Với khoảng 15 tỷ đồng đầu tư sửa chữa xây dựng mới trong năm học này, Đơn Dương đang tích cực từng bước thay đổi diện mạo cơ sở vật chất trường học trên địa bàn.
Với khoảng 15 tỷ đồng đầu tư sửa chữa xây dựng mới trong năm học này, Đơn Dương đang tích cực từng bước thay đổi diện mạo cơ sở vật chất trường học trên địa bàn.
Sẽ là một ngạc nhiên lớn cho những ai đến thăm Trường Trung học cơ sở (THCS) Ka Đô - Đơn Dương những ngày này. Không còn là một ngôi trường cấp 4 như cách đây vài năm, THCS Ka Đô nay đã là một ngôi trường đẹp ở bờ nam sông Đa Nhim với một dãy phòng học 3 tầng khang trang hoàn tất trong năm học vừa qua. Chuẩn bị cho năm học mới, trường lại được đầu tư thêm nhiều hạng mục: phủ bê tông sân trường, xây mới khu hiệu bộ cùng phòng chuyên môn hai tầng phía đầu cổng vào (dự kiến hoàn tất trong tháng 12 năm nay), làm lại lối vào cùng lợp mái chỗ để xe cho học sinh. Trong thời gian đến, theo Ban Giám hiệu trường cho biết, trường sẽ được đầu tư tiếp tục 2 dãy phòng học 3 tầng 2 bên để nối lại với nhau.
Xây mới khu hiệu bộ và phòng chức năng tại THCS Ka Đô |
Để chuẩn bị cho năm học mới 2013 - 2014, Phòng Giáo dục Đơn Dương cho biết đã có 12 trường học các cấp trong huyện được đầu tư sửa chữa tu bổ lại với kinh phí khoảng 3,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc xây mới cũng được tiến hành từ đầu năm với 22 phòng học, 6 phòng thí nghiệm thực hành, 2 khu văn phòng. Nhiều trường năm nay được xây mới như Mầm non Măng non tại thị trấn Dran (xây 2 phòng học), Tiểu học Tu Tra (2 phòng học), THCS Pró (xây 6 phòng học, 4 phòng thí nghiệm), THCS Ka Đô… Tổng kinh phí xây mới và sửa chữa trong năm 2013 khoảng 15 tỷ đồng, trong đó 80% các công trình đã được đưa vào sử dụng trong đầu năm học mới, số còn lại đến cuối năm 2013 sẽ hoàn tất.
“Chúng tôi cơ bản đáp ứng được cho năm học mới, không còn phòng học tạm, phòng học mượn. Việc xây dựng được ưu tiên tập trung vào phòng học, nếu có thiếu thì chỉ thiếu khu hiệu bộ, phòng thí nghiệm và các công trình này sẽ được đầu tư sau”- ông Trần Văn Thảo - Trưởng phòng Giáo dục Đơn Dương cho biết.
Năm học 2013 - 2014 này, số lượng học sinh của Đơn Dương tăng không đáng kể. Toàn huyện có trên 23 nghìn học sinh của 4 cấp học, trong đó mầm non khoảng 3.200 học sinh với 109 lớp; tiểu học trên 9.250 học sinh với 311 lớp; THCS trên 6.770 học sinh với 193 lớp và trung học phổ thông khoảng 3.500 học sinh với 104 lớp. Theo ông Thảo, số lượng học sinh của Đơn Dương vài năm gần đây đã dần đi vào ổn định, một vài trường có tăng thêm một hai lớp ở cấp mầm non và tiểu học nhưng trong tổng thể chung toàn huyện không tăng.
Trong 47 trường học trên địa bàn Đơn Dương hiện nay (giảm 1 trường so với năm học trước) có 14 trường mầm non, 22 trường tiểu học và 11 trường THCS. Cùng đó là 5 trường của cấp trung học phổ thông và 1 trường Phổ thông Dân tộc nội trú. Toàn huyện chỉ tính trong khối Phòng GD quản lý năm học này có 1.438 cán bộ, giáo viên, công nhân viên.
Một trong những nét nổi bật của Giáo dục Đơn Dương trong những năm qua chính là việc hoàn tất phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi trên địa bàn. Trong năm 2012, Đơn Dương là 1 trong 3 đơn vị của tỉnh đầu tiên hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi với 10/10 xã được công nhận đạt chuẩn. Trong cấp mầm non, việc thực hiện bán trú cho học sinh được đẩy mạnh. Năm học này, Phòng Giáo dục huyện cho biết trong 109 lớp của bậc mầm non đã có 100 lớp thực hiện bán trú, hầu hết các trường đều tổ chức bán trú kể cả trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện chỉ còn lại 9 lớp trong các phân hiệu vùng sâu chưa tổ chức được.
Trong bậc tiểu học, Đơn Dương hiện có 8 trường, 124 lớp với gần 3.700 học sinh trên địa bàn thực hiện theo chương trình SEQAP, trong đó có 6 trường với gần 100 lớp thực hiện bán trú cho học sinh. 90% số lớp học của các trường trong cấp tiểu học còn lại trong năm này đều thực hiện chương trình học 2 buổi/ngày. Nhờ đẩy nhanh việc xây dựng trường lớp nên hầu như mỗi lớp học ở cấp tiểu học hiện nay đã có 1 phòng học để thực hiện chương trình 2 buổi/ngày.
Trong cấp học THCS, để nâng chất lượng học sinh, Đơn Dương cũng đang hướng đến việc dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh. Năm học này có 3 trường thực hiện được việc dạy 2 buổi/ngày cho học sinh là THCS Châu Sơn, THCS Đinh Tiên Hoàng (xã Quảng Lập) và THCS Pró (xã Pró). Một số trường khác trong huyện cũng đã tổ chức được 1 đến 2 khối học 2 buổi/ngày, thường là khối lớp 6 và khối lớp 9.
Nhờ đẩy nhanh tiến độ kiên cố hóa trường lớp trên địa bàn nên Đơn Dương là một trong những đơn vị đi đầu của Giáo dục Lâm Đồng trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tại Lâm Đồng. Trong năm học vừa qua, Đơn Dương có thêm 3 trường đạt chuẩn quốc gia là Mầm non Ka Đơn, Mầm non Ka Đô, Tiểu học Lạc Viên. Riêng Tiểu học Thạnh Mỹ đạt chuẩn mức độ 2. Tính đến thời điểm này, Đơn Dương đã có trên một nửa số trường trên địa bàn (24/47 trường) đạt chuẩn quốc gia. Năm học này, Đơn Dương đang đặt ra mục tiêu phấn đấu có thêm 3 trường nữa đạt chuẩn quốc gia là Tiểu học Kambutte - một ngôi trường nằm trong vùng dân tộc thiểu số xã Tu Tra; Tiểu học Lạc Xuân - xã Lạc Xuân và THCS Đinh Tiên Hoàng thuộc xã Quảng Lập.
GIA KHÁNH