Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản về việc "đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, kiểm tra xử lý vi phạm xe chở quá tải, quá khổ"...
Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản về việc “đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, kiểm tra xử lý vi phạm xe chở quá tải, quá khổ”. Theo đó, ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh đối với Ban An toàn giao thông tỉnh là phải “chủ trì phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông, Hiệp hội Vận tải tỉnh và các đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của xã hội và các doanh nghiệp vận tải, chủ xe, lái xe, chủ hàng nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về tải trọng xe khi tham gia vận chuyển hàng hóa, không chở quá tải trọng, quá khổ theo quy định, gây hư hỏng cầu, đường và mất an toàn giao thông”.
Xe quá tải, quá khổ vi phạm pháp luật về an toàn giao thông vẫn diễn ra thường xuyên trên các tuyến đường, gây hư hỏng cầu - đường. Ảnh: N.Minh |
Tại cuộc họp sơ kết kế hoạch liên ngành phối hợp kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải trọng của ô tô vận chuyển hàng hóa trên quốc lộ 20 tại tỉnh Lâm Đồng, Sở GTVT Lâm Đồng cho biết: Sau 2 tháng ra quân, lực lượng chức năng đã kiểm tra 1.381 xe có dấu hiệu vi phạm và đã phát hiện 194 xe vi phạm đã bị xử lý (chiếm 7,11%) và đã phạt các chủ xe, chủ hàng số tiền gần 783 triệu đồng, hạ tải hơn 733 tấn hàng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 192 trường hợp (43 trường hợp bị tước quyền 30 ngày và tước quyền 60 ngày 149 trường hợp), tạm giữ 5 phương tiện… Cũng tại cuộc họp sơ kết này, Sở GTVT còn nêu rõ: Trong quá trình kiểm tra và xử lý vi phạm, vẫn còn xảy ra tình trạng xe “né trạm” và đặc biệt là vẫn còn một số phần tử xấu vì hám lợi nên đã tiếp tay cho các tài xế và chủ hàng cho xe “đi đường vòng” hòng tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng hoặc lợi dụng lúc lực lượng chức năng bận rộn để “vượt trạm”.
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, hiện tượng xe chở quá khổ, quá tải diễn ra trên quốc lộ 20 (Đà Lạt - TP HCM) là phổ biến. Bởi vậy, việc Tổng cục Đường bộ phối hợp với Sở GTVT Lâm Đồng lập trạm cân để kiểm tra các phương tiện vận tải trên đường tại huyện Đạ Huoai có quốc lộ 20 đi qua như trong 2 tháng qua cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, hiện tượng xe chở hàng quá khổ, quá tải không chỉ xảy ra trên quốc lộ 20 Đà Lạt - TP HCM mà trong thực tế, hiện tượng vi phạm này của các phương tiện cũng xảy ra thường xuyên trên các tuyến giao thông đường bộ khác của địa phương như đường 723 Đà Lạt - Nha Trang, đường 27 Đà Lạt - Phan Rang (Ninh Thuận)… Bởi vậy, ngoài việc yêu cầu với các tuyến đường “có nhiều xe vi phạm phải duy trì việc kiểm soát liên tục 24/24 giờ và có tổ tuần tra lưu động để kiểm soát các tuyến đường lân cận trong địa bàn có xe chạy vòng tránh” thì UBND tỉnh còn yêu cầu cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, cụ thể là Sở GTVT Lâm Đồng, phải phối hợp với các lực lượng chức năng của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt và Tổng cục Đường bộ Việt Nam “tăng cường công tác kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng xe chở hàng hóa vượt tải trọng cho phép, vượt khổ giới hạn của cầu, đường trên các đoạn tuyến quốc lộ và các tuyến đường bộ của địa phương theo quy định của pháp luật”. Có thể hiểu, không chỉ trên quốc lộ 20 Đà Lạt - TP HCM mới tiến hành kiểm tra xe chở quá khổ, quá tải mà nhiệm vụ của ngành giao thông tỉnh Lâm Đồng còn kiểm soát chặt vấn đề này trên các tuyến đường bộ khác của tỉnh Lâm Đồng như tuyến quốc lộ 27, đường 723, tuyến đường tỉnh từ Đạ Huoai đi Cát Tiên…
Hệ lụy từ việc chở hàng quá khổ, quá tải xảy ra trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong thời gian qua thì đã rõ. Việc lập lại trật tự trên lĩnh vực này của lực lượng chức năng của tỉnh Lâm Đồng trong thời gian gần đây cũng thật đáng ghi nhận. Tuy vậy, thực trạng của vấn đề này vẫn đang rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là đối với hai ngành GTVT và cảnh sát giao thông, trong thời gian tới như yêu cầu của UBND tỉnh là “đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của xã hội…”.
Khắc Dũng