Tiếp tục thực hiện tốt chính sách dân tộc

03:08, 25/08/2013

Lâm Đồng là một trong những địa phương được đánh giá cao về thực hiện tốt chính sách dân tộc, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển toàn diện chính trị - kinh tế - xã hội - an ninh địa phương.

Dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Lâm Đồng là một trong những địa phương được đánh giá cao về thực hiện tốt chính sách dân tộc, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển toàn diện chính trị - kinh tế - xã hội - an ninh địa phương. Phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Huỳnh Mỹ - Trưởng ban Dân tộc Lâm Đồng xung quanh vấn đề này.  

 PV: Thưa đồng chí, quá trình thực hiện chính sách dân tộc ở Lâm Đồng đã tạo chuyển biến đáng kể trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vậy đồng chí có thể khái quát sơ bộ về vấn đề này? 

Đ/c Huỳnh Mỹ
Đ/c Huỳnh Mỹ

Đ/c Huỳnh Mỹ: Lâm Đồng là tỉnh miền núi, vùng cao nằm ở phía nam Tây Nguyên, dân số 1.186.786 người, trong đó đồng bào DTTS có 286.240 người với 43 dân tộc anh em, chiếm tỷ lệ 24,1%. Ngay khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ Lâm Đồng đã có chủ trương tập trung tổ chức thực hiện cuộc vận động định canh, định cư, đưa đồng bào ở các ấp chiến lược trở về buôn làng cũ, động viên đồng bào sống rải rác ở vùng căn cứ kháng chiến về nơi định cư mới, giải quyết cứu đói trước mắt, giúp đồng bào sản xuất lương thực, thực phẩm, khai hoang ruộng nước, sắp xếp dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến năm 1984, vận động định canh, định cư được 15.531/16.859 hộ, đạt 92%.

Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước (1986 - 2001), nhất là sau khi sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 22 - NQ/TW ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị (khóa VI) về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi và Quyết định số 72 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ngày 13/3/1990 về một số chủ trương, chính sách cụ thể phát triển KT-XH miền núi, ngày 5/9/1994 Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa V ban hành Chỉ thị số 25/CT - TU về tiếp tục đầu tư phát triển KT-XH vùng ĐBDT với nội dung tư tưởng chỉ đạo cơ bản là “đầu tư toàn diện, tập trung có trọng tâm, trọng điểm, làm đến đâu chắc đến đó; khó làm trước, dễ làm sau, không đầu tư tràn lan, dàn trải”; đầu tư phát triển kinh tế gắn với chăm lo phát triển xã hội và xây dựng thực lực chính trị; tập trung nguồn lực để đầu tư vào 3 mục tiêu kinh tế là xây dựng vườn hộ, chăn nuôi, quản lý, bảo vệ rừng. Tỉnh cũng đã tập trung ngân sách đầu tư cho 29 xã điểm với số vốn khoảng 60 tỷ đồng. Từ năm 1990 - 2001, lồng ghép các dự án đầu tư vùng đồng bào DTTS, chủ yếu tập trung vào 47 xã đặc biệt khó khăn về xây dựng kết cấu hạ tầng, trung tâm cụm xã, quy hoạch bố trí lại dân cư, đào tạo cán bộ, ổn định phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Giai đoạn 2001 – 2005, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định về tiếp tục đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS, giai đoạn 2001 - 2005. Từ 2006 đến nay, nhiều dự án Trung ương và địa phương được thực hiện lồng ghép như chương trình 135 giai đoạn II (2006 - 2010) tập trung đầu tư cho 42 xã và 84 thôn đặc biệt khó khăn thuộc khu vực II; chương trình 134 về hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt và hỗ trợ làm nhà ở cho đồng bào DTTS, chương trình định canh, định cư, chương trình bố trí, sắp xếp dân cư, chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; chương trình hàng chính sách miền núi, đề án xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, buôn vùng DTTS; vận dụng cơ chế Nghị quyết 30a/CP về giảm nghèo. Ngoài ra, tỉnh cũng đã chỉ đạo thực hiện các đề án, chính sách khác như  thí điểm giao khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cộng đồng thôn, buôn DTTS tại chỗ, chính sách hỗ trợ sinh viên đang học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh…
   
PV: Đồng chí cho biết mục tiêu đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 về công tác dân tộc được đề ra như thế nào?  

Đ/c Huỳnh Mỹ: Giai đoạn từ nay đến 2015 và định hướng đến năm 2020, chúng ta cần tập trung huy động mọi nguồn lực của tỉnh, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp để tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS. Từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn, thực hiện có kết quả chương trình giảm nghèo bền vững; đồng thời coi trọng công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng và phát huy lực lượng cốt cán vùng DTTS. Tiến tới giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 8%, 70% số hộ DTTS được dùng nước hợp vệ sinh, 80 - 85% thôn, buôn có điện đến trung tâm xã, 100% xã có trường trung học cơ sở, 100% xã có bác sĩ điều trị. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng tỷ lệ cán bộ người DTTS của xã đạt tỷ lệ phù hợp với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số trong xã.

Mục tiêu đến năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS bình quân mỗi năm từ 4 - 5%, thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS tăng lên gấp 4 lần so với hiện nay. 100% đường trục liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa. Hoàn thành công tác định canh, định cư, bố trí sắp xếp dân cư, xây dựng các trung tâm cụm xã, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất. Tiếp tục củng cố tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể vững mạnh, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng có hiệu quả cán bộ người dân tộc thiểu số. Tiếp tục giữ vững ổn định chính trị và quốc phòng an ninh vùng DTTS.

Bà con dân tộc buôn bán thêm bằng nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: Thanh Toàn
Bà con dân tộc buôn bán thêm bằng nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: Thanh Toàn


PV: Để đạt được những mục tiêu đề ra, Ban Dân tộc đã có những giải pháp trọng tâm chủ yếu nào?

Đ/c Huỳnh Mỹ: Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đến cán bộ, đảng viên, nhân dân. Cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo hệ thống chính trị tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Trung ương và của tỉnh. Xác định công tác đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng DTTS là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nhân dân. Tiếp tục thực hiện tốt các chương trình mục tiêu, chính sách dân tộc, công tác giảm nghèo bền vững. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện nghị quyết ở các cấp đặc biệt là cơ sở. Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước của các cấp, các ngành và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn tại cơ sở. Khuyến khích người dân, các tổ chức quần chúng tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án đầu tư ở vùng đồng bào dân  tộc. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ DTTS và đảm bảo biên chế cán bộ làm công tác dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS.

PV: xin cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn!

Nguyệt Thu (thực hiện)