Xây điểm tựa cho nạn nhân da cam

03:09, 19/09/2013

Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Bảo Lộc đã cho ra đời một "ngôi nhà chung" cho con em nạn nhân da cam - có tên gọi "Trung tâm Nuôi dạy con nạn nhân Chất độc da cam (CĐDC) và trẻ em khuyết tật thành phố Bảo Lộc".

Trong nỗ lực tạo lập cho những thế hệ thứ hai, thứ ba… của gia đình nạn nhân da cam một tương lai tươi sáng hơn, từ tháng 5/2013, Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Bảo Lộc đã cho ra đời một “ngôi nhà chung” cho con em nạn nhân da cam - có tên gọi “Trung tâm Nuôi dạy con nạn nhân Chất độc da cam (CĐDC) và trẻ em khuyết tật thành phố Bảo Lộc”. Ngôi nhà chưa đủ rộng, chưa đủ sung túc để có thể dang tay bao trọn tất cả ước mơ, niềm hy vọng của con em nạn nhân da cam trên toàn thành phố, nhưng đó đã là một “điểm tựa” đúng nghĩa dành cho số ít những con người có số phận kém may.

Giờ thực hành phục hồi chức năng
Giờ thực hành phục hồi chức năng


Trên khuôn viên chỉ ngót nghét 500m2, Trung tâm có 7 phòng, gồm phòng giám đốc (kiêm phòng học), phòng phục hồi chức năng, phòng ăn tập thể, phòng học may, 2 phòng ngủ và 1 phòng nhỏ dành cho bảo vệ. Chị Đỗ Thị Hải - Giám đốc Trung tâm cho biết: “Đi vào hoạt động từ đầu tháng 5/2013, Trung tâm đã nhận phục hồi chức năng và dạy nghề cho 20 em. Tất cả đều là con em thế hệ thứ hai, thứ ba trong những gia đình nạn nhân CĐDC trên địa bàn thành phố Bảo Lộc. Có rất nhiều gia đình muốn gửi con vào đây, nhưng Trung tâm chỉ nhận những trường hợp còn có thể phục hồi chức năng và còn đủ nhận thức để học nghề.

Đêm trước Trung thu, 20 học viên của Trung tâm được đón Đoàn thiếu nhi của Nhà Văn hóa thiếu nhi thành phố Bảo Lộc vào cùng vui đón Hội Trăng rằm. Các em nhỏ ở thôn 1 (ĐạmB’ri) - nơi Trung tâm đóng chân - cũng vào chung niềm vui tuổi thơ. Mâm cỗ đơn sơ chỉ có bánh kẹo và trống lân rộn rã, nhưng với các em, đó là những khoảnh khắc vô cùng thích thú và ấn tượng. Trong nhật ký của Thọ - 1 trong 20 em ở Trung tâm, viết rằng: “33 tuổi đầu, mình mới biết đến không khí Trung thu!”.

Hầu hết các em ở Trung tâm đều đã trên 20 tuổi, có em đã gần 40. Tất cả đều bị khuyết tật vận động, hoặc hạn chế về tâm thần. Tuy nhiên, các em đều còn có khả năng lao động nhưng lại chưa có nghề nghiệp để kiếm sống. Một số em có khả năng tự kiếm sống bằng sức lao động của mình nhưng lại không được học nghề vì nhà nghèo hoặc gia đình không có khả năng đưa đón. Ban ngày, các em được học văn hóa, học may, học thêu, học làm tranh cát, được phục hồi chức năng (tùy theo khả năng và nguyện vọng), được tập thể dục, sinh hoạt vui chơi và ăn uống đầy đủ. Anh Nguyễn Văn Cường - Quản lý học viên ở Trung tâm (cũng là thế hệ thứ hai trong gia đình nạn nhân da cam), cho biết: “Ngoài việc tổ chức học nghề và phục hồi chức năng cho các em, anh còn phải gần gũi, tâm sự, động viên để các em không nản chí, giảm đi những mặc cảm, tự ti, tin yêu cuộc sống, hội nhập cộng đồng”. Tuy chỉ sau 4 tháng thành lập, nhưng các em đã tiếp cận môi trường mới rất tốt. Nhiều em đã may được quần, áo, thêu tranh và làm tranh cát rất đẹp.

Trong số 20 em kể trên, có khoảng 5 em phải ngoại trú vì bản thân các em cần sự chăm sóc về nhu cầu vệ sinh của gia đình và cũng do hiện tại Trung tâm chỉ đủ chỗ trang bị cho 15 giường ngủ. “Hiện Trung tâm vẫn thiếu phòng học và phòng ngủ, phòng giám đốc phải dùng chung với phòng học tranh cát, các em học văn hóa phải ngồi ở hành lang. Cơ sở vật chất còn thiếu thốn, eo hẹp, buộc phải từ chối nhiều người đến xin cho con em vào Trung tâm. Đối với chúng tôi, đây là điều đau lòng và đáng tiếc!” - chị Đỗ Thị Hải tâm sự. Ngoài giáo viên dạy may được Trường Trung cấp nghề gửi đến (cùng tài trợ máy móc), Trung tâm phải tự túc việc tìm người hỗ trợ các em phục hồi chức năng và bản thân Giám đốc Trung tâm cũng phải đứng lớp dạy văn hóa.

20 em, con số quá ít ỏi so với tổng số con em nạn nhân da cam và người khuyết tật trên địa bàn thành phố. Nhưng bước đầu, để tạo lập cho 20 em này một “điểm tựa” thật sự trên hành trình trưởng thành, hòa nhập xã hội, đã là một nỗ lực đáng kể của Hội Nạn nhân Chất độc da cam thành phố Bảo Lộc. Gần 8 năm trời ròng rã “thai nghén”, xin hỗ trợ về tài chính và nhân lực, vật lực, mãi đến năm 2013, Hội mới vận động được gần 3 tỷ đồng và tìm đất, xây nhà, hình thành nên ngôi nhà chung cho các em. Tất cả các trang thiết bị (máy phục hồi chức năng, máy may…) và các dụng cụ thiết yếu trong sinh hoạt ở Trung tâm đều được Hội mua sắm và xin các “mạnh thường quân” hỗ trợ. Trong đó, đáng kể là nguồn thức ăn hàng ngày cho các em, Hội vận động sự giúp đỡ của một số tiểu thương hảo tâm ở chợ Bảo Lộc. Bà Lê Thị Thanh An - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC thành phố Bảo Lộc, cho biết: “Chúng tôi làm tất cả chỉ với một mục đích duy nhất, là cùng muốn xã hội chung tay vào việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các nạn nhân và người khuyết tật trên địa bàn thành phố”.
 

HẢI UYÊN