Như thường lệ vào mỗi sáng thứ hai hằng tuần, Ban Chấp hành Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Lạt lại tổ chức đến các điểm đặt thùng tiền quyên góp ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin để nhận số tiền do người dân thành phố và du khách đã ủng hộ. Và như tỷ lệ thuận với tấm lòng sẻ chia của người dân và du khách, số tiền thu được sau mỗi tuần lại đều đặn tăng dần...
Như thường lệ vào mỗi sáng thứ hai hằng tuần, Ban Chấp hành Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Lạt lại tổ chức đến các điểm đặt thùng tiền quyên góp ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin để nhận số tiền do người dân thành phố và du khách đã ủng hộ. Và như tỷ lệ thuận với tấm lòng sẻ chia của người dân và du khách, số tiền thu được sau mỗi tuần lại đều đặn tăng dần...
Sáng thứ hai của tuần đầu tiên tháng 8/2013, tôi có mặt tại điểm đặt thùng nhận tiền ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại điểm du lịch Lang-Biang và Thung lũng Vàng ở thành phố Đà Lạt. Hai chiếc thùng được làm bằng kính, gắn phù hiệu của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, cùng dòng chữ "Tri ân tấm lòng vàng" đầy chặt những tờ tiền mệnh giá 2.000, 5.000, 10.000 đồng. Sau khi kiểm đếm số tiền thu được, ông Lê Ngọc Sơn - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Lạt, vui mừng thông báo:
- 3.096.000 đồng, thế là cộng với số tiền thu được tại thùng tiền ở khu Hồ Xuân Hương 2.035.000 đồng, Chi cục Thuế 412.000 đồng, doanh nghiệp Hằng Nga 602.000 đồng và một số điểm khác, trong tháng này các hội viên đã có hơn 20 triệu đồng tiền hỗ trợ. Tháng này, số tiền nhận được nhiều hơn tháng trước gần 2 triệu đồng. Trò chuyện với ông Sơn, chúng tôi được biết, tháng 5/2011, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Lạt được thành lập trên cơ sở tách ra từ Hội Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em nghèo tỉnh Lâm Đồng. Lúc mới thành lập, quỹ hội chỉ có 2.631 đồng, trong khi chỉ còn 3 tháng nữa là đến dịp kỷ niệm 50 năm Ngày vì nạn nhân da cam Việt Nam (10/8/1961). Biết lấy gì làm quà thăm và tặng hơn 200 gia đình hội viên và 56 cháu khuyết tật do di chứng chất độc da cam từ cha mẹ, ông bà? Câu hỏi đó làm cả 9 thành viên trong ban chấp hành hội, đồng thời là hội viên nạn nhân chất độc da cam không đêm nào ngủ được, trăn trở tìm giải pháp. Sau nhiều ngày hội ý, Ban Chấp hành hội quyết định đặt các thùng đựng tiền kêu gọi lòng hảo tâm của nhân dân và du khách quyên góp, giúp đỡ nạn nhân da cam. Và hơn 20 chiếc thùng nhận tiền hỗ trợ nạn nhân da cam lần lượt được đặt tại các điểm du lịch, sinh hoạt văn hóa, dịch vụ công cộng trong thành phố. Ông Sơn vui mừng cho biết.
- Giờ thì mô hình đã phát huy hiệu quả, trung bình mỗi tháng chúng tôi nhận được khoảng 20 triệu đồng ủng hộ nạn nhân da cam trên địa bàn thành phố. Mỗi đồng tiền chúng tôi nhận được không chỉ là sự giúp đỡ về vật chất mà thể hiện cả tình cảm, sự tri ân đối với nạn nhân da cam. Từ số tiền thu được, chúng tôi đã trợ cấp thường xuyên cho hơn 10 hộ gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình hội viên khác...
PHÚ SƠN