"Mát tay" với học sinh

03:09, 26/09/2013

Sinh năm 1966 ở Ka Đơn, Đơn Dương, Ma Kiên theo học Trung học Y tế Lâm Đồng từ năm 1982 đến 1987. Khi tốt nghiệp, cô gái người K'Ho này về làm việc tại Trạm Y tế Ka Đơn. Năm 1991, chị phụ trách y tế tại thôn Nghĩa Hiệp 1, Ka Đô. Năm 2000, Ma Kiên chuyển công tác sang mảng y tế trường học, phụ trách y tế tại Trường Trung học cơ sở (THCS) Ka Đô.

Y sĩ Ma Kiên
Y sĩ Ma Kiên

Sinh năm 1966 ở Ka Đơn, Đơn Dương, Ma Kiên theo học Trung học Y tế Lâm Đồng từ năm 1982 đến 1987. Khi tốt nghiệp, cô gái người K’Ho này về làm việc tại Trạm Y tế Ka Đơn. Năm 1991, chị phụ trách y tế tại thôn Nghĩa Hiệp 1, Ka Đô. Năm 2000, Ma Kiên chuyển công tác sang mảng y tế trường học, phụ trách y tế tại Trường Trung học cơ sở (THCS) Ka Đô.

“Mình là y sĩ, ở đâu cũng làm việc, cũng chữa bệnh thôi, nhưng làm việc ở trường học thấy vui hơn”- Ma Kiên nói. Vui vì trường đông học trò, ngày nào không em này thì cũng em khác lên nói chuyện với cô Ma Kiên, cần cô giúp đỡ. “Đi làm ở trường học mãi rồi quen, như học sinh vậy đó, cả ngày ở trường, ngày nào không đi làm lại nhớ tiếng trống trường, nhớ tiếng cười của các em”.

THCS Ka Đô là một ngôi trường lớn ở bờ nam sông Đa Nhim - Đơn Dương. Trong gần 750 học sinh nơi đây, có trên 100 học sinh là người dân tộc thiểu số K’Ho, Churu trong vùng. Ưu thế của Ma Kiên là có thể nói tiếng đồng bào thiểu số với các em nên mọi vấn đề về sức khỏe, đau yếu lặt vặt các em đều lên nhờ cô Ma Kiên và được cô tận tình giúp đỡ. Chính vì vậy, nhiều trường hợp trước đây, khi các em nghỉ học, bỏ học giữa chừng, bằng uy tín của mình, Ma Kiên góp phần không nhỏ trong việc vận động gia đình các em cho đi học lại. Hiện nay, việc bỏ học giữa chừng của học sinh dân tộc thiểu số nơi đây đã giảm hẳn và các em hòa nhập với học đường khá tốt.

Theo Ma Kiên, làm y tế trường học so với công việc trước đây ở xã có “nhiều việc hơn, nhưng cũng nhẹ nhàng hơn nhiều”. Ở trường, đa phần là những bệnh thông thường, chẳng hạn học trò ăn quà vặt nên bị đầy bụng khó tiêu. Rồi mùa nắng mải chạy chơi trong sân trường không mũ nón, nên bị say nắng, bị choáng; ham rượt đuổi, nên té trầy xước. Còn mùa lạnh do không mặc đủ ấm, nên học sinh thường bị cảm lạnh, ho, viêm họng, viêm phế quản, bị sốt… “Quanh đi quẩn lại cũng chừng đó bệnh, nên cũng chẳng khó lắm” - chị cười. Tại trường, phòng y tế nơi chị làm việc được bố trí khá rộng rãi, có tủ thuốc, giường khám và chỗ nghỉ cho học sinh. Mọi thứ được chị giữ rất ngăn nắp, sạch sẽ. Hằng ngày, lúc rảnh chị tranh thủ đến lớp nhắc học sinh mặc ấm khi mùa lạnh đang đến, nhắc các em một số kiến thức phòng bệnh phổ thông, vận động các em giữ gìn vệ sinh cá nhân; giữ gìn vệ sinh trường lớp sạch sẽ… Theo thầy giáo Trần Ngọc Minh, Hiệu trưởng THCS Ka Đô, Ma Kiên có chuyên môn tốt, hòa nhã với mọi người, “mát tay” trong chữa bệnh, nên được thầy cô và học sinh trong trường rất quí mến, là một tấm gương điển hình tận tụy trong công việc của trường rất đáng được biểu dương.

Nhưng với Ma Kiên, được học và làm nghề y là một niềm vui cho bản thân vì đây là nghề chị thích từ nhỏ. Chồng chị cũng là một y sĩ, hiện là một trưởng thôn tại xã Ka Đơn. Chị có 3 người con, cô con gái đầu theo nghề cha mẹ, tốt nghiệp Cao đẳng Y tế Lâm Đồng, hiện cũng làm y tế học đường tại một trường tiểu học trong huyện, cô con gái thứ hai lại theo nghề dạy học, đã tốt nghiệp Cao đẳng Tiểu học đang chờ xin việc. Chị thương học trò vì: “Học trò cũng như con mình thôi, mình thương thì các em thương lại”.

GIA KHÁNH