. Việc bình bầu gia đình văn hóa công khai, minh bạch; đời sống kinh tế tại các thôn văn hóa từng bước ổn định, phát triển; tỷ lệ hộ nghèo dần giảm. Toàn tỉnh hiện có 1.248/1.564 khu dân cư văn hóa (đạt 79,8%), 101 đơn vị cấp xã ký phát động xây dựng danh hiệu xã đạt chuẩn văn hóa.
Tuy đạt một số kết quả tích cực thế nhưng đời sống vật chất, tinh thần ở vùng nông thôn trong tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do Lâm Đồng là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, xa cảng biển và các trung tâm kinh tế lớn, giao thông không thuận lợi gây khó khăn trong việc thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại. Nông nghiệp phát triển chưa bền vững; cơ cấu cây trồng, vật nuôi chậm chuyển đổi và chưa ổn định, nhất là tại huyện Đam Rông và 3 huyện phía nam, áp lực dân di cư tự do đến tỉnh lớn. Trình độ canh tác của nông dân còn hạn chế nên gặp không ít khó khăn trong việc tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, tiếp cận thị trường… Mặt khác, đầu tư của ngân sách cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn tuy có sự quan tâm nhưng vẫn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Khoa học công nghệ áp dụng vào sản xuất gắn với công tác đào tạo nguồn nhân lực có nơi chưa được đẩy mạnh thực hiện…
Hiện nay, Lâm Đồng đang phấn đấu đến năm 2015, đạt bình quân thu nhập trên diện tích canh tác từ 50 - 80 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người trong khu vực nông thôn đạt trên 1.000 USD. Để nâng cao đời sống các mặt cho khu vực nông thôn, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn; tập trung thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi và phòng chống thiên tai. Bên cạnh đó cần tăng cường công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, công tác khuyến nông và thực hiện đổi mới cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, chú trọng khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; sử dụng có hiệu quả vốn ngân sách nhà nước đầu tư để duy trì tốc độ tăng trưởng cao và phát triển bền vững.
Bình Nguyên