Báo hoa mai xuất hiện ở khu dân cư xã Liên hiệp, huyện Đức Trọng

09:09, 19/09/2013

(LĐ online) - Chiều 19/9, tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng cho biết, kết quả giám định của Phòng Bảo tồn thuộc VQG Cúc Phương khẳng định 2 cá thể thú lạ xuất hiện, bắt gia cầm, gây lo lắng cho người dân xã Liên Hiệp (Đức Trọng) trong những ngày qua chính là loài báo hoa mai (Panthera pardus).

*Đề nghị Cục Kiểm lâm hỗ trợ, lập phương án bảo vệ

(LĐ online) - Chiều 19/9, tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng cho biết, kết quả giám định của Phòng Bảo tồn thuộc VQG Cúc Phương khẳng định 2 cá thể thú lạ xuất hiện, bắt gia cầm, gây lo lắng cho người dân xã Liên Hiệp (Đức Trọng) trong những ngày qua chính là loài báo hoa mai (Panthera pardus).

Trước đó, liên tục từ đêm 12-17/9, hàng chục hộ dân sống tại khu vực xã Liên Hiệp hoang mang, lo âu vì vùng này xuất hiện những con thú lạ vào tận nhà bắt trộm gia cầm.

Chị Nguyễn Thị Hoa (ngụ xã Liên Hiệp) cho biết, khoảng một giờ sáng 17/9, khi đang ngon giấc, hai vợ chồng bỗng giật mình nghe tiếng bầy ngỗng nhốt sau nhà kêu loạn xạ, cứ tưởng trộm nên chồng chị bật dậy chạy ra xem. Chỉ trong tích tắc, khi ra đến nơi thì phát hiện con gà trống chọi do người anh trai gửi nuôi được nhốt trong chiếc giỏ sắt phía sau nhà bếp đã biến mất, hiện trường chỉ còn toàn dấu chân thú lạ. Theo chị Hoa, bầy ngỗng không bị mất con nào là do được nuôi nhốt trong chuồng làm bằng lưới sắt B40, nên con thú mới quay sang bắt gà.

Ông Lý Cỏng Gìn (sống cùng xã với chị Hoa) cũng cho hay, rạng sáng 11/9, khi ông cùng vợ đang ngủ thì nghe tiếng ngỗng và đàn vịt kêu nên liền mở cửa ra xem thì thấy một con vật to lớn như con bê con phóng vút vào bóng đêm. Sáng ra kiểm tra thấy bầy ngỗng mất 5 con, hiện trường mặt sân đất còn in lại rất nhiều dấu chân thú 4 ngón, có móng vuốt sắt, ở giữa có dấu đệm tròn nổi hẳn lân trên nhưng ông không biết là con thú gì. Tối hôm sau, con thú lại mò đến và bắt tiếp 2 con ngỗng cùng một con vịt của nhà ông nhưng gia đình không hay biết, sau đó kiểm tra ông mới phát hiện, đồng thời ngoài dấu chân của con thú hôm trước, giờ có thêm một dấu chân cùng loại nhưng có kích thước nhỏ hơn nên ông nghi loài thú trên có tới 2 con (một lớn, một nhỏ).

vết chân thú xuất hiện ở xã Liên hiệp, huyện Đức Trọng
vết chân thú xuất hiện ở xã Liên hiệp, huyện Đức Trọng

Trong khi đó, ông Mông Ngọc Minh (ngụ cùng xóm với ông Gìn), nghi ngờ con thú trên chính là loài báo. Vì theo ông Minh, tối 16/9, con thú trên đã vào tận nhà ông bắt đi một con ngỗng rồi mang ra đám đất trống trước nhà ngồi ăn, lúc đó (khoảng 21 giờ), anh Lê Xuân Tình (ngụ cùng xóm), trong lúc đi chơi về vô tình đã phát hiện con vật to lớn, lông màu xám vằn trong tư thế ngồi chồm hổm, đầu ngẩng cao đang xơi tái một con ngỗng của nhà ông nên hô hoán cho mọi người. Tuy nhiên, khi nhiều người ra đến nơi thì con vật đã phóng vút vào rẫy cà phê cách đó khoảng 500m, hiện trường chỉ còn lông, cánh và một mề ngỗng…

Ngày 16/9, lực lượng chức năng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng tiến hành kiểm tra hiện trường, lấy mẫu chân bằng thạch cao để đưa đi giám định làm rõ loài thú trên. Theo cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng, căn cứ những dấu chân con thú để lại hiện trường (có đường kính khoảng 8cm – 10cm, bước dài khoảng 40cm), nên nhận định đây là loài thú có móng vuốt, thuộc họ mèo. Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng cũng thông báo đến UBND xã Liên Hiệp, N’Thôn Hạ và thị trấn Liên Nghĩa (Đức Trọng) báo cho nhân dân để có biện pháp đề phòng thú dữ, không nên ra đường một mình vào ban đêm và không được săn bắn trái phép loài thú quý hiếm này.

Chiều 19/9, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng có văn bản chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng tiếp tục cử cán bộ theo dõi, thu thập, làm rõ quy luật hoạt động của các cá thể thú nêu trên và báo ngay cho Chi cục khi có thông tin, ngoài ra phải có biện pháp tuyên truyền, bảo vệ 2 cá thể báo hoa mai nói trên.

Theo nhận định của Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng, 2 cá thể báo nói trên ban ngày trú ẩn trong các khu vực có cây cối rậm rạp trong khu vực Sân bay Liên Khương, điều nay gây tâm lý hoang mang cho người dân quanh khu vực và du khách trong sân bay. Để bảo vệ loài thú quý hiếm này, đồng thời tránh tổn thất có thể có về người và của, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cũng đã báo cáo để Cục Kiểm lâm chỉ đạo xử lý. Đồng thời, từ 2009 đến nay, trên địa bàn Lâm Đồng đã ghi nhận sự xuất hiện thường xuyên của báo hoa mai nên đề nghị Cục Kiểm lâm hỗ trợ điều tra, khảo sát xác định số lượng cá thể để lập phương án bảo vệ loài thú quý hiếm này./.

Thụy Trang