(LĐ online) - Đây là một trong những vùng có tổng lượng mưa năm rất lớn thường gây ngập lụt một số nơi. Tổng lượng mưa trung bình năm dao động từ 2.500 đến 3.000mm, tổng lượng mưa trong mùa mưa chiếm khoảng từ 86 đến 90% tổng lượng mưa năm.
(LĐ online) - Đạ Tẻh và Cát Tiên là huyện nằm về phía Tây Nam của tỉnh có điều kiện địa hình đồng bằng kết hợp với địa hình vùng núi thấp xen kẽ với các thung lũng hẹp và lòng chảo. Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, chia làm 2 mùa: Mùa mưa và mùa khô. Đây là một trong những vùng có tổng lượng mưa năm rất lớn thường gây ngập lụt một số nơi. Tổng lượng mưa trung bình năm dao động từ 2.500 đến 3.000mm, tổng lượng mưa trong mùa mưa chiếm khoảng từ 86 đến 90% tổng lượng mưa năm.
Qua khảo sát và điều tra các vết lũ ở một số vùng thường xảy ra ngập lụt tại hai huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên tại trong những năm gần đây chúng tôi nhận thấy:
Tại huyện Cát Tiên:
Tại thị trấn Đồng Nai: Lũ lụt xảy ra rất nghiêm trọng, đây là một trong những vùng ngập lụt trọng điểm của huyện, với thời gian lũ lụt dài từ 15 đến 25 ngày, lũ lụt xảy ra lớn nhất vào các năm 2000, 2002.
Độ sâu các vết lũ dao động trong khoảng từ 0.25 mét đến 1.0 mét; độ sâu trung bình là 0.63 mét. Các vết lũ xảy ra chủ yếu vào các năm 2000 và 2002, thời gian duy trì các trận lũ từ 168 giờ đến 624 giờ, thời gian duy trì có tần suất lớn nhất là 480 giờ.
Khu vực Brun xã Gia Viễn: Đây là một trong những khu vực ngập lụt nghiêm trọng nhất của huyện Cát Tiên, với thời gian ngập lụt kéo dài. Các trận lũ lụt lớn xảy ra vào các năm 2000, 2002, 2004;
Độ sâu ngập lụt dao động từ 0.40 đến 2.50 mét, độ sâu trung bình phổ biến là 1.30 mét, thời gian duy trì lũ từ 600 giờ đến 720 giờ và phổ biến là 720 giờ.
Khu vực thôn Ninh Hạ, Ninh Trung, xã Nam Ninh: Qua điều tra khảo sát ngập lụt khu vực các thôn Ninh Hạ, Ninh Trung thuộc xã Nam Ninh thì tình hình ngập lụt khá nghiêm trọng như các vùng khác, lũ lụt lớn xảy ra vào các năm 1999, 2000.
Độ sâu ngập lụt dao động từ 0.10 đến 2.20 mét, trung bình khoảng 1.00 mét. Thời gian ngập lụt từ 480 đến 720 giờ, phổ biến là 600 giờ.
Khu vực thôn Mỹ Bắc, Mỹ Trung, xã Mỹ Lâm: Các trận lũ lụt lớn khu vực này xảy ra chủ yếu vào các năm 1999, 2000, 2001, 2002 và năm 2003.
Độ sâu ngập lụt dao động từ 0.5 đến 1.60 mét, độ sâu ngập lụt trung bình 0.95 mét, thời gian duy trì lũ từ 120 đến 168 giờ.
Khu vực thôn Phước Hải, xã Phước Cát II: Qua điều tra khu vực này hàng năm lũ lụt thường xuyên xảy ra với mức độ rất nghiêm các trận lũ lụt lớn xảy ra vào các năm 2000, 2001.
Độ sâu ngập lụt dao động từ 0.10 đến 2.60 mét, độ sâu trung bình phổ biến là 1.40m, thời gian duy trì lũ kéo dài 480 giờ.
Tại huyện Đạ Tẻh:
Khu vực thôn 7, thôn 8, thị trấn Đạ Tẻh; thôn 8, xã An Nhơn: Lũ lụt tại thôn 7 và thôn 8, thị trấn Đạ Tẻh rất nghiêm trọng, là một trong những vùng ngập lụt trọng điểm của huyện, với thời gian lũ lụt dài trên địa bàn huyện Đạ Tẻh, kéo dài từ 7 đến 10 ngày, lũ lụt xảy ra lớn nhất vào các năm 1999, 2000, 2006 và 2011.
Độ sâu các vết lũ dao động trong khoảng từ 0.1 đến 2.1 mét; độ sâu trung bình là 1.0 mét. Các vết lũ xảy ra chủ yếu vào các năm 1999, 2000, 2006 và 2011, thời gian duy trì các trận lũ từ 96 giờ đến 360 giờ, thời gian duy trì có tần suất lớn nhất là 240 giờ. Đỉnh lũ thường hay xuất hiện vào ban đêm, hàng năm lũ lụt thường xuyên xảy ra với mức độ rất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về tài sản vật chất.
Khu vực thôn 1, 2, và thôn 7, xã An Nhơn: Đây là một trong những khu vực ngập lụt nghiêm trọng nhất của huyện Đạ Tẻh, với thời gian ngập lụt kéo dài. Các trận lũ lụt lớn xảy ra vào các năm 1999, 2000, 2002, 2003, 2004, 2006 và 2011;
Độ sâu ngập lụt dao động từ 0.15 đến 1.80 mét, độ sâu trung bình phổ biến là 0.80 mét, thời gian duy trì lũ từ 72 giờ đến 480 giờ và phổ biến là 240 giờ.
Khu vực ven sông Đồng Nai xã Đạ Lây và Hương Lâm: Lũ lụt khu vực này thời gian duy trì lại lớn hơn so với các vùng khác trong huyện vì vùng ngập chủ yếu là các vùng bãi ven sông, thời gian ngập lụt từ 240 đến 480 giờ, có nơi lên tới 720 giờ.
Khu vực Triệu Hải và xã Quảng Trị: Các trận lũ lụt lớn khu vực này xảy ra chủ yếu vào các năm 1999, 2000, 2001, 2002 và năm 2006.
Khu vực thôn 1, 7, xã Quảng Trị độ sâu ngập lụt dao động từ 0.5 đến 1.80 mét, độ sâu ngập lụt trung bình 1.1 mét, thời gian duy trì lũ từ 72 đến 240 giờ. Khu vực thôn 1, 2, xã Đạ Kho; thôn 1, thôn An Hải và thôn Tân Bồi, xã Triệu Hải độ sâu ngập lụt dao động từ 0.15 đến 0.8 mét, độ sâu ngập lụt trung bình 0.40 mét, thời gian duy trì lũ từ 168 đến 240 giờ, có nơi tới 720 giờ (khu vực thôn Tân Bồi).
Khu vực ven sông Đồng Nai địa bàn thôn 8, 9, 10 và 11, xã Đạ Kho: Đây là một trong những khu vực ngập lụt nghiêm trọng nhất của huyện Đạ Tẻh, với thời gian ngập lụt kéo dài. Các trận lũ lụt lớn xảy ra vào các năm 1987, 1999, 2000, 2001, 2002, 2003, 2004.
Khu vực thôn 5, 8, 9, 10 với độ sâu ngập lụt dao động từ 0.10 đến 1.20 mét, độ sâu trung bình phổ biến là 0.50 mét, thời gian duy trì lũ kéo dài từ 360 giờ đến 720 giờ. Khu vực thôn 11 với độ sâu ngập lụt dao động từ 0.1 đến 1.7 mét, độ sâu trung bình phổ biến 0.70 mét, thời gian duy trì lũ kéo dài từ 360 đến 480 giờ.
Khuyến cáo:
Như đã nêu, do thời gian từ khi lũ xuất hiện đến khi lũ có thể gây hại là rất ngắn trong khi địa bàn lại rộng và hiểm trở nên việc triển khai phòng chống và tránh lũ lụt nếu chỉ có sự nỗ lực của chính quyền và các ban ngành có liên quan là chưa đủ mà ý thức tự tránh lũ của người dân giữ vai trò quan trọng góp phần tích cực vào việc hạn chế thiệt hại của lũ lụt. Vậy nên, rất cần có sự tuyên truyền tới mọi người dân để họ có những nhận thức đầy đủ về sự nguy hại của lũ lụt và các phương pháp, biện pháp tự tổ chức phòng tránh và chống lũ. Đặc biệt các bản tin cảnh báo dự báo khả năng lũ lụt phải đến được mọi người dân sớm nhất, họ phải có được những thông tin đầy đủ về diễn biến mưa lũ, mức độ nguy hiểm của mưa lũ đang và sắp xảy ra ở nơi họ sinh sống và sản xuất.
Có một nhân tố cũng cần nhắc tới là trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có rất nhiều hồ đập, công trình thủy lợi, thủy điện. Sự tác động của các công trình này tới mức độ lũ lụt cả về ưu điểm lẫn nhược điểm là đáng kể. Nếu các hồ chứa luôn chủ động điều tiết tốt thì không những công trình được an toàn mà còn có thể góp phần làm giảm mức độ lũ lụt ở hạ lưu. Ngược lại sự lơ là chủ quan, thiếu chủ động trong điều tiết có thể dẫn đến tai họa khôn lường. An toàn của công trình bị đe dọa, thậm chí hồ đập có thể bị vỡ làm tăng mức độ nguy hiểm của lũ lụt ở hạ lưu.
Trần Xuân Hiền