Nhận diện "chiêu" bán hàng mứt đặc sản Đà Lạt

03:09, 17/09/2013

Để thu được nhiều tiền hơn, nhiều người bán hàng mứt đặc sản Đà Lạt đã dùng nhiều thủ đoạn ảnh hưởng đến uy tín của nhiều người bán hàng chân chính khác, gây hại cho một ngành hàng nổi tiếng và làm xấu đi rất nhiều hình ảnh "hiền hòa, chân thật, mến khách" của thành phố du lịch Đà Lạt.

Để thu được nhiều tiền hơn, nhiều người bán hàng mứt đặc sản Đà Lạt đã dùng nhiều thủ đoạn ảnh hưởng đến uy tín của nhiều người bán hàng chân chính khác, gây hại cho một ngành hàng nổi tiếng và làm xấu đi rất nhiều hình ảnh “hiền hòa, chân thật, mến khách” của thành phố du lịch Đà Lạt.

Họ là ai?

Đà Lạt vẫn đang “nóng” với những thông tin từ ngành hàng mứt đặc sản thời gian qua: giá mứt đặc sản ở các “lò” trên các tuyến đường dẫn vào các khu điểm du lịch đắt gấp 3 lần ở chợ; nếu không đưa khách vào “lò” mua hàng, hướng dẫn viên và tài xế bị đe dọa và bị đánh; “cò” mứt đặc sản mượn xe chủ đi cướp, tranh giành khách, đuổi đánh nhau, gây án mạng... Gần đây, nhiều biển hiệu “Cơ sở mứt vườn dâu”, “Đặc sản mứt vườn dâu”, “Vườn dâu sinh thái”... được dựng lên tươi sáng, hấp dẫn. Nhưng, khách vào hỏi vườn dâu thì được “kèo” mua mứt đặc sản trước rồi mới dẫn đi. Mua hàng xong, khách được chỉ đường lòng vòng... Đi mãi... Có người tìm được lò mứt khác (lại được mời mua), có người bỏ cuộc, cũng có người “hên” hỏi thăm được vườn dâu. Nhưng, cảm giác đọng lại rõ ràng là rất ấm ức vì bị lừa...

Các bài viết về tình trạng mứt đặc sản Đà Lạt từ trang mạng nld.vn, ttol.net..., như: “Đà Lạt đang... đuổi khách”, hay “Cảnh giác với chiêu lừa mứt đặc sản”... được phát tán và nhận được rất nhiều bình luận về sự xuống cấp của môi trường du lịch Đà Lạt. Nhiều người comment “cũng bị như vậy” khi đến Đà Lạt... Nhưng, cũng có rất nhiều ý kiến khẳng định: Người Đà Lạt không làm như vậy! Nhiều comment đã tỏ ra bực bội, cho rằng, những người không biết từ đâu đến đã làm ảnh hưởng lớn đến văn hóa kinh doanh của người Đà Lạt, vì người Đà Lạt (thể hiện rất rõ ở các bà, các dì, các chị...) trong chợ Đà Lạt, ngày ngày bày hàng ra bán, ai đến thì niềm nở đón, không mua cũng cười chào... giá cả ở chợ như nhau, nên không ai tăng giá hay ép khách... Chị Nguyệt (phường 6), cho biết: “Có nghe “chuyện” từ năm ngoái, nhưng họ ở đâu, chớ ở phường chị không có”. Xin điểm mặt những người có liên quan đến các vụ mứt đặc sản xảy ra ở Đà Lạt gần đây: người bán dâu đánh nữ du khách là Phạm Thị Hương, 34 tuổi, quê Quảng Ngãi, tạm trú tại phường 3, TP Đà Lạt; một “cò mứt” đi cướp là Đinh Tấn Phát, 25 tuổi, quê Tây Ninh; nhóm “cò mứt” sử dụng hung khí truy sát nhau trên đường Nguyên Tử Lực năm 2012 dẫn đến án mạng làm Lê Minh Đức (quê Vĩnh Long) chết tại chỗ...

Trách nhiệm thuộc về ai?

Các “hiện tượng” trên được phản ánh trong diễn đàn của ngành du lịch vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến cảm nhận và lợi ích của du khách. Tuy nhiên, những hành vi ấy nếu là sai phạm thì do công an xử lý; nhưng, xem xét mức độ phạm tội đến đâu là của Viện Kiểm sát và Tòa án; rồi, giá mứt đặc sản bị “đội” lên bao nhiêu và thật giả thế nào là trách nhiệm của ngành công thương; hay, làm thế nào để khách hàng nhận biết chính xác “mứt đặc sản” có nguồn gốc Đà Lạt chứ không phải xuất xứ từ Trung Quốc lại cần có quy trình sản xuất, chế biến do ngành nông nghiệp quản lý... Ông Nguyễn Văn Hương - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch cho rằng: Môi trường du lịch nói chung và du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng nói riêng đang nổi lên nhiều vấn đề mang tính xã hội: dân cư tăng, nhưng quản lý nhà nước về dân cư còn hạn chế; doanh nghiệp tuyển dụng nhân lực lao động theo mùa vụ, chưa qua đào tạo, chưa có giấy phép...; sự phối hợp của các ban ngành chưa đồng bộ...

Ông Tôn Thiện San - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, nhận trách nhiệm về những vấn đề xảy ra trên địa bàn thành phố. Ông khẳng định, trách nhiệm trước hết là của chính quyền thành phố Đà Lạt. Nhưng một mình chính quyền không thể làm hết, doanh nghiệp cũng làm không xuể, nên mong muốn sự cộng hưởng, đóng góp tích cực của cộng đồng dân cư và sự phối hợp, giúp đỡ của các sở, ban, ngành... Ông đề nghị, nếu gặp người ăn xin, bán hàng giả, chặt chém... hãy gọi điện thoại đến đường dây nóng của thành phố để có người đi xử lý. Đối với các loại “cò” (cò mứt, cò khách sạn), chính quyền thành phố sẽ phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường mời các chủ kinh doanh đến họp, thông báo về các hình thức xử lý, các mức xử phạt, các quy định về quản lý giá... Ông cũng đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí một mặt tuyên truyền các đơn vị kinh doanh đàng hoàng, uy tín; nhưng cũng đăng tin các cơ sở làm ăn gian dối...

LÊ HOA