Xây dựng nông thôn mới ở Tây Nguyên

09:08, 04/08/2013

(LĐ online) - Hầu hết các xã của 5 tỉnh Tây Nguyên đến nay đều đã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý, hoàn tất công tác quy hoạch, xây dựng đề án chi tiết để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại địa phương mình.

(LĐ online) - Hầu hết các xã của 5 tỉnh Tây Nguyên đến nay đều đã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý, hoàn tất công tác quy hoạch, xây dựng đề án chi tiết để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại địa phương mình.

Thu hoạch ớt xanh của một hộ nông dân tại Đơn Dương
Thu hoạch ớt xanh của một hộ nông dân tại Đơn Dương


Tại Kon Tum, theo số liệu của Cụm Thi đua 5 tỉnh Tây Nguyên, tất cả 81/81 xã của tỉnh này đã hoàn thành việc phê duyệt Đề án quy hoạch chung về xây dựng nông thôn mới. Đã có 36 xã đang triển khai việc lập quy hoạch chi tiết, trong đó 9 xã cơ bản hoàn tất quy hoạch. Tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới vừa qua, Kon Tum đã có quyết định công nhận xã Hà Mòn thuộc huyện Đăk Hà, xã đầu tiên của tỉnh này đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới với 19/19 tiêu chí.

Sau Hà Mòn, Kon Tum còn có Đăk Mar, một xã cũng thuộc huyện Đăk Hà đạt 12/19 tiêu chí và xã Ia Chim, thành phố Kon Tum đạt 11/19 tiêu chí. Trong tỉnh có 13 xã đạt chuẩn từ 5 đến 10 tiêu chí, 6 xã đạt dưới 5 tiêu chí.
 
Tại Gia Lai, toàn bộ 185/185 xã của tỉnh này đã hoàn tất đề án quy hoạch chung về xây dựng nông thôn mới, đang xây dựng quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm xã và đưa ra lộ trình thực hiện. Toàn tỉnh đã có 3 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 12 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, 113 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí và 57 xã đạt dưới 4 tiêu chí.

Tại Đăk Lăk, hiện mới chỉ có khoảng 78% số xã trong tỉnh hoàn thành việc lập quy hoạch và lập đề án xây dựng nông thôn mới. Tỉnh này mới có 1 xã đạt 15 tiêu chí, 2 xã đạt 13 tiêu chí và 9 xã đạt từ 10 đến 12 tiêu chí. Trong khoảng từ 5 đến 9 tiêu chí đã có 79 xã đạt, còn 54 xã đạt 2-4 tiêu chí và 7 xã mới chỉ đạt 1 tiêu chí duy nhất. Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, Đăk Lăk đang chú trọng phát triển các mô hình hỗ trợ sản xuất, nâng cao thu nhập; vận động người dân hiến đất đóng góp làm đường giao thông nông thôn và các công trình công cộng phục vụ cộng đồng. Từ đầu năm 2013 đến nay, người dân đã đóng góp trên 73 tỷ đồng, hơn 12 nghìn ngày công lao động.

Với Đăk Nông, đến tháng 6/2013 đã có 61/61 xã hoàn thành công tác lập quy hoạch, trong đó có 49 xã đã phê duyệt đề án. Với một địa bàn trải rộng, hộ nghèo và cận nghèo còn nhiều (gần 13 nghìn hộ nghèo, trên 2.500 hộ cận nghèo) dù Đăk Nông đã cố gắng rất lớn trong việc phát triển hệ thống giao thông nông thôn của mình cùng đẩy mạnh công tác giảm nghèo nhưng đây sẽ là những trở ngại  lớn cho tỉnh này trong việc hiện đại hóa bộ mặt nông thôn.

Tại Lâm Đồng, đến nay đã có 106/114 xã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới; 8 xã còn lại đang trình các cấp thẩm quyền thẩm định. Bên cạnh xã Tân Hội, huyện Đức Trọng đã đạt 19/19 tiêu chí, Lâm Đồng còn có thêm một xã khá là Xuân Trường (thành phố Đà Lạt) - xã xây dựng điểm nông thôn mới của tỉnh cơ bản đạt tất cả 19 tiêu chí. Toàn tỉnh đã có 11 xã đạt trên 15 tiêu chí, 32 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, 71 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí và không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Lâm Đồng đang đưa ra mục tiêu đến cuối năm nay sẽ có thêm 3 xã nữa đạt 19/19 tiêu chí. Theo lộ trình đến năm 2015, Lâm Đồng sẽ có 20% số xã trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới theo chỉ đạo của Chính phủ. Một trong những bước đột phá lớn trong xây dựng nông thôn mới tại Lâm Đồng gần đây so với cả khu vực Tây Nguyên chính là việc tỉnh đã phát động xây dựng huyện nông thôn mới tại huyện Đơn Dương.

Đánh giá của Hội nghị sơ kết giao ước thi đua 6 tháng đầu năm 2013 của Cụm Thi đua 5 tỉnh Tây Nguyên diễn ra tại Đà Lạt gần đây cho biết, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới đã được các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị và người dân 5 tỉnh Tây Nguyên hưởng ứng nhiệt thành. Người dân đã tích cực cùng góp tay với chính quyền các cấp trong các cuộc vận động giảm nghèo, phát triển sản xuất, hiến đất xây công trình công cộng, đóng góp xây dựng đường giao thông, cải tạo lại diện mạo nông thôn… Tuy nhiên, như nhiều đại biểu đã chỉ ra, vẫn còn những khó khăn nhất định, chẳng hạn trong chỉ đạo, điều hành nhiều địa phương vẫn còn lúng túng, chưa tìm được một hướng đi riêng dựa vào thực tiễn của mình. Cùng đó, nguồn vốn trực tiếp cho chương trình còn quá ít, nhất là vốn Trung ương bổ xuống hằng năm thấp trong khi việc huy động các nguồn vốn khác cũng như việc thu hút đầu tư các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp - một thế mạnh của Tây Nguyên vẫn còn rất hạn chế.

Theo Tiến sỹ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, lâu nay 5 tỉnh Tây Nguyên “tính liên kết toàn vùng” vẫn chưa có. Chính vì vậy ông đề nghị khu vực Tây Nguyên cần gắn kết chặt chẽ hơn nữa để giải quyết những vấn đề chung của Tây Nguyên, trong đó có việc hỗ trợ nhau để xây dựng nông thôn mới. Chẳng hạn như chuyện giải quyết vấn nạn di dân tự do. Tây Nguyên với ưu thế của mình về diện tích rừng còn nhiều, đất đai phì nhiêu, phù hợp với cây dài ngày cà phê, cao su, hồ tiêu, chè, rau, hoa, chăn nuôi đại gia súc… nên đây vẫn tiếp tục là điểm đến “ưa thích” của rất nhiều hộ dân di cư tự do từ các tỉnh biên giới phía bắc, đặc biệt là các cộng đồng dân tộc thiểu số. Điều này đang gây một áp lực rất lớn cho nhiều tỉnh trong khu vực. Lâu nay mỗi tỉnh vẫn tìm cách giải quyết vấn nạn này theo cách riêng của mình, tuy nhiên như ông Phạm S đề xuất “Đã đến lúc 5 tỉnh cùng họp lại, mời đại diện các tỉnh có dân di cư tự do, mời Trung ương cùng vào cuộc để tìm tiếng nói chung, giải quyết vấn đề một cách cơ bản hơn”.
 
Với Lâm Đồng, vốn là tỉnh đi đầu trong khu vực Tây Nguyên và của cả nước về ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nên theo ông Phạm S, Lâm Đồng sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm của mình với các tỉnh Tây Nguyên trong việc xây dựng nông thôn mới, đặc biệt trong việc xây dựng các mô hình sản xuất kiểu “làng nghề” như kiểu làng trồng nấm, làng trồng rau, các trang trại trồng rau, hoa… đang phát triển lâu nay tại Lâm Đồng

Gia Khánh