Thu chi nguồn Quỹ QP-AN ở Lâm Đồng gặp khó do thiếu các quy định ràng buộc

04:09, 24/09/2013

Sau khi Luật Dân quân tự vệ (DQTV) được ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2010, nhằm thay thế cho Pháp lệnh DQTV trước đây, đã có tác dụng rất lớn đối với các cơ quan chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Sau khi Luật Dân quân tự vệ (DQTV) được ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2010, nhằm thay thế cho Pháp lệnh DQTV trước đây, đã có tác dụng rất lớn đối với các cơ quan chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Đồng thời giúp người dân nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia lực lượng DQTV. Tuy nhiên, vẫn có những “kẽ hở” khiến cho một số nhiệm vụ trở nên khó khăn và kém hiệu quả hơn. Đối với tỉnh Lâm Đồng, thực hiện việc thu Quỹ Quốc phòng - an ninh trên địa bàn, sau khi có Luật DQTV đang là vấn đề nan giải mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu các quy định ràng buộc từ cấp có thẩm quyền ở địa phương.    

Trao giấy khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích cao tại hội thi CHT - CTV giỏi năm 2012
Trao giấy khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích cao tại hội thi CHT - CTV giỏi năm 2012


Kể từ khi Luật DQTV chính thức có hiệu lực thi hành, Quyết định số 77 ngày 16/9/2009 của UBND tỉnh Lâm Đồng quy định về việc vận động đóng góp, quản lý và sử dụng Quỹ Quốc phòng - an ninh đã không còn phù hợp. Bởi trong Luật DQTV quy định rõ Quỹ Quốc phòng - an ninh được lập ở cấp xã do cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động, cư trú trên địa bàn tự nguyện đóng góp để hỗ trợ cho việc xây dựng tổ chức, huấn luyện của lực lượng DQTV và các nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chính vì vậy mà trong những năm qua, kết quả thu được từ nguồn Quỹ Quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là rất khiêm tốn. Thống kê chưa đầy đủ, trong 3 năm từ (2010 đến 2012), toàn tỉnh Lâm Đồng thu được hơn 4 tỷ đồng, đạt trên 70%, bình quân mỗi người dân hàng năm nộp cho quỹ này khoảng 10 ngàn đồng. Trong đó, thành phố Đà Lạt là đơn vị có số thu đều và cao nhất với gần 1,4 tỷ đồng, ngược lại cũng ở khu vực đô thị và các địa bàn có mặt bằng kinh tế tương đối khá nhưng lại không cao như: thành phố Bảo Lộc thu được trên 500 triệu đồng, huyện Đức Trọng gần 300 triệu đồng, Di Linh khoảng 170 triệu đồng, Đơn Dương trên 185 triệu đồng, chưa kể các huyện nghèo như Đam Rông, Cát Tiên, Lạc Dương, kết quả thu được chỉ đạt trên dưới 50 triệu đồng. Nguyên nhân được xác định là việc đóng góp quỹ này hoàn toàn tự nguyện, không đưa ra một mức đóng cụ thể nào và đối tượng phải đóng gồm những ai. Bên cạnh đó, một nguồn thu rất lớn chưa được tận dụng triệt để từ chính cán bộ, công chức, các cơ quan hành chính sự nghiệp, các doanh nghiệp tư nhân, nhà nước đứng chân trên địa bàn, có chăng chỉ là đóng góp mang tính tượng trưng, nhưng cũng chưa nhiều. Đặc biệt, một số địa phương còn để thất thoát, bỏ sót và sử dụng nguồn quỹ chưa đúng mục đích, gây mất niềm tin, sự đồng tình ủng hộ trong quần chúng nhân dân.

Thiết nghĩ, để nâng cao hiệu quả việc thu chi nguồn Quỹ Quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới, trước hết, HĐND cấp tỉnh sớm thông qua các quy định; UBND tỉnh ban hành quy chế, trên cơ sở tự nguyện là chính nhưng phải đưa ra mức cụ thể và đối tượng tham gia; đồng thời, phải có sự giám sát, quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn Quỹ Quốc phòng - an ninh đảm bảo nguyên tắc công bằng, dân chủ, công khai, đúng pháp luật. Kết hợp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, tính tự giác trong quần chúng nhân dân.

Thế Anh