Sau 5 tháng đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) tại các doanh nghiệp (DN), có những DN đã khắc phục cơ bản những tồn tại, song vẫn còn một số DN lơ là.
Sau 5 tháng đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) tại các doanh nghiệp (DN), có những DN đã khắc phục cơ bản những tồn tại, song vẫn còn một số DN lơ là. Sự xem thường những kiến nghị của đoàn đang tiềm ẩn những nguy cơ xấu khó lường.
Môi trường lao động bất an tại Công trình Thủy điện Đạ Dâng hầu như chưa khắc phục |
Những hạn chế và tồn tại mà đoàn phát hiện và kiến nghị các DN khắc phục phải trong vòng từ 30-45 ngày mới thấy tính cấp thiết. Cụ thể: thành lập Hội đồng Bảo hộ lao động đúng yêu cầu của Thông tư liên bộ số 01/2011/TT-BLĐTBXH-YT ngày 10/1/2011 của Bộ LĐTB&XH và Bộ Y tế. Theo đó, cử cán bộ làm công tác y tế, xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động; có cán bộ chuyên trách công tác ATVSLĐ. Phải tổ chức huấn luyện đầy đủ nội dung an toàn lao động (ATLĐ) cho người lao động (NLĐ); thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về ATVSLĐ, tai nạn lao động; cấp thẻ ATLĐ cho NLĐ. Đoàn kiểm tra cũng yêu cầu các DN trang bị bảng nội quy an toàn, biển cảnh báo về ATVSLĐ-PCCN tại nơi làm việc; kiểm định thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ; trang bị bảng hướng dẫn vận hành một số máy, thiết bị… Tồn tại rơi vào khá nhiều DN là chưa thành lập hoặc chưa tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho đội sơ cấp cứu; chưa thực hiện đầy đủ về đo kiểm môi trường lao động tại nơi làm việc. Vấn đề khám bệnh nghề nghiệp chưa được tách riêng các đối tượng lao động. Khá nhiều DN chưa tổ chức huấn luyện PCCC cho lực lượng tại chỗ; chưa xây dựng phương án PCCC tại đơn vị; các bảng nội quy, tiêu lệnh PCCC cũ kỹ, khó nhìn, khó đọc…
Cuối tháng 8 vừa qua, ngành LĐTB&XH tỉnh tiếp tục tổ chức phúc kiểm 7 DN. Trong số này, đã có 3 DN làm tốt, thực sự tạo được môi trường lao động an toàn: Công ty cổ phần (CTCP) Sông Đà 5.05; CT TNHH Agrivina và CT TNHH Tâm Châu; có 2 DN đã khắc phục cơ bản là CTCP Rượu bia Đà Lạt và Tổng CT Xây dựng số 1-TNHH MTV.
Tuy nhiên, vẫn có 2 DN chậm, hoặc hầu như không khắc phục những thiếu sót, tồn tại về ATVSLĐ-PCCN thì những nguy cơ xấu khó lường xảy ra bất kỳ lúc nào đối với tài sản DN và đặc biệt là tính mạng NLĐ. Đó là CT TNHH Lâm Nghiệp, đứng chân tại Khu công nghiệp Lộc Sơn, Bảo Lộc. CT này chính thức hoạt động tháng 6/2007, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu các sản phẩm nhựa với quy mô công suất 1.200 tấn hạt nhựa/năm. Tháng 5/2012, Đoàn Thanh tra lao động tỉnh Lâm Đồng đã lập biên bản xử lý hành chính 1 trong 17 lỗi, nhưng đến ngày 29/3/2013 đoàn tái kiểm tra, không chỉ ít khắc phục, mà tiếp tục vi phạm nhiều lỗi. Tại đây, đang diễn ra nhiều “không”: từ thành lập bộ máy làm công tác an toàn - vệ sinh viên; tổ chức huấn luyện ATLĐ, vệ sinh lao động cho NLĐ, kiểm định tất cả thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt, trang bị hướng dẫn vận hành một số máy móc, thiết bị đến trang cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ, chứng chỉ chuyên môn của công nhân vận hành thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt, bảng nội quy ATVSLĐ. Và nhiều “không” khác như tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ, có cán bộ làm y tế, đo kiểm môi trường lao động tại nơi làm việc, tổ chức tập huấn vệ sinh lao động, thành lập đội sơ cấp cứu… CT TNHH Lâm Nghiệp cũng không lập hồ sơ quản lý theo dõi hoạt động PCCC và một số phương tiện chữa cháy thiếu chế độ bảo dưỡng; không có phương án chữa cháy… Vậy mà sau 5 tháng, đoàn kiểm tra thực hiện những kiến nghị, CT Lâm nghiệp còn hơn 30% tồn tại chưa khắc phục. Vì vậy, trước đó đã bị xử phạt 3 hành vi với 11 triệu đồng và nay tiếp tục bị xử phạt 5 triệu đồng.
Một DN điển hình hơn nữa, đó là CTCP Xây dựng công trình ngầm Vinavico. Đơn vị xây dựng Thủy điện Đạ Dâng, một môi trường lao động hết sức nguy hiểm đến ATLĐ. Thời điểm 25/3/2013, đoàn kiểm tra đã chỉ rõ cho CT này tồn tại khuyết điểm với 14 nội dung. Đáng lưu ý là hệ thống điện tại công trường đường hầm rất mất an toàn; môi trường làm việc độc hại, có nhiều nguy hiểm, nhưng không tổ chức đo kiểm, thiếu biển cảnh báo và rào chắn, không có đội sơ cấp cứu và không huấn luyện nghiệp vụ sơ cấp cứu… Nhưng lần phúc kiểm vừa rồi, Vinavico hầu như chưa khắc phục! Tình trạng bất an này buộc đoàn tiếp tục lập biên bản xử lý phạt hành chính 15 triệu đồng.
Phó Thường trực Ban chỉ đạo Tuần lễ ATVSLĐ-PCCN quốc gia tỉnh Lâm Đồng Trương Ngọc Lý từng nhấn mạnh: Vấn đề quan trọng nhất là ý thức của người sử dụng lao động đối với công tác ATVSLĐ-PCCN. Muốn phát triển bền vững phải luôn coi trọng công tác này một cách thường xuyên, nhất là những DN thường để xảy ra tai nạn lao động trong các lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản,… Việc kiểm tra chủ yếu nhằm nhắc nhở để DN làm tốt hơn, chứ không đặt nặng vấn đề xử phạt hành chính. Thật đáng tiếc, Vinavico vẫn buông lỏng và coi thường những khuyến cáo của ngành chức năng. Theo Chánh thanh tra Sở LĐTB&XH Lâm Đồng Lê Quang Huy, những hành vi bị xử phạt là do DN cố tình vi phạm. Vì vậy, lời khuyến cáo của ông Huy là các DN cần phải nghiên cứu và thực hiện nghiêm Thông tư 01/2011 của liên bộ LĐTB-XH và Y tế. Thực tế gần đây, tình hình ATLĐ đối với NLĐ xảy ra nhiều nơi càng trở thành hồi chuông cảnh báo.
ĐẠO PHAN