Tu nghiệp sinh từ Israel - "hạt giống đỏ" cho nền nông nghiệp tiên tiến

04:09, 25/09/2013

Trường Đại học Đà Lạt (ĐHĐL) vừa tổ chức cho những tân kỹ sư ngành Nông học và Công nghệ sau thu hoạch báo cáo kết quả sau 11 tháng học và làm tại Israel. Đây là nguồn nhân lực quý tỉnh Lâm Đồng cần kịp thời tiếp nhận…

Trường Đại học Đà Lạt (ĐHĐL) vừa tổ chức cho những tân kỹ sư ngành Nông học và Công nghệ sau thu hoạch báo cáo kết quả sau 11 tháng học và làm tại Israel. Đây là nguồn nhân lực quý tỉnh Lâm Đồng cần kịp thời tiếp nhận khi Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) và Dự án Khu công nghệ sinh học và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đà Lạt vừa được Chính phủ đồng ý đưa vào danh mục Khu NNCNC của quốc gia.

 Trực tiếp làm việc với nền NNCNC của Israel
Trực tiếp làm việc với nền NNCNC của Israel


Nhiều bài học quý cho tu nghiệp sinh 

Nền nông nghiệp tiên tiến nhất thế giới  

Israel là đất nước nhỏ bé với diện tích khoảng 28 ngàn km2; điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, 2/3 lãnh thổ là sa mạc, còn lại đồi trọc núi đá. Đất nước này chưa đầy 8 triệu dân, trong đó chỉ có 2,5% dân số làm nông nghiệp. Nhưng Israel lại được mệnh danh là “thung lũng Silicon” của thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ nước. Đội ngũ nông dân Israel đều học xong bậc trung học, nhiều người tốt nghiệp đại học. Là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới với khoảng 3 tỷ USD nông sản/năm. Thu nhập bình quân đầu người tính theo sức mua đạt 35 ngàn USD/năm; GDP năm 2011 đạt khoảng 220 tỷ USD. Năng suất nông nghiệp của Israel thuộc hàng đầu của thế giới: năm 1950, một nông dân cung cấp thực phẩm đủ cho 17 người và ngày nay là 90 người. Một ha đất của Israel hiện cho 3 triệu bông hồng, hoặc 500 tấn cà chua/vụ; mỗi con bò cho tới 11 tấn sữa/năm… Israel là nước phát minh ra hệ thống tưới nhỏ giọt (dip irrigation) vừa tránh lãng phí tối thiểu, vừa đảm bảo kỹ thuật cho cây trồng. Những kỹ thuật tiên tiến bậc nhất của Israel đang được triển khai tại Việt Nam như công nghệ tiết kiệm nước; mô hình trang trại nuôi bò sữa...

Vài năm nay, đất nước Israel là địa chỉ của tu nghiệp sinh Việt Nam: năm 2012 có 600 người, năm 2013 khoảng 800 người. Trong số đó có 40 tân kỹ sư của Trường ĐHĐL. Họ có 11 tháng vừa học vừa làm việc tại Trung tâm Agrostudies - một đơn vị đào tạo chuyên nghiệp về lĩnh vực nông nghiệp với kỹ thuật hiện đại hàng đầu thế giới. Họ được các chuyên gia nổi tiếng giảng dạy và trực tiếp tham gia trồng trọt, bảo quản, chăn nuôi, thu hoạch, đóng gói sản phẩm và marketing… Kỹ sư Nguyễn Văn Cao chia sẻ: Chúng tôi đã học được rất nhiều, từ các vấn đề về đất; hệ thống tưới, kỹ thuật trồng rau, trồng cây ăn quả; quy trình đóng gói sau thu hoạch về rau, củ, quả và các tiêu chuẩn quốc tế về sản phẩm nông nghiệp. Chúng tôi được tiếp cận các thiết bị kỹ thuật tiên tiến như máy gieo hạt, máy trồng cây, hệ thống thủy canh... Kỹ sư Đoàn Thị Thanh Thủy cũng hào hứng: Mục tiêu sản phẩm của Israel là sạch và an toàn, do đó tôi được tiếp cận các phương pháp khoa học trong sản xuất như xử lý đất, đặc biệt chủ yếu sử dụng thuốc trừ sâu sinh học. Thời gian ở Israel các bạn thu nhận được nhiều kiến thức về mô hình sản xuất; tác phong làm việc chuyên nghiệp; giao lưu rộng rãi với chủ trang trại, với sinh viên nhiều quốc gia trên thế giới, với lao động xuất khẩu Việt Nam và với lãnh đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Israel…Đối với Trịnh Quang Phi, anh nhấn mạnh đến những bài học về lập dự án nông nghiệp; thủy lợi; kinh nghiệm quản lý, v.v…

Nguyện vọng khi về nước

Một thông tin rất ý nghĩa với địa phương Lâm Đồng là trong số 10 kỹ sư của ĐHĐL từ Israel về, có đến 9 người hiện thường trú tại các địa bàn Cát Tiên, Đơn Dương, Bảo Lâm và Đà Lạt. PGS, TS, Hiệu trưởng Trường ĐHĐL Nguyễn Đức Hòa bày tỏ vui mừng trước sự trưởng thành về nhận thức và tác phong, bản lĩnh trình bày của các cựu sinh viên của mình. Kết quả tu nghiệp của 10 kỹ sư cùng với mối quan hệ tốt giữa nhà trường với Israel, đặc biệt sự đóng góp của TS Nguyễn Văn Kết, Trưởng Khoa Nông Lâm đã chinh phục được bà Hila Stern - Phó Đại sứ nhà nước Israel tại Việt Nam vừa đồng ý tiếp tục cho 30 tân kỹ sư của trường đến học và làm việc về lĩnh vực NNCNC vào tháng 10 tới. “Các em cần luôn ý thức lòng tự hào về Tổ quốc, khẳng định hình ảnh Việt Nam với bạn bè thế giới và khi trở về góp phần xây dựng nền NNCNC trên đất nước Việt Nam, đặc biệt là tỉnh Lâm Đồng”, PGS Nguyễn Đức Hòa nhắn nhủ.

Nguyện vọng của tất cả tân kỹ sư tu nghiệp tại Israel là sớm có việc làm trong lĩnh vực NNCNC. TS Nguyễn Văn Kết nhận lời sẽ giới thiệu các kỹ sư này đến một số doanh nghiệp như Công ty Bảo vệ thực vật An Giang, Công ty Kiến Quốc… Kỹ sư Hồ Thị Ngọc Uyên, người Đà Lạt, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, một trong số 30 người chuẩn bị sang Israel chia sẻ: Qua các anh chị, em nhận thấy đây là chương trình hết sức bổ ích, vì chúng em sẽ được thực hành nhiều về kỹ năng nghề nghiệp, tích lũy vốn ngoại ngữ và kỹ năng sống. Đến tháng 4 năm 2014, Ngọc Uyên và 29 bạn sẽ trở lại Đà Lạt và cũng rất mong được trở thành đội ngũ lao động NNCNC của tỉnh Lâm Đồng.       

ĐẠO PHAN