Hiệu quả của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở Lâm Đồng

04:09, 05/09/2013

Để tiếp tục thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (TDĐKXDĐSVH), trong 3 năm 2011-2013, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng...

Để tiếp tục thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH), trong 3 năm 2011-2013, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng, cụ thể: chất lượng các danh hiệu thi đua ngày càng nâng cao với việc bình xét các danh hiệu khu phố văn hóa, gia đình văn hóa được thực hiện theo đúng quy trình chặt chẽ, dân chủ. Những nội dung cốt lõi của phong trào như xây dựng khu dân cư văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa, cơ quan văn hóa thực sự đã trở thành những phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trong toàn xã hội. Phong trào đã phát triển sâu rộng đến tận các thôn, buôn, khu phố, cơ quan, đơn vị, gia đình, cá nhân; là môi trường lành mạnh để nuôi dưỡng, phát huy nhân tố tích cực, hạn chế và đẩy lùi yếu tố tiêu cực, góp phần nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, tạo nền tảng tinh thần xã hội.

Liên hoan văn nghệ thôn - tổ văn hóa thiếu niên - nhi đồng hè 2013. Ảnh: PHAN VĂN EM
Liên hoan văn nghệ thôn - tổ văn hóa thiếu niên - nhi đồng hè 2013. Ảnh: PHAN VĂN EM


Năm 2011, toàn tỉnh có 214.900 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 827 số thôn, buôn, tổ dân phố được công nhận văn hóa và 15 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn văn hóa… thì đến năm 2012 đã có 231.935 số hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa; 1.235 số thôn, buôn, tổ dân phố được công nhận văn hóa; số xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn văn hóa là 35/148, trong đó số xã, phường, thị trấn được công nhận văn hóa lần đầu 8/35 và số cơ quan đạt chuẩn văn hóa là 1.250. Xây dựng văn hóa ngày càng được hình thành và thực hiện nghiêm túc, trở thành một nét văn hóa sinh hoạt không thể thiếu; thực hiện nếp sống văn minh cụ thể là trong việc cưới, việc tang và lễ hội với trên 90% số đám cưới, đám tang thực hiện nếp sống văn minh và 29 lễ hội cấp huyện và 123 lễ hội cấp xã được tổ chức đúng quy định, an toàn, tiết kiệm, phát huy được các giá trị đạo lý văn hóa truyền thống của từng vùng miền. Hệ thống thiết chế văn hóa ngày càng phát triển phù hợp với đặc thù của từng địa phương, nhất là thiết chế văn hóa ở xã, phường, thị trấn; nhà sinh hoạt cộng đồng ở thôn, buôn, tổ dân phố được nâng cấp và xây dựng đã một phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, hội họp, học tập của cộng đồng dân cư; điểm nổi bật của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là luôn đi đầu, gương mẫu trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước và cộng đồng dân cư, xuất hiện nhiều mô hình văn hóa tiêu biểu làm cho đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng được cải thiện, sống đoàn kết gắn bó mật thiết với nhau, tương trợ và chia sẻ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tình làng nghĩa xóm ngày càng khắng khít hơn…

Tuy nhiên, ngoài những thành tựu đã đạt được thì phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” vẫn còn bộc lộ những hạn chế đó là trong việc bình xét các danh hiệu thi đua ở một số địa phương còn mang nặng tính hình thức, một số danh hiệu văn hóa chưa phản ánh đúng thực chất so với yêu cầu phát triển của thời kỳ đổi mới và những biến đổi ngày càng phong phú trong đời sống văn hóa vật chất lẫn tinh thần của nhân dân; việc triển khai thực hiện hương ước, quy ước còn nhiều hạn chế bởi các hiện tượng tiêu cực như tảo hôn, bạo lực gia đình, trộm cắp vặt, gây ô nhiễm môi trường… vẫn còn diễn ra; thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong tổ chức cưới, tang vẫn còn không ít gia đình thực hiện chưa tốt và chưa có chế tài để có biện pháp xử lý khi vi phạm. Cơ sở vật chất kỹ thuật cho việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở còn nghèo nàn và thiếu thốn, nhiều nơi chưa có Nhà Thiếu nhi để tổ chức các lớp học năng khiếu cho thiếu niên nhi đồng; các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng chưa hoạt động thường xuyên, có nơi chỉ chú ý xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa mà không quan tâm xây dựng phong trào, xây dựng con người, hoặc có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà thi đấu nhưng chưa xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật để hoạt động, khiến cho nhà văn hóa, nhà thi đấu hoạt động cầm chừng hoặc bỏ không, cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt cũng chưa được trang bị đầy đủ, việc trang bị cũng có khi không phù hợp và cũng chưa đảm bảo được các tiêu chuẩn theo quy định mới…

Với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế và giao lưu văn hóa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tạo một bước chuyển biến mang tính đột phá và trên cơ sở thực hiện 5 nội dung chủ yếu mà Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã xác định, vai trò lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp tiếp tục được thể hiện, quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân, giúp cho người dân am hiểu, thực hiện đúng pháp luật và tham gia một cách thật tích cực trong phong trào “TDĐKXDĐSVH”, thực hiện tốt các tiêu chuẩn về nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, nâng chất lượng khu dân cư văn hóa… cũng như sự phối kết hợp thường xuyên của các cấp, các ngành, các đoàn thể trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và những cán bộ văn hóa tâm huyết để tạo một không khí sôi nổi thi đua từ mọi người, mọi nhà, mọi xã hội.

THÚY VÂN - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy