Chung tay phòng chống bạo lực học đường

03:09, 26/09/2013

Tình trạng bạo lực học đường trên địa bàn huyện Đức Trọng vẫn đang diễn biến phức tạp. Để ngăn chặn tình trạng này, nhiều giải pháp phòng, chống bạo lực học đường đã được triển khai ngay từ đầu năm học.

Tình trạng bạo lực học đường trên địa bàn huyện Đức Trọng vẫn đang diễn biến phức tạp. Để ngăn chặn tình trạng này, nhiều giải pháp phòng, chống bạo lực học đường đã được triển khai ngay từ đầu năm học.

“Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Ảnh: Sân Trường Tiểu học Gia Hiệp (Di Linh) trong giờ ra chơi. Ảnh: Minh Ngọc
“Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Ảnh: Sân Trường Tiểu học Gia Hiệp (Di Linh) trong giờ ra chơi. Ảnh: Minh Ngọc


Chỉ cần một mâu thuẫn nhỏ như gây gổ, nói xấu nhau, tranh giành tình cảm… nhiều học sinh đã không kiềm chế dẫn đến đánh nhau. Theo đại diện Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội huyện Đức Trọng, năm học 2012-2013, trong tổng số 10 vụ việc học sinh vi phạm về ATGT, đánh nhau, sử dụng trái phép chất gây nghiện thì đã có phân nửa là số vụ vi phạm gây gổ đánh nhau trong và ngoài nhà trường. Mới đây, Công an huyện, Công an thị trấn Liên Nghĩa, công an các xã đã phối hợp xử lý một số vụ bạo lực, đánh nhau, gây rối tại một số trường trên địa bàn huyện. Điển hình như 3 vụ đánh nhau giữa học sinh PTTH Lương Thế Vinh, chỉ vì mâu thuẫn tình cảm, do bị trêu chọc, hoặc do mâu thuẫn cá nhân. Hoặc, một vụ đánh nhau giữa 2 nhóm học sinh của Trường PTTH Nguyễn Thái Bình. Vụ việc bắt đầu khi 2 nhóm học sinh mâu thuẫn với nhau, dẫn đến đánh nhau. Sau đó, một học sinh trong nhóm đã về rủ bạn bè và người nhà kéo lên đánh tiếp. Khi vụ việc bị phát hiện, số học sinh bị xử lý là 8, số đối tượng ngoài bị xử lý trên 20 đối tượng. Ngoài ra, còn nhiều trường hợp học sinh trường này có mâu thuẫn với trường kia liền rủ bạn bè chặn đường đánh trên đường đi học về.

Trước thực trạng trên, ngay từ đầu năm học, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đức Trọng đã chỉ đạo các trường tổ chức cho cán bộ, giáo viên ký cam kết với hiệu trưởng và hiệu trưởng ký cam kết với Trưởng Phòng Giáo dục không để xảy ra tình trạng bạo lực trong nhà trường. Đồng thời, phối hợp cùng với địa phương trong chỉ đạo các trường học triển khai thực hiện tốt kế hoạch nhiệm vụ năm học và định hướng phát triển giáo dục ở địa phương trong những năm tiếp theo, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác phối kết hợp đồng bộ giữa nhà trường và các ban ngành, đoàn thể ở địa phương trong giáo dục toàn diện học sinh, nhất là giáo dục đạo đức, phòng chống các tệ nạn xã hội. Mặt khác, các đội nghiệp vụ công an huyện, công an các xã và thị trấn cũng đã phối hợp thường xuyên với bộ phận chuyên môn của Phòng Giáo dục, các trường học để nắm tình hình học sinh vi phạm; kịp thời xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc, tập trung giải quyết ổn định tình hình, nhằm kịp thời răn đe, uốn nắn các em, nhằm không để xảy ra tình trạng tương tự.

Cạnh đó, các trường học cũng đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm túc, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và quản lý học sinh, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng bạo lực học đường, cũng như các tệ nạn xã hội khác thâm nhập vào nhà trường, góp phần đảm bảo ANTT từng trường học trên địa bàn toàn huyện. Cô Lê Thị Hồng, Hiệu Phó Trường THCS Ninh Gia cho biết, phòng chống bạo lực học đường đã được nhà trường đưa vào nội dung phong trào thi đua “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Cùng với đó, thông qua các bài giảng trong chương trình có liên quan đến phòng chống bạo lực học đường, các giáo viên bộ môn Ngữ văn, Giáo dục Công dân, Sinh học, Địa lý sẽ lồng ghép giáo dục các em bằng cách rèn cho các em kỹ năng sống, cách xử lý một số tình huống xảy ra trong cuộc sống… Ngoài ra, nhiều hoạt động văn nghệ, TDTT bổ ích, phù hợp cũng thường được tổ chức; Đội Thiếu niên tiền phong HCM cũng thường xuyên duy trì chương trình phát thanh măng non với nội dung xoay quanh các vấn đề thời sự liên quan đến phòng, chống bạo lực học đường. Đồng thời, nhà trường cũng luôn duy trì mối liên hệ giữa nhà trường - gia đình và xã hội. Cụ thể, trong sổ liên lạc của học sinh, hàng tuần và hàng tháng, giáo viên chủ nhiệm đều có nhận xét, thông báo gửi về cho PHHS. GVCN luôn giữ mối liên hệ và thông tin 2 chiều với gia đình của học sinh, qua đó, gia đình và nhà trường nắm bắt được thông tin của học sinh ở trường và ở nhà thật chặt chẽ. Cũng chính làm tốt được những việc này mà tình trạng bạo lực học đường trong và ngoài nhà trường những năm học qua đã có chiều hướng thuyên giảm.

THY VŨ