Bình yên từ hai trung tâm nghiên cứu hạt nhân

03:09, 18/09/2013

Cuộc sống của người dân thành phố khoa học Daejeon nói riêng cũng như của Hàn Quốc nói chung và của những người dân chung quanh Trung tâm nghiên cứu hạt nhân KAERI thật an toàn và bằng các biện pháp dự phòng và giảm thiểu các hậu quả nếu có xảy ra...

Cuộc sống của người dân thành phố khoa học Daejeon nói riêng cũng như của Hàn Quốc nói chung và của những người dân chung quanh Trung tâm nghiên cứu hạt nhân KAERI thật an toàn và bằng các biện pháp dự phòng và giảm thiểu các hậu quả nếu có xảy ra. Ở đây người ta đảm bảo an toàn tuyệt đối kể cả khi xảy ra tai họa kép động đất và sóng thần như ở Nhật Bản năm 2011…

Đoàn cán bộ tỉnh Lâm Đồng chụp hình lưu niệm trước Trung tâm KAERI (Daejon - Hàn Quốc)
Đoàn cán bộ tỉnh Lâm Đồng chụp hình lưu niệm trước Trung tâm KAERI (Daejon - Hàn Quốc)


Rời Việt Nam vào lúc nửa đêm, vượt qua hơn 8.700 cây số, cuộc hành trình dài gần 12 tiếng đồng hồ bay đưa chúng tôi đến với sân bay Frankfurt Cộng hòa Liên bang Đức. Chuyến bay kế tiếp là đến Munich - một thành phố nổi tiếng với sự kiện Olympic năm 1972 và cũng là nơi có Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Forschungs thuộc Trường Đại học Kỹ thuật Munich… Giám đốc phụ trách chuyên môn của Trung tâm và các cộng sự đón tiếp chúng tôi khá nồng hậu. Sau một số thủ tục cần thiết chúng tôi được mời vào phòng họp để xem trình chiếu và nghe giới thiệu về Trung tâm này.

Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân Forschungs được bắt đầu xây dựng cùng thời với Trung tâm nguyên tử lực Đà Lạt vào những năm 1960, với lò phản ứng hạt nhân FRM I có dòng neutron rất cao được sử dụng trong các lĩnh vực nghiên cứu, khoa học và sản xuất khác nhau với công suất lúc đầu chỉ là 1 MW, sau đó nâng lên 4 MW và dừng hoạt động năm 2000 tức là sau 43 năm vận hành. Cũng vào đầu năm 2000,  lò mới là FRM II được xây dựng với công suất lên đến 20 MW. Chúng tôi rất thích thú khi nghe giới thiệu về cơ sở cũ FRM I với hình thù một quả trứng bị cắt (cutting egg) mà ý nghĩa của trứng được xem như là sự bắt đầu của cuộc sống hay một sự khởi nghiệp… Đoàn cũng lạ lẫm và bỡ ngỡ trước những thông tin chuyên ngành hạt nhân nguyên tử như thanh nhiên liệu chỉ có 8,1 kg độ giàu 93% uranium và phải thay thế sau 52 ngày hoạt động hoặc là nước nhẹ (light water) thì được lấy từ nguồn nước ngầm tại chỗ còn nước nặng (heavy water) thì đa phần phải mua của các công ty của Pháp và Ca-na-đa…

Sau bữa ăn trưa ngay trong nhà ăn riêng của Viện Max Plank tại trường đại học này cùng với hàng ngàn người bao gồm cả các sinh viên nước ngoài và cán bộ, chuyên viên đang học tập và thực tập, chúng tôi được hướng dẫn đi một vòng quanh trường nơi có nhiều khoa và viện mà trong đó đặc biệt là nơi nghiên cứu về kỹ thuật Plasma và đây cũng chính là một trong số rất ít nơi làm được trên thế giới…

 Khi vào tham quan lò nguyên tử, chúng tôi phải qua các thủ tục rất nghiêm ngặt hơn cả kiểm tra an ninh ở các sân bay. Sau khi đã được trang bị áo choàng, máy đo nhiễm xạ, chúng tôi tận mắt xem hồ nước chứa các thanh nhiên liệu, hệ thống vận hành và các loại máy móc sản xuất các đồng vị phóng xạ…

Cuộc trao đổi sôi nổi được diễn ra sau khi tham quan và chúng tôi rất quan tâm đến cuộc sống của người dân chung quanh Trung tâm. Được biết ở ngay Trung tâm đã có 250 chuyên gia, chuyên viên và 100 cộng tác viên khác; riêng trường đại học này có đến hơn 15 ngàn người đang học tập nghiên cứu. Còn dân số của thị trấn Garchung hơn 20 ngàn người và con số này ngày càng tăng vì đã và đang có nhiều người đổ xô về đây để làm ăn sinh sống do nhu cầu của lực lượng học tập, nghiên cứu của trường đại học ngày càng nhiều...

Chúng tôi rời nước Đức trở về Việt Nam sau một chuyến tham quan thú vị với những gì đã tận mắt nhìn thấy ở Trung tâm nghiên cứu hạt nhân này cũng như những cảnh đẹp của Munich tại khu liên hợp thể thao, ở các nhà thờ cổ kính từ những thế kỷ trước…
 
Tiếp tục cuộc hành trình, đoàn chúng tôi rời sân bay Quốc tế Nội Bài lúc 10 giờ 15 và sau 4 tiếng đồng hồ bay đã có mặt tại Sân bay Incheon (Hàn Quốc), được biết đây là một vùng đầm lầy ven biển sâu đến hơn 2 mét đã được cải tạo và xây dựng thành sân bay quốc tế của Thủ đô Seoul. Sau đó chúng tôi lại lên xe tốc hành đi đến Daejeon – nơi được mệnh danh là thành phố khoa học của Hàn Quốc và là nơi có Trường Đại học khoa học và công nghệ Hàn Quốc trong đó có Trung tâm nghiên cứu hạt nhân KAERI.  
 
Sáng hôm sau, chúng tôi đã được người của Trung tâm đến khách sạn đón đưa đến Trung tâm và sau một số thủ tục đơn giản hơn nhiều so với ở Đức chúng tôi đã bước chân vào Trung tâm này.

Trước hết chúng tôi được xem một vidéoclip giới thiệu về KAERI bằng tiếng Việt Nam bên cạnh 6 thứ tiếng khác bao gồm cả tiếng Ả Rập… Xuất xứ của Trung tâm này là từ một trung tâm được xây dựng từ Thủ đô Seoul vào năm 1959 và sau đó được chuyển xuống đây vào năm 1985. Sau khi giải phóng mặt bằng mất 2 năm, Trung tâm được xây dựng với công suất đến 30 MW. Đây là một trong 10 lò nguyên tử lớn nhất thế giới đứng sau Canada với 125 MW, Trung Quốc 60 MW… và là kỳ vọng tương lai to lớn của năng lượng nguyên tử Hàn Quốc. Với thiết kế riêng biệt của mình, KAERI đã không những thắng thầu xây dựng lò nghiên cứu nguyên tử tại Jordan và 4 nhà máy điện nguyên tử trị giá đến 20 tỷ đô la tại Tiểu Vương quốc Ả rập năm 2009 mà còn giúp cho nước này đào tạo từ 15 đến 60 chuyên gia vận hành… KAERI cũng đã xây dựng lò nguyên tử với công suất 15 MW tại Busan - thành phố lớn thứ hai của Hàn Quốc với dân số hơn 3,5 triệu người…

Các lò phản ứng hạt nhân FRM I (hình nửa quả trứng bên phải) và FRM II của Munich-Đức (bên trái)
Các lò phản ứng hạt nhân FRM I (hình nửa quả trứng bên phải) và FRM II của Munich-Đức (bên trái)


Cũng giống như ở bên Đức, chúng tôi đã tham quan bể chứa thanh nhiên liệu uranium và hệ thống máy móc vận hành, sản xuất các chất đồng vị phóng xạ và đặc biệt ở đây còn có công nghệ sử dụng năng lượng nguyên tử để làm ngọt hóa nước biển.

Để đảm bảo an toàn bức xạ, ngay trước cổng Trung tâm còn bố trí thiết bị đo độ nhiễm xạ để người dân có thể theo dõi thường xuyên. Điều đáng nói ở đây là Trung tâm KAERI chỉ cách thành phố Daejeon có vài cây số và hiện nay đã có đến 3 ngàn chuyên gia, chuyên viên, sinh viên đang nghiên cứu, làm việc và học tập ở Trung tâm này. Chúng tôi rất may gặp được một cán bộ Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt tên là Trầm đang theo học cao học, là một trong rất nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh ở nước ngoài đến đây học tập. Đó là chưa kể số dân ở chung quanh khu vực này đã lên đến hơn 228 ngàn người và Trung tâm đã đảm bảo thực hiện 3 phương châm là luôn luôn kết nối thông tin với người dân; sẵn sàng trả lời các câu hỏi cũng như thắc mắc của người dân và sẵn sàng mời người dân đến tham quan. Do vậy, ở đây người dân đã thực sự được sống một cách bình yên và an toàn ở một nơi được xem như “Thung lũng Silicon của Mỹ”…

Và điều đó đã được chứng minh là ngay sau bữa ăn trưa tại một nhà hàng nổi tiếng phía ngoài Trung tâm vì đã từng được tiếp đón các Tổng thống Hàn Quốc, chúng tôi được đưa đi một vòng quanh các khu vực ngoài Trung tâm này với các chung cư cao tầng có hơn 2 ngàn căn hộ với cả sân golf 9 lỗ và tiếp đó là các căn nhà tư nhân nằm giữa các khu vườn nhỏ trồng rau hoa và còn có cả những đám ruộng lúa đang lên xanh mơn mởn… Được biết là từ 6 đến 7 năm nay, người dân khắp nơi trên đất nước Hàn Quốc đã đổ xô về vùng này làm ăn sinh sống và hầu hết đều kinh doanh rất phát đạt do nhu cầu ngày càng cao của hàng trăm ngàn người và con số này ngày càng tăng…

Hàn Quốc vốn là một nước phát triển mạnh về kinh tế mà đặc biệt là về năng lượng nguyên tử. Đây là thế mạnh thứ ba sau sản xuất xe hơi và đóng tàu… Ở đây người ta ví các hoạt động năng lượng nguyên tử như là những nét vẽ tuyệt vời của một nghệ sỹ tài hoa rồi đến sự chính xác của một nhà toán học an toàn và sự điều hành của một CEO… Và điều tâm đắc nhất là các khẩu hiệu lớn ở đây là “CLEAN” mà có thể hiểu là “sạch” hay “an toàn” và mọi người rất tin tưởng vào sự phát triển năng lượng nguyên tử như là một phương cách làm cho ngày mai đẹp hơn, tốt hơn theo câu “ROAD TO FINE TOMORROW”…

Chia tay với Hàn Quốc sau 5 ngày tham quan, chúng tôi chính thức kết thúc chuyến đi đến 2 trong những lò phản ứng hạt nhân trên thế giới và cảm nhận được những nơi đó thật sự là an toàn để những đất nước này ngày càng phát triển.

Ghi chép: Bùi Thanh Long