Với huyện Di Linh, việc thực hiện cơ chế "một cửa" và "một cửa liên thông" đã được triển khai khá sớm, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) và rút ngắn thời gian giải quyết, phục vụ lợi ích thiết thực cho người dân. Bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của huyện thường xuyên được củng cố và hoạt động theo Quy chế của UBND huyện...
Với huyện Di Linh, việc thực hiện cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” đã được triển khai khá sớm, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) và rút ngắn thời gian giải quyết, phục vụ lợi ích thiết thực cho người dân. Bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của huyện thường xuyên được củng cố và hoạt động theo Quy chế của UBND huyện. Các thủ tục hành chính giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được niêm yết công khai tại phòng tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả; đồng thời, được niêm yết trên trang thông tin điện tử của huyện. Bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ thường xuyên trực để giải quyết công việc cho dân vào buổi sáng, từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần.
Đối với cấp huyện, TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa gồm 11 thủ tục; TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông (từ huyện đến xã) gồm 4 thủ tục thuộc lĩnh vực đất đai và 4 thủ tục thuộc lĩnh vực cấp phép. Còn đối với cấp xã, TTHC được thực hiện theo cơ chế một cửa gồm 33 thủ tục. Theo đánh giá của UBND huyện Di Linh, tuy còn có những tồn tại và hạn chế nhất định, nhưng “Việc thực hiện cải cách TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước ở địa phương. Mối quan hệ giải quyết công việc giữa chính quyền địa phương và các phòng, ban với các tổ chức và công dân được rõ ràng, minh bạch, góp phần thực hiện quy chế dân chủ”.
Trong việc thực hiện TTHC, thủ tục thuộc lĩnh vực đất đai chiếm phần lớn. Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Di Linh, hiện nay trong số 29 TTHC mà Phòng đang thực hiện thì có tới 24 thủ tục về đất đai, chỉ có 3 thủ tục về môi trường, 1 thủ tục về san lấp mặt bằng và 1 thủ tục về thẩm định phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Toàn bộ các TTHC được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và được tiếp nhận tại Phòng tiếp nhận hồ sơ thuộc Văn phòng HĐND và UBND huyện (gồm 12 thủ tục) và tại nơi tiếp nhận hồ sơ thuộc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (gồm 17 thủ tục).
Hiện nay, huyện Di Linh có 7/19 xã, thị trấn thực hiện TTHC theo cơ chế “một cửa liên thông” (từ cấp xã đến cấp huyện) về đất đai, gồm: Thị trấn Di Linh và các xã Hòa Bắc, Hòa Ninh, Tân Châu, Đinh Lạc, Gia Hiệp, Gung Ré. Tất cả các TTHC được công bố công khai tại nơi tiếp nhận hồ sơ và hộp thư điện tử của UBND huyện; 13 TTHC được công bố trên hộp thư thoại để nhân dân thuận tiện khai thác, sử dụng. Theo số liệu tổng hợp của huyện, hàng năm, Phòng tiếp nhận và trả hồ sơ thuộc Văn phòng HĐND và UBND huyện tiếp nhận và giải quyết khoảng 5.500 hồ sơ; Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất của huyện tiếp nhận gần 7.000 hồ sơ. Trong đó, việc giải quyết hồ sơ đúng hạn chiếm khoảng 90%.
Việc thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa liên thông đã giúp người dân thuận lợi hơn trong việc giải quyết hồ sơ, giảm bớt thời gian đi lại… Tuy vậy, theo đánh giá của UBND huyện: “Do trình độ chuyên môn của một số cán bộ còn hạn chế, nên việc tham mưu, giải quyết hồ sơ trên các lĩnh vực đôi khi chưa đúng quy định của pháp luật”. Việc thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông cũng chưa thực hiện một cách “trọn vẹn”. Trong quá trình thực hiện còn có những tồn tại và phát sinh một số tiêu cực, một số cán bộ đôi khi có biểu hiện “nhũng nhiễu” khi tiếp nhận hồ sơ; chưa tận tâm, cặn kẽ và tế nhị trong việc hướng dẫn thủ tục hồ sơ, khiến người dân có lúc phải đi lại, bổ sung nhiều lần… Ông Nguyễn Văn T (thị trấn Di Linh) cho biết: Việc thực hiện cơ chế một cửa tuy có thuận lợi, nhưng vẫn còn phiền hà, nhất là trong việc thẩm định hồ sơ và thực hiện nghĩa vụ tài chính. Người dân còn phải đi lại nhiều lần, nhiều “cửa”!
Xã Hòa Bắc là một đơn vị được đánh giá thực hiện khá tốt việc thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa liên thông đối với 4 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai, nhưng tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn chiếm 86% và giải quyết trễ hạn chiếm tới 14%. Theo UBND xã Hòa Bắc: “Hiện nay, xã chưa có đủ trang thiết bị để có thể hiện đại hóa trong khâu tiếp nhận và giải quyết TTHC; việc giải quyết hồ sơ đất đai theo cơ chế một cửa liên thông còn lúng túng, do khâu lập hồ sơ ở cấp xã còn có một số sai sót phải điều chỉnh, bổ sung và do các bước chuyển giao hồ sơ đến cấp huyện chưa đúng quy trình, thời gian quy định, nên một số hồ sơ phải trả lại hoặc trả chậm”.
XUÂN LONG