Tinh giản biên chế sao mà khó quá

04:09, 25/09/2013

Luật pháp của đất nước ngày càng hoàn thiện. Thủ tục hành chính càng ngày càng đơn giản. Đội ngũ cán bộ, công chức được đào tạo bài bản. Phương tiện làm việc được trang bị hiện đại. Hô hào tinh giản biên chế mà sao bộ máy cứ phình ra, biên chế năm sau cao hơn năm trước. Vì sao vậy?

Luật pháp của đất nước ngày càng hoàn thiện. Thủ tục hành chính càng ngày càng đơn giản. Đội ngũ cán bộ, công chức được đào tạo bài bản. Phương tiện làm việc được trang bị hiện đại. Hô hào tinh giản biên chế mà sao bộ máy cứ phình ra, biên chế năm sau cao hơn năm trước. Vì sao vậy?

Công chức đông nhưng năng lực hạn chế

Trong cuộc họp lần thứ nhất Ban chỉ đạo đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công chức, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu: “Trong bộ máy của chúng ta có 30% công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về; không mang lại bất cứ một thứ hiệu quả công việc nào”.

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)


Vài năm gần đây, tình trạng cán bộ, công chức bỏ nhiệm sở la cà quán cà phê, quán nhậu để tỉnh ủy và UBND một số tỉnh phải ra văn bản cấm cán bộ, công chức uống rượu, bia giờ nghỉ trưa, đi ăn sáng uống cà phê trong giờ hành chính. Ngay giữa tháng 3 năm 2013, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lương Ngọc Bính đã vi hành đột xuất kiểm tra gây tiếng động trong cán bộ, công chức. Nhiều người thở phào nhẹ nhõm rất may không gặp bí thư. Còn người dân thì nói thẳng: “Nghe tin Bí thư đi kiểm ta chúng tôi rất mừng. Phải làm quyết liệt mới có hiệu quả, đừng để tình trạng dân đến cơ quan liên hệ công việc mà không ai giải quyết, hoặc cứ hẹn lên, hẹn xuống nhiều lần”. Ông Lương Ngọc Bính rất gay gắt nhận xét: “Không thể chấp nhận cán bộ, công chức ăn lương nhà nước, ăn lương của dân mà đi la cà như thế được; trong khi cứ kêu là thiếu cán bộ, thiếu biên chế”.

Tại phiên họp lần thứ 6 của UBTV Quốc hội ngày 26/3/2013, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến còn nói rõ kết quả của một cuộc khảo sát tuy chưa đầy đủ nhưng đã cho thấy: “Chỉ 30% công chức sau tuyển dụng làm được việc, 30% cầm tay chỉ việc, còn hơn 30% cầm tay chỉ việc cũng không biết việc để làm”. Gần đây toàn xã hội rất ngạc nhiên và hết sức bất ngờ 30% công chức dự thi nâng ngạch từ chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp theo nguyên tắc cạnh tranh đã không đạt điểm để xét. Trong số này có nhiều người là lãnh đạo Cục, Tổng cục. Ngay trong Bộ Nội vụ cũng có đến 9/22 công chức không đạt số điểm yêu cầu.

Từ chất lượng công chức nêu trên, thực tế phản ánh lên vấn đề tham mưu đề xuất qua các văn bản xa rời thực tế, không đi vào cuộc sống. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, năm 2012 kiểm tra 1.054.366 văn bản của các bộ, ngành, địa phương đã phát hiện 5.240 văn bản có dấu hiệu vi phạm về tính hợp pháp (4.371/5.240 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, chiếm 83%). Như vậy trung bình mỗi ngày có hơn 10 văn bản trái luật phải hủy bỏ. Cơ quan ban hành sai văn bản cứ vô tư thu hồi sửa chữa là xong. Không ai quy kết trách nhiệm, kỷ luật. Qua đó cho thấy một điều đáng báo động về tư duy, năng lực và hiểu biết thực tế đời sống xã hội của công chức.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ, cả nước chúng ta có tổng biên chế đến năm 2012 là 388.480 công chức ăn lương của Nhà nước, ăn lương của dân (không bao gồm biên chế viên chức thuộc các đơn vị sự nghiệp, biên chế của Bộ Quốc phòng, biên chế của Bộ Công an). Riêng biên chế của công chức xã, phường là 257.675 người. Hơn 30% công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, như vậy khoảng 220.000 người đến cơ quan chỉ biết để nhận lương tháng. Nếu tính lương bình quân 5 triệu đồng tháng/người thì mỗi năm ngân sách phải chi 11.000 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ, thật là đau xót cho khoản tiền thuế của dân đóng góp.

Mấy nguyên nhân không thể tinh giản được

Mục tiêu tinh giản biên chế được đặt ra hàng chục năm nay đâu phải là mới, nhưng số lượng công chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hàng năm không giảm mà chỉ có tăng năm sau cao hơn năm trước. Vì sao vậy?

Cách thức giao chỉ tiêu biên chế của chúng ta đã lỗi thời, mỗi lúc có chủ trương mới lại cần có bộ máy mới và tăng thêm biên chế để quản lý nắm tình hình. Và hơn thế nữa rất nhiều vị trí được phân công ổn định hàng mấy chục năm nay không còn phù hợp nhưng vẫn giữ nguyên biên chế. Đây là lối tư duy cũ theo kiểu “ôm đồm” muốn biết tất cả, muốn quản lý tất cả các hoạt động của xã hội. Các cơ quan quản lý Nhà nước, quản lý ngành, quản lý lĩnh vực phải trên cơ sở văn bản luật pháp quy định và cấp phép, nền hành chính không thể có hiệu quả và cách quản lý chung chung. Còn việc chỉ đạo chung chung, hướng dẫn chung chung, nên chuyển cho các hội và hiệp hội. Đây là nguyên nhân chính, là sức cản lớn từ vai trò vị trí của người lãnh đạo ở tất cả các cấp, của thủ trưởng trực tiếp quản lý bộ máy, quản lý công chức không muốn đổi mới, không muốn cải cách.

Mấy năm gần đây, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương chính sách “khuyến mãi” cho công chức nghỉ hưu, thôi việc sớm để nhằm giảm biên chế. Song giảm được bao nhiêu thì lại tuyển vào bấy nhiêu, đây là hình thức thay đổi cơ cấu công chức vì số lượng biên chế đã giao cho các cơ quan rồi cứ thế mà giữ nguyên. Việc đánh giá công chức hàng năm rất hình thức, không ai nói lên sự thật, ai cũng hoàn thành nhiệm vụ nên số công chức không làm được việc mà không thể cho nghỉ việc hoặc thuyên chuyển, vì họ đâu có sai phạm gì, họ đâu bị kỷ luật. Bên cạnh đó, số công chức được gửi gắm cũng khá nhiều, tình cảm của người lãnh đạo với số C.Ô.C.C. cũng tương đối nhạy cảm.

Một số cán bộ, công chức không được đào tạo bài bản chính quy, nhưng họ là người có công hoặc con em người có công trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc cũng không thể một sớm, một chiều buộc người ta ra khỏi cơ quan Nhà nước.

Giải pháp nào để tinh giản biên chế

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là đổi mới nhận thức về công tác quản lý nhà nước, quản lý cái gì và quản lý như thế nào? Nhà nước không thể “ôm đồm” bao biện mãi được. Cái gì cũng muốn biết, cũng muốn nắm tình hình, muốn quản lý chặt chẽ. Có nhiều việc hai, ba cơ quan quản lý nhưng đến khi gặp khó khăn chẳng ai chịu trách nhiệm chính. Chúng ta quản lý xã hội là dựa trên cơ sở pháp luật quy định, những việc công dân được làm tự do, những việc hạn chế làm và những việc không được làm vì vậy mới có quy định thủ tục hành chính, cấp giấy phép hành nghề.

Là công chức trong cơ quan quản lý Nhà nước, không thể có kiểu quản lý chung chung, chỉ biết nắm tình hình, khi lãnh đạo cần báo cáo thì cung cấp. Hoặc là chỉ đi hướng dẫn xây dựng phong trào ở cơ sở. Những việc này dành cho hội và hiệp hội. Cơ quan quản lý nhà nước đang đá lộn sân mà cứ tưởng rằng đó là sâu sát cơ sở. Đối với công chức quản lý nhà nước, người lãnh đạo trực tiếp là cấp trưởng phòng phải kiểm tra cụ thể mỗi ngày công chức đó nghiên cứu bao nhiêu văn bản hướng dẫn nghiệp vụ. Mỗi tuần, mỗi tháng trình lãnh đạo những ý kiến bằng văn bản hướng dẫn quản lý nghiệp vụ. Cũng rất nhiều công chức ngồi suốt 8 tiếng đồng hồ trước máy vi tính nhưng chỉ mở mạng chơi game mà suốt tháng, suốt năm chẳng có nổi một văn bản, hoặc chẳng bao giờ đề xuất ý kiến về quản lý nhà nước mà lĩnh vực mình phụ trách. Những công chức kiểu này rất đông cần phải sớm đưa ra khỏi cơ quan để họ tìm việc khác phù hợp hơn.

Sau khi thực hiện Nghị định 13/2008, sở quản lý đa ngành nên ngoài giám đốc còn có mỗi lĩnh vực bố trí một phó giám đốc giúp việc cho giám đốc để theo dõi chỉ đạo. Trưởng phòng chuyên môn của lĩnh vực đó cũng chỉ đạo chung chung, giúp việc cho trưởng phòng có đến 2-3 phó trưởng phòng và một số chuyên viên, cứ nhìn vào sắp xếp bố trí cán bộ, công chức ai cũng nghĩ rằng quá đảm bảo để quản lý chặt chẽ. Nhưng đâu phải như vậy; suốt tháng, suốt năm có lĩnh vực chẳng có lấy được văn bản hướng dẫn nghiệp vụ quản lý nào. Vậy quản lý nhà nước ở lĩnh vực này là gì? Có cần những bộ phận, những công chức ăn không ngồi rồi chẳng có hiệu quả gì?...

Để tinh giản biên chế đi vào thực chất, đội ngũ cán bộ các cấp phải thay đổi tư duy, nhận thức, chứ không phải đơn giản là giảm cơ học, máy móc về số lượng cán bộ, công chức. Tinh giản phải bao hàm cả nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức cho phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Và điều quan trọng là giải quyết ổn thoả số cán bộ, công chức dôi dư, phải có chính sách thoả đáng cho họ; không gây xáo trộn, không làm người trong diện tinh giản phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống.

TRẦN CẢNH ĐÀO