Xã Hà Lâm tuy còn nghèo, nhưng cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân nơi đây rất coi trọng việc học hành, nhiều gia đình là tấm gương tiêu biểu hiếu học.
Trong một lần làm việc với Chủ tịch UBND xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai-Phạm Doãn Thành về tình hình KT-XH của địa phương, khi đề cập đến việc học hành của con em trong xã, ông Thành nói: “Xã Hà Lâm tuy còn nghèo, nhưng cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân nơi đây rất coi trọng việc học hành, nhiều gia đình là tấm gương tiêu biểu hiếu học. Đặc biệt, có gia đình ông Phạm Minh, ở thôn 3, dù vợ chồng còn nghèo nhưng đã nuôi dạy 6 con học đại học thành tài.”
Vợ chồng ông Phạm Minh |
Theo sự giới thiệu của Chủ tịch UBND xã, tôi tìm đến nhà ông Phạm Minh, ở thôn 3 để được “mục sở thị” cái nghèo của gia đình và ý chí vươn lên bằng con đường đầu tư cho con cái học hành, thành tài”. Quả thật, ngôi nhà của vợ chồng ông Minh tuy là nhà xây, nhưng là cấp 4, thấp lè tè, chật chội, phía trước là một cái quán nhỏ để vợ đứng bán hàng lặt vặt, kiếm “đồng vào, đồng ra” hàng ngày. Biết được mục đích cuộc viếng thăm của tôi, ông Minh khiêm tốn “Thôi mà anh, “cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể….”, ai kể công làm gì”. Nhưng sự kiên trì thuyết phục, cũng mang lại cho tôi nhiều thông tin đáng quý về vợ chồng nghèo nuôi 6 con học đại học thành tài này.
Vợ chồng ông Phạm Minh, quê ở Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, đi KTM vào xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm năm 1975, đến năm 1979 chuyển xuống xã Mađaguôi, huyện Đạ Huoai. Tại đây, chồng công tác tại UBND xã, vợ làm thuê cuốc mướn và làm rẫy, sinh con đẻ cái, nuôi dạy các con học hành. Đến năm 1989, do hoàn cảnh vợ chồng ông lại chuyển về thôn 3, xã Hà Lâm sinh sống và bám trụ cho đến bây giờ. Tại quê hương mới, chồng ra sức “cày sâu, cuốc bẫm” trên nương rẫy, vợ vừa phụ giúp chồng trồng trọt, chăn nuôi, vừa trông coi cái quán tạp hóa trước cửa nhà. Thu nhập từ nương rẫy, từ việc bán hàng tạp hóa nhỏ lẻ không đủ chi tiêu trong gia đình, nhưng với suy nghĩ “Chỉ có sự học mới thoát được dốt nát, đói nghèo”, nên vợ chồng ông đã xoay xở đủ cách và vay mượn nhiều nơi để đầu tư cho các con học tập đến nơi đến chốn. Đến nay, cả 6 con của vợ chồng ông đều đã và đang học đại học, trong đó có 4 con đã có việc làm với thu nhập khá cao, ổn định tại những doanh nghiệp tiếng tăm trong nước, nước ngoài. Cụ thể: con gái đầu, Phạm Thị Thanh (1983), tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ TP HCM, hiện công tác tại Công ty EDGI MARKETING Việt Nam. Con gái thứ hai, Phạm Thị Thanh Hồng (1986), tốt nghiệp Đại học Tài chính - Marketing TP HCM, hiện công tác tại Công ty TNHH EIMSKIP Việt Nam. Con gái thứ ba, Phạm Thị Hồng Đào (1990), tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP HCM, hiện công tác tại Công ty TNHH thiết bị y tế OLYMPUS VN. Con trai thứ tư Phạm Mẫn (1991), tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP HCM, hiện công tác tại Công ty bóng đèn điện quang TP HCM. Con gái thứ năm, Phạm Thị Mận (1993) hiện là sinh viên năm thứ 3 Đại học Kinh tế TP HCM. Con gái út, Phạm Thị Thanh Trúc (1995), hiện là sinh viên Đại học Kiến trúc TP HCM.
Sau khi đề cập đến những khó khăn, vất vả của quá trình nuôi dạy các con học hành đến nơi, đến chốn và giới thiệu những thành tích học tập “đáng nể” của 6 người con, ông Minh thở phào nhẹ nhõm và tươi cười cho biết: “Vừa rồi, đứa con gái út đậu vào Trường Đại học Kiến trúc TP HCM, vợ chồng tôi đã tổ chức một cái lễ “Tri ân” hoành tráng, với sự hiện diện đầy đủ của các thầy giáo, cô giáo đã từng dạy dỗ các cháu, lãnh đạo địa phương và cả những người đã từng cưu mang, giúp đỡ cho vợ chồng tôi vay mượn tiền nuôi dạy các con ăn học. Dự lễ “Tri ân”, mọi người đều chúc mừng vợ chồng tôi là gia đình hiếu học tiêu biểu tại địa phương, và thực tế từ nhiều năm nay gia đình tôi đã được các cấp chính quyền, ngành giáo dục biểu dương là gia đình hiếu học tiêu biểu. Tôi rất tự hào và biết ơn các thầy giáo, cô giáo đã dạy dỗ con cái mình nên người, biết ơn chính quyền địa phương, các ngành, các cấp và mọi người đã giúp đỡ, động viên vợ chồng tôi vượt qua khó khăn, gian khổ để nuôi dạy con cái thành tài, trở thành người có ích cho xã hội. Đến giờ, tuy chưa hết vất vả, nhưng vợ chồng tôi đã thanh thản, vì với sự hỗ trợ của các con có việc làm, vợ chồng tôi đã trả hết nợ nần cho ngân hàng CS-XH, cho bà con, bạn bè và có điều kiện hơn để lo cho 2 con còn lại học tập đạt kết quả tốt trong những năm theo học đại học”.
Chia tay với vợ chồng nghèo ông Phạm Minh, tôi như thấy được một tương lai rộng mở về sự giàu sang, sung túc của không những gia đình hiếu học này, mà còn cả những gia đình biết đầu tư cho sự học hành đến nơi, đến chốn của con cái và cả những dòng họ, những đồng hương, những địa phương biết quan tâm đến sự nghiệp “trồng người” trên địa bàn Lâm Đồng nói riêng, cả nước nói chung.
Hoàng Đại Huynh