Ra đời kể từ những ngày đầu nước nhà độc lập, trải qua các thời kỳ cách mạng, ngành Tòa án Việt Nam không ngừng phát triển về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử và đang nỗ lực thực hiện có kết quả công cuộc cải cách tư pháp hiện nay.
Ra đời kể từ những ngày đầu nước nhà độc lập, trải qua các thời kỳ cách mạng, ngành Tòa án Việt Nam không ngừng phát triển về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử và đang nỗ lực thực hiện có kết quả công cuộc cải cách tư pháp hiện nay.
Ngày 27/6/2013, TAND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị tổng kết Nghị quyết 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 |
Quá trình xây dựng và phát triển
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới đối với đất nước - kỷ nguyên của độc lập dân tộc và CNXH. Ngay từ những ngày đầu giành được chính quyền, Đảng và Nhà nước ta đã sớm bắt tay vào việc xây dựng bộ máy nhà nước của chế độ dân chủ mới, trong đó có hệ thống Tòa án nhằm trấn áp các phần tử phản cách mạng, bảo vệ chính quyền nhân dân mới được thành lập.
Ngày 13-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 33/SL thiết lập các Tòa án quân sự, đánh dấu sự ra đời của ngành Tòa án Việt Nam… Qua các thời kỳ cách mạng, ngành Tòa án không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử, góp phần đáng kể vào công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.
Ở Lâm Đồng, sau khi được hoàn toàn giải phóng, ngành Tòa án tỉnh được thành lập theo Quyết định ngày 16/4/1976 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để kịp thời thực hiện nhiệm vụ được giao.
Những năm đầu mới thành lập, ở Tòa án tỉnh chỉ hình thành các Tổ xét xử, Tổ hành chính tư pháp, Tổ văn phòng - quản trị. Đến năm 1983, Tòa án tỉnh có các tòa như Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Văn phòng… Từ năm 1986, thực hiện các quan điểm đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, ngành Tòa án Lâm Đồng cũng từng bước được kiện toàn, nhất là sau khi có Hiến pháp năm 1992 và Luật tổ chức Tòa án nhân dân được sửa đổi, cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Tòa án các cấp được xác lập cụ thể thêm. Tòa án tỉnh đã thành lập thêm các tòa chuyên trách như Tòa Hành chính, Tòa Kinh tế… để giải quyết các loại án theo thẩm quyền luật định. Đối với các Tòa án cấp huyện, thành phố đã được nâng thẩm quyền xét xử các loại án hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính. Đội ngũ cán bộ Tòa án, trong đó đội ngũ thẩm phán được bổ nhiệm đủ điều kiện, đã qua thực tiễn và được đào tạo, bồi dưỡng không ngừng nâng cao về năng lực, phẩm chất. Từ năm 2002, bộ máy tổ chức của Tòa án địa phương do Tòa án nhân dân tối cao quản lý, biên chế ngành Tòa án cũng được tăng về số lượng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Ngày 2/6/2005, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề ra nhiều chủ trương lớn, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, trong đó có ngành Tòa án nhân dân.
Qua tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết 49, toàn ngành Tòa án Lâm Đồng đã thụ lý 34.057 vụ án các loại, đã giải quyết được 32.815 vụ, đạt tỷ lệ 96,3%. Các loại vụ án được thụ lý và giải quyết hàng năm tăng bình quân gần 500 vụ. Các Tòa án đã tập trung và tích cực giải quyết các loại án đạt được yêu cầu đề ra. Chất lượng xét xử đáp ứng yêu cầu, không để xảy ra tình trạng xét xử oan, sai; đã đưa đi xét xử lưu động những vụ án điểm; tỉ lệ hòa giải thành đối với các vụ án dân sự tương đối cao (trên 30%), hòa giải đoàn tụ nhiều vụ án hôn nhân và gia đình. Việc chấp hành quy định của pháp luật về thời hạn xét xử được các Tòa án thực hiện khá nghiêm túc; chất lượng xét xử tiếp tục được đảm bảo, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán năm sau thường thấp hơn năm trước. Đặc biệt, Tòa án các cấp triển khai sâu rộng việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử; đảm bảo cho những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình, việc thực hiện tinh thần tranh tụng không chỉ ở các phiên tòa xét xử hình sự mà được áp dụng đối với cả các phiên tòa dân sự, hành chính. Công tác giải quyết đơn thư đã có nhiều chuyển biến tích cực, không có những vụ khiếu kiện bức xúc, kéo dài. Trang thiết bị, cơ sở vật chất, các điều kiện hoạt động của các Tòa án đã được bổ sung, đầu tư khá hơn, chính sách chế độ của cán bộ, thẩm phán được quan tâm.
Hướng phát triển thời gian tới
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong cải cách tư pháp, ngành Tòa án cần khắc phục những hạn chế, khuyết điểm thời gian qua, tiếp tục thực hiện cải cách tư pháp theo các yêu cầu như sau:
- Quán triệt yêu cầu của cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 “Cải cách tư pháp lấy trọng tâm là cải cách hệ thống Tòa án”. Thực hiện các mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động xét xử, đổi mới thủ tục tranh tụng tại phiên tòa là “khâu đột phá” để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác xét xử; đảm bảo các phán quyết của Tòa án phải đúng pháp luật, mang lại công lý, niềm tin cho nhân dân. Trước mắt toàn ngành Tòa án thực hiện có kết quả các chỉ tiêu công tác mà Nghị quyết 37/2012 của Quốc hội khóa XIII về những nhiệm vụ công tác tư pháp đã nêu ra.
- Đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án các cấp theo hướng xây dựng hệ thống Tòa án 4 cấp, đặc biệt quan tâm Tòa án sơ thẩm khu vực, xây dựng ngành Tòa án nhân dân trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Chú trọng xây dựng đội ngũ thẩm phán, cán bộ có năng lực chuyên môn giỏi, có bản lĩnh và phẩm chất; thực hiện “phụng công thủ pháp, chí công vô tư”, với phong cách “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tư pháp phục vụ nhân dân.
- Cải cách Tòa án đặt trong tổng thể cải cách tư pháp, nên đòi hỏi cải cách đồng bộ của các ngành liên quan thì mới có hiệu quả. Cần phải tăng cường phối hợp thực hiện tốt theo chức năng của mỗi ngành, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự giám sát của nhân dân thì mới bảo đảm sự phát triển bền vững.
VÕ MINH PHƯƠNG
Chánh án Tòa án Lâm Đồng