104 nạn nhân chất độc da cam ở hai địa phương trên được hỗ trợ vốn sản xuất - chăn nuôi - dịch vụ, với tổng số tiền là 462 triệu đồng.
NNCĐDC, nghi nhiễm CĐDC được hỗ trợ vật dụng chăm sóc sức khoẻ và được hướng dẫn tập PHCN tại nhà |
Dự án “Giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Tây Ninh” đã được triển khai từ giai đoạn 2006 - 2010. Giai đoạn 2011 - 2015, dự án trên tiếp tục được Trung ương Hội tập trung vào các hoạt động: PTCH, PHCN cho 1.500 nạn nhân, chăm sóc sức khỏe tại nhà cho 1.000 nạn nhân chất độc da cam; giúp 3.000 hộ nạn nhân chất độc da cam học nghề và phát triển chăn nuôi, sản xuất để cải thiện đời sống; tuyên truyền, tập huấn tại cộng đồng về các biện pháp phòng ngừa dị tật bẩm sinh có liên quan đến chất độc da cam/dioxin; đào tạo 90 nhân viên y tế, cán bộ và tình nguyện viên chữ thập đỏ về kỹ thuật phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe cho các trường hợp khuyết tật nặng tại cộng đồng. Tổng kinh phí để thực hiện các hoạt động trên là 33 tỷ đồng.
Tại Lâm Đồng, ngay sau khi có chỉ đạo của Quỹ Bảo trợ NNCĐDC Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, trong giai đoạn mới này, cụ thể là năm 2012, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã triển khai các nội dung hoạt động của dự án tại huyện Đạ Tẻh và TP.Bảo Lộc. Kết quả, có 104 nạn nhân chất độc da cam ở hai địa phương trên được hỗ trợ vốn sản xuất - chăn nuôi - dịch vụ, với tổng số tiền là 462 triệu đồng. Trong số 104 hộ được hỗ trợ vốn, có 93/91 hộ nghèo và hộ cận nghèo được hỗ trợ chuồng trại, thuốc men, phân bón, với tổng số tiền là 41,2 triệu đồng. Ngoài ra, trong năm 2012, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng đã hoàn thành và vượt một số chỉ tiêu mà dự án đã đề ra như: Tổ chức khám sàng lọc cho 100/40 bệnh nhân; tổ chức đưa 29/20 bệnh nhân đi PTCH và PHCN tại Quy Nhơn. Trong năm 2013, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tiếp tục chọn triển khai dự án trên tại 3 huyện: ĐứcTrọng, Đơn Dương và Lâm Hà. Qua đó, đã tổ chức khám sàng lọc cho 73 nạn nhân CĐDC tại 3 huyện trên; tổ chức các lớp tập huấn về chăm sóc nạn nhân CĐDC cho người nhà nạn nhân; tập huấn phòng, chống tác hại, phòng ngừa dị tật bẩm sinh liên quan đến chất độc da cam/dioxin cho cán bộ, tình nguyện viên chữ thập đỏ; cấp vốn hỗ trợ chăn nuôi, sản xuất, dịch vụ cho 106 đối tượng (70 hộ nghèo và 36 hộ cận nghèo). Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng tổ chức các đợt đưa nạn nhân CĐDC đi PTCH tại Quy Nhơn…
Bà Võ Thị Thu, cán bộ phụ trách dự án (Hội Chữ thập đỏ huyện Đức Trọng) cho biết, quá trình khảo sát, chọn lựa đối tượng NNCĐDC và nghi nhiễm CĐDC được tiến hành trên địa bàn huyện từ tháng 6/2013. Qua đó, Huyện hội đã chọn 40 đối tượng cận nghèo và nghèo, đồng thời đến tận từng nhà để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ, xem họ có nhu cầu gì, chăn nuôi, sản xuất hay buôn bán để làm hồ sơ cấp vốn. Nhờ vậy, trong số 34 hộ được giải ngân vốn trong thời gian qua, có tới 32 hộ dùng tiền để chăn nuôi bò. Và hiện, những con bò mà người dân mua bằng tiền của dự án cấp đều phát triển, sinh sản tốt. Ngoài ra, trong số 34 đối tượng trên, có 6 hộ được hỗ trợ vật dụng chăm sóc sức khoẻ tại nhà, 4 em được tập PHCN tại nhà và 5 đối tượng được PTCH tại Quy Nhơn.
Thy Vũ