Ngày 24/6/2013, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang đã ký Quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho cán bộ và nhân huyện Di Linh đã có thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn 2008 - 2013.
Ngày 24/6/2013, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang đã ký Quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho cán bộ và nhân huyện Di Linh đã có thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn 2008 - 2013. Đây là phần thưởng xứng đáng mà Nhà nước đã trao tặng và là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.
Đường phố ở trung tâm huyện lỵ Di Linh hôm nay |
Trong giai đoạn 2002 - 2007, cán bộ và nhân dân huyện Di Linh đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Để xứng đáng với phần thưởng cao quí này, trong giai đoạn 2008 - 2013, được sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ huyện, cán bộ và nhân dân Di Linh đã tiếp tục khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực về kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng.
Trong 5 năm qua, nền kinh tế - xã hội của huyện phát triển không ngừng với tốc độ khá cao. Cơ cấu kinh tế của huyện từng bước chuyển dịch theo hướng phát triển. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ngày càng tăng. Riêng năm 2012, mức đầu tư xã hội đạt 1.650 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2011 và tăng gấp 2 lần so với năm 2008. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt 13,4%. GDP bình quân đầu người năm 2012 đạt hơn 28 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2008. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn (do huyện quản lý) trong 5 năm qua (2008 - 2012) đạt 1.400 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần so với 5 năm trước đó…
Theo Phòng Nội vụ huyện, trong một ngày gần đây, UBND huyện Di Linh sẽ tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và phát động phong trào toàn dân thi đua yêu nước để tiếp tục phấn đấu đạt được Huân chương Lao động hạng Nhất vào 5 năm tới. |
Với tiềm năng đặc thù và lợi thế so sánh của địa phương, huyện Di Linh đã đầu tư đúng mức cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây cà phê, tạo được một thế mạnh vùng sản xuất cà phê trọng điểm của tỉnh. Các loại cây trồng khác, như chè, dâu tằm, lúa nước, cây ăn trái, rau màu… và ngành chăn nuôi cũng được duy trì để hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững. Riêng cây cà phê, hiện nay, tổng diện tích của toàn huyện đã lên đến 41.520 ha (trong đó, diện tích thu hoạch là 40.500 ha). Năng suất cà phê bình quân đạt gần 2,4 tấn nhân/1 ha và sản lượng hàng năm thu được bình quân 100.000 tấn. Huyện Di Linh đang tập trung triển khai mạnh Chương trình tái canh cà phê (ghép cải tạo và trồng tái canh) để chuyển đổi dần sang giống mới có năng suất cao hơn.
Trên lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp, ngoài diện tích rừng do các đơn vị trực tiếp quản lý, huyện đã triển khai việc giao khoán cho 1.488 hộ quản lý, bảo vệ rừng gần 40.000 ha; đồng thời, tập trung việc quản lý, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng và tăng cường công tác trồng, chăm sóc, phát triển vốn rừng. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản, giao thông vận tải, thương mại, dịch vụ… được chú trọng và giá trị sản xuất hàng năm tăng dần. Trên các lĩnh vực xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng… thường xuyên được quan tâm và tạo được bước phát triển ổn định, bền vững.
Để tạo bước phát triển cho nền kinh tế - xã hội của địa phương, trong những năm qua, huyện đã khuyến khích, kêu gọi và thu hút đầu tư. Nhờ vậy, đến nay, trên địa bàn huyện đã có 30 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư (theo số đăng ký) trên 3.000 tỷ đồng. Đồng thời, huyện đã chú trọng công tác quy hoạch (từ nay đến 2015 và tầm nhìn đến 2020) và triển khai thực hiện quy hoạch. Trong việc quy hoạch, huyện đã xây dựng quy hoạch chung và quy hoạch phát triển giao thông, quy hoạch thương mại - dịch vụ, quy hoạch phát triển nông nghiệp, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch nông thôn mới (NTM), quy hoạch phát triển thị trấn Di Linh, quy hoạch xây dựng thị trấn Hòa Ninh… Ngoài ra, huyện còn quy hoạch và triển khai quy hoạch các khu dân cư (KDC), như: KDC Nhà máy chè 2/9, KDC Phúc Kiến, KDC Thanh Danh, KDC Trung tâm cụm xã Tân Lâm.
Trong việc thực hiện các quy hoạch nói trên, huyện đã chú trọng xây dựng và triển khai quy hoạch xây dựng NTM. Đến nay, toàn huyện đã có 17/18 xã được phê duyệt quy hoạch NTM. Trong đó, xã điểm (Tân Châu) và 3 xã ưu tiên (Gung Ré, Gia Hiệp và Hòa Bắc) đã được phê duyệt Đồ án quy hoạch NTM. Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, các xã đã và đang tập trung vận động sức dân để cùng chung tay xây dựng NTM. Riêng xã điểm và các xã ưu tiên sẽ phấn đấu hoàn thành các tiêu chí NTM vào năm 2015.
Là huyện miền núi, trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền địa phương luôn quan tâm đến việc chăm lo đời sống đồng bào DTTS, đồng bào nghèo và người dân ở vùng sâu, vùng xa. Riêng việc thực hiện Nghị quyết 30a, ngoài nguồn vốn của tỉnh, huyện Di Linh đã hỗ trợ các thôn nghèo, cận nghèo 3,8 tỷ đồng để thực hiện các đề án hỗ trợ khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, hỗ trợ sản xuất và chăn nuôi; triển khai các chương trình, dự án giảm nghèo nhanh, bền vững và triển khai lồng ghép với các chương trình, dự án khác. Ngoài ra, những hộ nghèo, cận nghèo còn được ưu tiên giải quyết vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống. Nhờ vậy, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trong huyện chỉ còn 7,73%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS chiếm 13,5%.
Theo đánh giá của UBND huyện Di Linh, đạt được những thành tựu nói trên, là nhờ hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở thường xuyên được củng cố, xây dựng và ngày càng vững mạnh. Các tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể các cấp luôn thể hiện được vai trò của mình trong việc lãnh đạo, tổ chức, vận động quần chúng thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhiều tập thể và cá nhân trong huyện đã được tặng thưởng Huân chương của Nhà nước, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng, được công nhận “Chiến sĩ thi đua” và được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các bộ, ngành trung ương và địa phương.
BÙI TRƯỞNG