Khuyến khích sự tự tin, mạnh dạn hơn trong các hoạt động chung, cải thiện kỹ năng giao tiếp, hòa nhập với môi trường học đường…, các trường học trên địa bàn Đơn Dương đang nỗ lực từng bước nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số của mình.
Khuyến khích sự tự tin, mạnh dạn hơn trong các hoạt động chung, cải thiện kỹ năng giao tiếp, hòa nhập với môi trường học đường…, các trường học trên địa bàn Đơn Dương đang nỗ lực từng bước nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số của mình.
Từ một ngôi trường tiểu học
Nằm trong xã vùng sâu Tu Tra - Đơn Dương, Tiểu học Kambutte không còn là một ngôi trường quạnh vắng trong thôn dân tộc thiểu số heo hút với con đường đất đỏ mùa mưa sình lầy dẫn vào như cách đây chục năm trước mà nay đã là một ngôi trường khang trang. Dẫn vào trường nay là con đường nhựa liên huyện chạy gần đến nơi, chỉ theo một đoạn đường đá rộng rãi là đến trường. Cổng trường bề thế, sân trường rộng với bồn hoa chăm sóc cẩn thận, trong 2 dãy phòng học có 1 dãy 2 tầng; phòng học, phòng hiệu bộ vừa được sơn sửa đẹp mắt, sau trường là khu tập thể cho giáo viên.
“Trường vừa được cấp 900 triệu đồng để sửa chữa mua sắm trang thiết bị cho năm học mới; còn dãy nhà 2 tầng đó được xây dựng trong năm học trước” - cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thơm, Hiệu trưởng trường cho biết. Năm học này Tiểu học Kambutte có 316 học sinh, trong đó chỉ có 2 học sinh là người Kinh vốn là con của 2 cô giáo dạy học ở đây, còn toàn bộ học sinh là người dân tộc thiểu số K’Ho, Chu Ru trong vùng. Trường có 14 lớp học, 10 lớp ở trường chính, 4 lớp ở phân hiệu Bok Bang với 13 phòng học. Công tác tại đây có 28 cán bộ giáo viên, công nhân viên, trong đó, có 6 giáo viên người dân tộc thiểu số địa phương.
Là một ngôi trường tiểu học trong vùng dân tộc nhưng như cô giáo Thơm cho biết, trường hiện nay duy trì sỹ số học sinh rất tốt. Không còn cái cảnh thầy cô vừa dạy vừa vận động học sinh đến lớp như trước, vài năm gần đây tỷ lệ học sinh đến trường hầu như luôn xấp xỉ 100%. Đủ phòng học cho mỗi lớp một phòng nên trường thực hiện chương trình học 2 buổi/ngày và đây đã là năm thứ 4 trường thực hiện học 2 buổi/ngày cho 12/14 lớp cho học sinh; chỉ còn 2 lớp (lớp 3 và lớp 4) ở phân trường còn học 1 buổi/ngày.
Để học sinh vui đến lớp nhà trường tổ chức rất nhiều hoạt động ngoại khóa tổ chức các cuộc thi: thi trò chơi dân gian, thi an toàn giao thông, thi làm lồng đèn, thi giao lưu tiếng Việt, tổ chức các hoạt động thể thao… “Trường đẹp, thầy cô thân thiện, thương yêu học sinh, lớp học vui nên các em đến lớp” - cô Thơm chia sẻ. Cô còn cho biết trong năm học này Tiểu học Kambutte đang phấn đấu lên trường chuẩn quốc gia mức độ 1.
Những chuyển biến tích cực
Đơn Dương hiện có khoảng 7.000 học sinh dân tộc thiểu số đang học trong 53 trường học trên địa bàn, chiếm gần 30% học sinh của huyện. Đông nhất trong số này là ở bậc tiểu học với trên 3.000 học sinh; cấp mầm non khoảng 1.500, cấp THCS trên 2.000 và bậc THPT có trên 600 học sinh.
Theo ông Trần Văn Thảo, Trưởng phòng GD huyện, Phòng đã tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng GD học sinh dân tộc thiểu số một cách triệt để ở tất cả các trường học thuộc khối Phòng GD quản lý; yêu cầu tất cả giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh vùng dân tộc thiểu số; thực hiện phương án dạy tăng cường tiếng Việt theo chương trình 500 tiết; tăng cường dạy các kỹ năng cho học sinh; phụ đạo học sinh yếu, nhất là các khối lớp đầu cấp; sử dụng hiệu quả đồ dùng dạy học để tổ chức tốt các hoạt động trên lớp, tăng cường giáo dục kỹ năng sống, giúp các em tự tin, mạnh dạn hơn trong các hoạt động tập thể, giao tiếp hằng ngày, giáo dục tinh thần đoàn kết dân tộc, hòa nhập với tập thể trong nhà trường.
Với cấp mầm non và tiểu học, hầu hết các trường học trên địa bàn đã thực hiện tốt các phương án dạy tiếng Việt cho học sinh trước khi vào lớp 1. Hầu hết trẻ dân tộc thiểu số trên địa bàn đã được tăng cường tiếng Việt trong bậc mầm non. Với bậc tiểu học, huyện đang thực hiện tăng cường tiếng Việt cho học sinh của 6 trường và nhìn chung chất lượng học sinh tăng lên đáng kể trong 3 năm gần đây.
Trong bậc THCS, năm học vừa qua, 6 trường THCS trên địa bàn gồm Châu Sơn, Đạ Ròn, Pró, Ka Đơn, Tu Tra và Kambutte đã khảo sát chất lượng học sinh của trường trong nhiều đợt ở 3 môn Toán, Ngữ văn, Anh văn, thực hiện chung đề, chung thời gian và sau mỗi đợt kiểm tra Phòng đưa các giáo viên các môn trên tập trung sinh hoạt chuyên môn chung nhằm đánh giá chất lượng bài làm của học sinh, tìm các biện pháp nâng dần chất lượng bộ môn. Cách làm này mang lại hiệu quả thiết thực, chất lượng các đơn vị có sự chuyển biến, đặc biệt có tác dụng tích cực với giáo viên vùng sâu, vùng khó khăn. Riêng chất lượng học sinh dân tộc thiểu số bậc THCS đã được nâng lên rõ rệt, trong năm học 2012-2013 học sinh có học lực giỏi đạt 2,8%, khá 23,57%, trung bình 53,5 % trong đó tỷ lệ học sinh trung bình tăng lên 1,5% so với năm học trước đó; tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng 4,4%.
Đơn Dương lâu nay cũng chú ý xây dựng đội ngũ giáo viên người dân tộc thiểu số có chất lượng. Toàn hiện hiện có 129 cán bộ giáo viên công nhân viên (trong tổng số 1.458 cán bộ giáo viên công nhân viên toàn huyện ) là người dân tộc thiểu số trong đó có 1 cán bộ quản lý và 104 giáo viên; có 9 giáo viên được hợp đồng theo đề án Tây Nguyên. Hầu hết số giáo viên này đã đạt chuẩn về đào tạo trong đó có 65% trên chuẩn.
GIA KHÁNH