Mô hình phát triển đô thị Đà Lạt hiện đại và bản sắc

03:09, 29/09/2013

Đa số các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành đều nhất trí rằng: Cần có một triết lý, hướng tiếp cận chiến lược phát triển đô thị Đà Lạt trên "đôi chân" bảo tồn và hiện đại trong sự phát triển tiếp nối những giá trị hiện hữu khi mở rộng phát triển vùng đô thị Đà Lạt.

Đó là nội dung hội thảo khoa học “Đà Lạt: Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố - mô hình phát triển đô thị hiện đại và bản sắc” do UBND tỉnh Lâm Đồng và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại Đà Lạt ngày 28/9.

Đa số các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành đều nhất trí rằng: Cần có một triết lý, hướng tiếp cận chiến lược phát triển đô thị Đà Lạt trên “đôi chân” bảo tồn và hiện đại trong sự phát triển tiếp nối những giá trị hiện hữu khi mở rộng phát triển vùng đô thị Đà Lạt. Qua đó, thiết lập những đô thị vệ tinh hay đô thị đối trọng song không đánh mất đặc trưng đặc sắc của đô thị Đà Lạt - thành phố trong rừng, rừng trong thành phố.

Tìm kiếm mô hình phát triển đô thị Đà Lạt hiện đại và bản sắc, đề ra cơ chế đặc thù không nằm ngoài định hướng quy hoạch chung thành phố Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Phố trong rừng. Ảnh: Thanh Toàn
Phố trong rừng. Ảnh: Thanh Toàn


Phát triển nhưng không đánh mất bản sắc

Đặt trong sự phát triển vùng đô thị Đà Lạt trên cơ sở Đà Lạt hiện hữu rộng hơn 39.271 ha được mở rộng theo đồ án quy hoạch thành phố trong tương lai lên tới 335.486 ha, gần gấp 8 lần Đà Lạt hiện nay là một vấn đề nan giải khi thực hiện mục tiêu xây dựng phát triển thành phố và vùng phụ cận đến năm 2030 trở thành một vùng đô thị hiện đại, đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa, lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia và có ý nghĩa quốc tế.

Giải pháp quy hoạch lựa chọn mô hình phát triển chuỗi các đô thị, liên kết theo tuyến vành đai và xuyên tâm; kết nối các vùng du lịch sinh thái, vùng cảnh quan rừng và nông nghiệp đặc trưng là vấn đề đang được đặt ra cho Đà Lạt. “Việc giữ gìn bản sắc để phát triển tiếp nối, đảm bảo tiêu chí: bền vững, khoa học, hiện đại là vấn đề khó khăn, phức tạp. Cần tìm kiếm, đề xuất những cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp thỏa mãn mục tiêu giữ gìn bản sắc, phát triển theo bản sắc vốn có của thành phố Đà Lạt không dễ dàng” - ông Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng nêu ra trong lời đề dẫn hội thảo.

Chính vì vậy mà theo PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh: “Cảnh quan môi trường sẽ bị ảnh hưởng trong tiến trình đô thị hóa. Trong khi quy hoạch phát triển Đà Lạt phải là phát triển bền vững, nâng cao cảnh quan, kiến trúc và có tính đặc thù. Do vậy, cần có cơ sở lựa chọn để xây dựng một cơ chế đặc thù để phát triển Đà Lạt hiện đại song không đánh mất bản sắc vốn có”.

Vừa đòi hỏi phát triển thành phố Đà Lạt hiện đại, mở rộng trên lộ trình kiến tạo chuỗi đô thị vệ tinh song không đánh mất đặc trưng “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố” quả là thách thức không nhỏ. Bởi tiến trình mở rộng đô thị không tránh khỏi nhu cầu xây dựng hạ tầng cơ sở, áp lực gia tăng dân cư kéo theo áp lực quản lý xã hội. Trong khi đó, Đà Lạt là một trong những thành phố có diện tích rừng chiếm tỷ trọng cao so với diện tích tự nhiên thuộc vào bậc nhất thế giới với 231.648 ha rừng, chiếm 69% diện tích tự nhiên của thành phố mở rộng. “Đây là một trong những tiêu chí cực kỳ quan trọng cho việc quy hoạch và xây dựng thành phố mang tính hiện đại, thành phố xanh, thành phố sinh thái “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”. Và hiếm có thành phố nào trên trên trái đất lại có Khu dự trữ sinh quyển thế giới nằm trong thành phố” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S cho hay.

Mô hình và chiến lược phát triển

Việc mở rộng không gian đô thị Đà Lạt không giống như mở rộng Thủ đô Hà Nội. PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - Trưởng khoa Khoa Đô thị học, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Khi nghiên cứu kỹ mới thấy mô hình mở rộng phát triển Đà Lạt là phát triển vùng đô thị mà hạt nhân là thành phố Đà Lạt hiện hữu. Khác với các đô thị theo xu hướng tập trung hóa nay phải sửa sai vì bê tông hóa cao độ thì Đà Lạt cần lựa chọn mô hình vùng đô thị. Cấu trúc vùng đô thị là một phức hợp đa dạng gồm có thành phố lớn, thành phố trung bình, các thành phố thị trấn nhỏ và các khu ở đan xen giữa chúng là các khu đệm sinh thái. Đây là một xu thế mà các đô thị trên thế giới đang lựa chọn phát triển. Điển hình như ở Đức, hầu hết các thành phố đều có cơ cấu dân số từ 30 - 100 ngàn dân với kiến trúc nhà ở thấp tầng, không bao bọc bởi nhà kính. Vậy Đà Lạt chọn sao cho hợp với xu thế thế giới mà các nước đang theo đuổi sau thời kỳ hậu công nghiệp, hậu đô thị hóa. Đấy là mô hình phi tập trung hóa với các đô thị phân tán, tạo ra chuỗi đô thị có dân cư thấp, dễ quản lý. Có như thế Đà Lạt mới vừa phát triển hiện đại, vừa giữ đựơc bản sắc.

Theo TS.KS Võ Kim Cương - Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Tp.HCM, cần phải có một triết lý để phát triển thành phố, từ đó đề ra được chiến lược thực hiện triết lý đó. Phát triển xanh là hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường như định hướng của Đà Lạt đặt ra là tạo không gian xanh “phố trong rừng, rừng trong phố”.

Phát triển xanh hướng tới phục vụ tốt nhất cho sức khỏe và cuộc sống con người. Tuy nhiên, quy hoạch phát triển không gian đô thị chỉ là một trong những biện pháp để triển khai chiến lược phát triển. Trong các chiến lược, chiến lược phát triển du lịch - nghỉ dưỡng là quan trọng nhất. Nông nghiệp, khai thác bảo vệ rừng, phát triển bất động sản, giao thông… đều hướng tới mục tiêu phát triển du lịch, thế mạnh của Đà Lạt. Và “không nên cầu toàn về quy hoạch chung của vùng Đà Lạt, chỉ nên xem nó là một nội dung có tính hướng dẫn trong chiến lược phát triển cũng như chiến lược phát triển các ngành, các lĩnh vực của thành phố. Cơ chế quản lý đặc thù cũng là một nội dung và cũng là để thực hiện các kế hoạch chiến lược” - TS.KS Võ Kim Cương nhấn mạnh.
 

Đồng chí NGUYỄN XUÂN TIẾN - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh:

Trên cơ sở các ý tưởng, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành góp ý vào lộ trình xây dựng cơ chế đặc thù tại hội thảo, tỉnh sẽ tổng hợp, bổ sung, hoàn chỉnh đề án phát triển thành phố Đà Lạt. Hội thảo đặt ra nhiều vấn đề, trong đó đặt ra mục tiêu làm gì để Đà Lạt phát triển nhanh, mạnh và bền vững với quy mô đô thị lớn hơn hiện hữu cho cả quá trình dài và phải được bao bọc bởi rừng, nhất là rừng thông. Trong thời gian tới, rừng thông phải được đưa vào bảo tồn chứ không chỉ bảo vệ như hiện nay. Tỉnh sẽ đề ra chiến lược phát triển nhưng không dàn trải, ưu tiên định hướng phát triển Đà Lạt cần đặt trong tổng thể phát triển kinh tế, giữ gìn cảnh quan, kiến trúc, văn hóa, lịch sử. Vì vậy cần có cơ chế chính sách đặc thù cho một thành phố đặc thù như Đà Lạt để thành phố bước qua giai đoạn phát triển mới.   


GS.TS.KTS HOÀNG ĐẠO KÍNH - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam:

Thành phố Đà Lạt phải phát triển trên đôi chân bảo tồn và hiện đại. Vì vậy, cần chú trọng nhiều hơn vào chiến lược phát triển và có triết lý phát triển rõ ràng, trong đó có chiến lược phát triển đô thị. Còn chỉ dựa vào quy hoạch không thôi thì không nhìn ra kịch bản phát triển lâu dài. Điều e ngại là quy hoạch Đà Lạt đề ra xây dựng chuỗi đô thị với những cung đường vành đai, xuyên tâm – điều này phù hợp cho các thành phố lớn. Đà Lạt - đô thị di sản, nghỉ mát… phải bảo tồn cả thành phố chứ không chỉ là biệt thự mà nó là một phức hợp kiến trúc, cảnh quan, sinh thái tự nhiên. Gợi ý ở đây đó là Đà Lạt có vùng rừng núi đẹp vô song nên chăng hình thành chuỗi đô thị nhỏ mang bản sắc riêng, đặc tính riêng, chức năng riêng.


Ông ĐỖ VIẾT CHIẾN - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng:

Thành phố Đà Lạt là 1 trong 14 đô thị lớn của cả nước nên trong quá trình phát triển cần liên hệ, liên kết với hệ thống đô thị trong tỉnh, vùng và quốc gia trong đó có đô thị hạt nhân, tránh tình trạng tập trung quá mức vào đô thị hạt nhân. Hầu hết các đô thị đều hướng tới xây dựng đô thị tiện ích, bảo vệ môi trường, quản lý phát triển theo quy hoạch. Do đó, khi quy hoạch chung thành phố Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, vấn đề cần quan tâm đó là tổ chức quản lý quy hoạch, có kế hoạch triển khai quy hoạch, phát triển khu vực ưu tiên để lập quy hoạch căn cứ trên các phân khu chức năng và phải công khai hóa các dự án đầu tư trên cơ sở các quy hoạch chi tiết. Đồng thời, Lâm Đồng cũng phải có chương trình phát triển toàn bộ hệ thống đô thị ở địa phương.

                                                                                                                                                  (lược ghi)


HỒ XUÂN TRUNG