Thôn có trên nghìn hộ dân

03:09, 19/09/2013

Đó là thôn Phi Nôm, xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng. Đông dân, ít cán bộ khiến chính quyền thôn xoay xở rất khó khăn trong mọi hoạt động ở cơ sở.

Đó là thôn Phi Nôm, xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng. Đông dân, ít cán bộ khiến chính quyền thôn xoay xở rất khó khăn trong mọi hoạt động ở cơ sở.

“Tôi không biết trong tỉnh có thôn nào đông dân hơn ở đây hay không nhưng chắc rằng đây là thôn đông khẩu nhất của huyện Đức Trọng” - ông Phan Xuân Tịnh, Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh khẳng định.

Chợ Phi Nôm tại thôn Phi Nôm, Hiệp Thạnh, Đức Trọng
Chợ Phi Nôm tại thôn Phi Nôm, Hiệp Thạnh, Đức Trọng


Xã Hiệp Thạnh hiện có 5 thôn gồm Phi Nôm, Quảng Hiệp, Bắc Hội, Phú Thạnh và Bồng Lai. Đông dân nhất trong các thôn này là Phi Nôm với 1.273 hộ thường trú, 5.752 khẩu; kế đó là Bồng Lai với 773 hộ, 3.777 khẩu; Phú Thạnh với 770 hộ, 3.442 khẩu; Quảng Hiệp 538 hộ, 2.559 khẩu và Bắc Hội, ít nhất với 411hộ, 1.783 khẩu. Nhưng theo ông Lê Hữu Nguyên, Trưởng thôn Phi Nôm, số hộ và nhân khẩu về thôn của mình như trên vẫn chưa đầy đủ vì đây chỉ là số hộ thường trú mà chưa tính đến các hộ tạm trú. “Nếu chỉ tính số phòng trọ thì thôn tôi đã có trên 400 phòng với rất nhiều hộ tạm trú”. Số hộ tạm trú này theo ông Nguyên phải thêm gần 400 hộ nữa.  

Thôn Phi Nôm nằm ngay Ngã ba Phi Nôm với quốc lộ 20 và quốc lộ 27 chạy ngang qua nên đây là một khu vực đông đúc người qua lại. Trong thôn Phi Nôm có một làng người dân tộc thiểu số K’Ho - làng Finom; người dân trong thôn trước đây sinh sống bằng nghề nông, trồng cà phê, rau hoa, gần đây làm nhà lưới áp dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, hơn nửa số hộ trong thôn đã chuyển dần sang mua bán dọc theo quốc lộ và tại chợ Phi Nôm - ngôi chợ lớn thứ nhì huyện Đức Trọng, chỉ sau chợ Liên Nghĩa ở trung tâm huyện. Theo ước tính của UBND xã Hiệp Thạnh, quanh khu vực ngã ba này có khoảng 400 hộ kinh doanh cộng với khoảng 200 hộ buôn bán trong chợ Phi Nôm; mỗi năm người kinh doanh trong thôn đóng trên 4,5 tỷ đồng tiền thuế phí các loại.

Kinh doanh làm ăn được, nên số người tạm trú đổ về thôn rất đông, khiến công tác quản lý của thôn vô cùng phức tạp. Trong khi đó, dù đông nhân khẩu như thế, nhưng thôn vẫn chỉ có 3 người trong hệ thống chính quyền cơ sở gồm Trưởng thôn, Bí thư chi bộ thôn và Trưởng ban Mặt trận. Cả ba “chức danh” này được hỗ trợ hoạt động trên 500 nghìn đồng/tháng. Trong thôn cũng có một thôn phó, tuy nhiên chức danh này không có chế độ hỗ trợ, nên coi như làm việc tự nguyện, rảnh mới tham gia công tác chính quyền. Với mức hỗ trợ này, ông thôn trưởng Lê Hữu Nguyên cho biết “không đủ tiền xăng xe đi lại khi có việc”. Mà việc ở thôn thôi thì đủ thứ, từ việc cùng cán bộ thuế đi đến các hộ dân, xác nhận một số loại giấy tờ người dân khi cần, việc gì cần đến chính quyền thôn là ông phải đi, ngày cũng như đêm. Thậm chí có những chuyện đánh nhau xích mích gia đình cũng mời trưởng thôn đến giải quyết. Không thể mãi “ăn cơm nhà lo chuyện hàng xóm” nên ông nhiều lần đệ đơn xin nghỉ để cùng gia đình lo làm vườn. Nhưng là một đảng viên, có năng lực và tinh thần trách nhiệm trong công việc, nên UBND xã cứ đến nhà vận động làm việc trở lại, buộc ông phải nhận. “Anh coi mọi thôn khác chỉ vài trăm hộ là nhiều rồi, còn thôn tôi quá đông, công việc quá sức” - ông nói.  

 Thấy những khó khăn của một thôn đông dân như thế, nên UBND xã Hiệp Thạnh đã nhiều lần đề nghị cho phép tách Phi Nôm thành… 3 thôn mới, tăng cường cán bộ thôn để dễ quản lý, nhưng huyện chưa đồng ý vì vướng… qui hoạch.

Theo đề án, cả xã Hiệp Thạnh sẽ nằm trong vùng qui hoạch đô thị Liên Khương - Prenn khi Đà Lạt mở rộng địa giới. Theo UBND xã, thôn Phi Nôm theo qui hoạch thuộc khu đô thị số 2, khi lên đô thị sẽ là mô hình khu phố. Hiện nay qui hoạch địa giới chi tiết chưa có nên phải chờ. Nhưng chính quyền xã đã chờ từ 2007 đến nay mà không thấy triển khai, trong khi Phi Nôm và nhiều thôn khác đang đông dần lên như một khu thị tứ. “Chờ qui hoạch thì cứ chờ nhưng nên cho phép tách thôn để dễ quản lý theo thực tế phát sinh, chứ để kéo dài như thế thật khó cho chính quyền cấp cơ sở hoạt động” - ông Tịnh suy nghĩ.

Gia Khánh