Bão tàn phá Đà Nẵng, Quảng Nam tan hoang, đã có 4 người chết

02:10, 15/10/2013

Bão mới chỉ đổ bộ hơn vài giờ khúc ruột miền Trung lại tan hoang. Đã có 4 người chết ở Quảng Nam, hàng ngàn nhà tại Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam bị tốc mái.

Bão mới chỉ đổ bộ hơn vài giờ khúc ruột miền Trung lại tan hoang. Đã có 4 người chết ở Quảng Nam, hàng ngàn nhà tại Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam bị tốc mái.
 
Đến 10 giờ sáng nay, tại Quảng Nam vẫn đang có gió lớn, mưa vẫn không ngớt tuôn xuống từ chiều qua đến nay, nhiều tuyến đường tại TP Tam Kỳ chìm trong biển nước, giao thông đi lại khó khăn.

Sáng 15-10, chúng tôi có mặt tại vùng biển Tam Thăng, TP Tam Kỳ, từng đợt gió mạnh thổi liên hồi khiến tay lái không còn vững vàng, nhiều người đi xe đã bị gió đẩy văng khỏi lề đường.

Ở khắp nơi đều chung cảnh hoang tàn, nhà cửa, cây cối bị gãy ngã la liệt, các con đường dẫn xuống các vùng biển Tam Thanh, Tam Thăng bị cây cối ngã rạp ra đường, một số tuyến đường bị nước lũ chia cắt hoàn toàn.

Theo Ban chỉ huy PCLB huyện Thăng Bình, sáng 15-10, đã có hai người bị nước lũ cuốn trôi trong lúc đi bủa lưới bắt cá trời bão. Trong khi đó, số liệu thiệt hại từ các huyện báo về ban PCLB tỉnh Quảng Nam tiếp tục tăng. Đã có hàng ngàn nhà dân bị hư hỏng, tốc mái, nhiều diện tích cây cao su, cây lâm nghiệp ở các huyện miền núi bị gãy đổ…
Tòa nhà hành chính 34 tầng ở Đà Nẵng bị lốc thổi bay nhiều ô kính.
 
Trên đường phố Đà Nẵng hiện đang mưa rất lớn nhưng lực lượng CSGT vẫn túc trực cưa dẹp những cây gãy đổ để giao thông thông suốt.
 
Đoàn của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã kiểm tra vùng biển Đà Nẵng cho biết tàu bè neo đậu rất tốt, công tác chẩn bị được thực hiện kỹ càng. Một số ngư dân cho biết do họ trở về từ hôm qua, buộc thuyền rất chặt nên chưa có thiệt hại nhiều. 
 
Sáng 15-10, trong lúc cơn bão số 11 vẫn đang đổ bộ vào Đà Nẵng, Ban Chỉ huy tiền phương phòng chống bão số 11 đã có cuộc họp khẩn cấp do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát làm chủ trì.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy tiền phương, sau khi bão đổ vào đất liền đã đổi hướng về hướng Tây – Tây Nam, đổ bộ vào Quảng Nam nhiều hơn. Tuy nhiên, TP Đà Nẵng từ đêm qua đã có gió to, giật mạnh, khiến nhiều cây cối, nhà cửa ngã đổ.
 
 
Tại Thừa Thiên-Huế: Bão số 11 đã làm hàng trăm cây xanh tại TP Huế ngã đổ la liệt , nhà dân nhiều nơi bị tốc mái. Vùng ven biển sạt lở rất sâu do nước dâng kèm theo sóng lớn. Chưa ghi nhận có thiệt mạng về người.
 
Ghi nhận tại các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Đặng Thái Thân… sau bão người dân đã tiến hành thu dọn các cây xanh ngã.
Trong khi đó, tại các tuyến đường thấp trũng như Bạch Đằng, Đào Duy Anh (TP Huế) nước sông Hương đã vượt báo động 2 nên gây ngập từ 0,2-0,5 m. Nước sông Bồ hiện xấp xỉ báo động 3. Tại tuyến Tỉnh lộ 10 qua xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà đã bị ngập sâu, nước đã tràn vào nhà dân.
 
Ngập lụt tại Tỉnh lộ 10

Ngâp lụt tại đường Chi Lăng, Đào Duy Anh, Bạch Đằng

Cây xanh ngã đổ tại đường Trần Hưng Đạo. Ảnh: Q.Nhật –Ng.Thạnh
 
Theo báo cáo tại tỉnh Quảng Nam: Đến 9 giờ sáng nay, bão số 11 đã làm 2 người dân ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam chết. Đó là ông Trương Chạy, (84 tuổi) và anh Phạm Văn Huy (31 tuổi). Ngoài ra, thống kê ban đầu do một số địa phương báo cáo nhanh qua điện thoại đã có đến 460 nhà, trường học bị tốc mái, sập hoàn toàn và chìm sâu trong nước, trong đó nhiều nhất là huyện Điện Bàn (hơn 250 nhà), TP Hội An, TP Tam Kỳ và huyện Tiên Phước; 5 ghe ở các khu neo đậu ở Tam Hòa, Tam Quang và khu vực Cù Lao Chàm bị gió và sóng biển đánh vỡ, 17 ghe bị chìm.

Từ 20 giờ tối 14-10 đến sáng 15-10, tại khu vực tỉnh Quảng Nam mưa rất to, gió rất mạnh làm cho hàng ngàn ngôi nhà bị sập, tốc mái và ngập sâu trong nước.

Cây cối gãy đổ nằm ngổn ngang, gây ách tắc giao thông trên các tuyến đường, đặc biệt tại thành phố Tam Kỳ, các tuyến đường: Lý Thường Kiệt, Trần Cao Vân, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Thanh Hóa cây ngã đổ la liệt như bãi chiến trường.
 
Ăng ten cũng hư hại nặng vì bão số 11
 
Cổ thụ bị bật gốc tại nhiều nơi
 
Cột điện cũng bị gãy đôi với sức gió của bão số 11 . Ảnh: Kim Sơn
 
Tại phường An Sơn, TP Tam Kỳ, nhiều nhà dân sống ven sông Bàn Thạch đã bị nhiều cổ thụ gãy đè lên mái nhà vô cùng nguy hiểm, nhưng may mắn tất cả đã chạy thoát ra ngoài kịp.

Tại thành phố Hội An các tuyến đường cũng bị chìm sâu trong nước. Nhiều nhà dân bị hư hỏng nặng nề.
 
Thành phố đã chuẩn bị hơn 4.000 tấn gạo, hơn 500.000 chai nước, chuẩn bị công tác ứng phó sau bão.

Gió mạnh cuốn cả người đi đường và xe máy nên đến 9 giờ sáng nay người dân vẫn chưa dám bước ra khỏi nhà. Theo ghi nhận, tại các xã Tam Phú, phường An Phú (TP Tam Kỳ) và một số khu vực các xã Tam Xuân 1, Tam Xuân 2, Tam Tiến của huyện Núi Thành chìm sâu trong nước. Người dân bị cô lập hoàn toàn.

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB Quảng Nam đến sáng sớm nay, lượng mưa trên sông Vu Gia tại khu vực Phước Sơn, Thành Mỹ, Ái Nghĩa từ 47 mm đến 126 mm. Tại sông Thu Bồn ở khu vực Trà My, Tiên Phước, Hội An…từ 58 mm đến 142 mm. Tại sông Tam Kỳ là 167mm.
 
Theo chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh và các trạm chỉ huy đứng điểm, hiện các hồ chứa thủy điện vẫn đang tiếp tục xả nước về hạ du. Riêng hồ chứa nước thủy điện Đak Mi 4 đang xả nước với tốc độ từ 1.200 đến về 1.8003/s. Với tốc độ xả nước như hiện nay, mực nước trên các sông Thu Bồn và Vu Gia sẽ lên mức báo động 3 sớm hơn dự định từ 3 đến 4 giờ. Như vậy trong khoảng từ 4 đến 6 giờ tới, mực nước các sông, đặc biệt là hệ thống sông Thu Bồn sẽ đạt và vượt mức báo động 3...
Dự báo, từ 4 đến 6 giờ nữa, lũ trên sông Thu Bồn sẽ lên mức báo động 3- tức là sớm hơn dự định.

Ngay trong đêm gió rất mạnh kèm mưa rất lớn, đã làm tốc nhà dân, cây cối gãy đổ nên người dân ở TP Tam Kỳ và huyện Phú Ninh gọi điện đến Văn phòng Ban chỉ huy PCLB Quảng Nam kêu cứu về nhà sập, tốc mái đe dọa tính mạng. Nhận được thông tin, Văn phòng đã điện xuống cho lãnh đạo các huyện, thành phố để theo dõi và có biện pháp ứng cứu khẩn cấp cho dân.
 
Hiện các tuyến Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh vẫn đi được. Lực lượng công an cũng đã cấm các phương tiện xe tải từ Quảng Nam ra Đà Nẵng và từ Huế vào Đà Nẵng.

Đi thị sát tình hình bão số 11 lúc sáng sớm Bộ Trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhận định, dù chưa ghi nhận trường hợp nào thiệt mạng do bão số 11 nhưng số người bị thương và cây cối, nhà cửa, trường học bị tốc mái rất nhiều, hệ thống lưới điện cũng bị hư hỏng. Do đó, các địa phương cần khẩn trương nhanh chóng sửa sang hệ thống lưới điện, cấp nước, hỗ trợ người dân về mọi mặt trước những tác hại của bão gây ra…
 
Lúc 7 giờ 30 sáng, tại TP Đà Nẵng gió vẫn giật liên hồi. Rạng sáng 15-10, cơn bão số 11 đổ bộ làm nhiều nơi ở Đà Nẵng hoang tàn, xơ xác. Tại một số tuyến đường ở quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Sơn Trà, gió giật mạnh làm cây cối hai ven đường bật gốc, ngã đổ. Trong khi đó, nhiều nhà dân quanh khu vực đường Nguyễn Tất Thành đã bị tốc mái.
 
Anh Vũ Đức Hạnh (ngụ quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho biết từ 2 giờ sáng, gió bão bắt đầu nổi mạnh khiến cả nhà không sao ngủ được mặc dù đã chằng chống trước đó. “Chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh bão mạnh như thế này. Nửa đêm nghe tiếng mái tôn nhà hàng xóm bay loạn xạ”anh Hạnh cho biết.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Tố Hương (ngụ quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết tối qua cả nhà chị rất lo sợ. “Gió giật mạnh chưa từng thấy. Nhà tôi kiên cố như thế này nhưng vẫn nghe mái tôn giần giật thì các nhà khác chắc thiệt hại nặng”- chị Hương lo lắng.
 
Trước đó, từ 2-3 giờ sáng 15-10, bão đổ bộ mạnh ở Đà Nẵng khiến nhiều nhà dân bị tốc mái và sập vách. Hiện chưa có thống kê cụ thể về thiệt hại. Trên các tuyến đường Lê Duẩn, Trần Phú, Hàm Nghi, Nguyễn Văn Linh… các biển quảng cáo bị gió quật ngã.
Hiện tại, toàn TP Đà Nẵng đã bị ngắt điện hoàn toàn.

Lúc 8 giờ sáng nay, Ban Chỉ huy PCLB trung ương họp khẩn cấp tại TP Đà Nẵng bàn phương án khắc chế thiệt hại từ cơn bão số 11 đang quét qua Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh lân cận. Bão số 11 vùi dập những nơi nó đi qua...Cây gãy, bàn ghế ngã rạp, lá cây phủ đầy khắp đường phố là hình ảnh ghi được ở Đà Nẵng sau cơn thịnh nộ của thiên nhiên.
 
Báo Người Lao Động Online liên tục cập nhật thông tin.
 
Dưới đây là một số hình ảnh "tả tơi" ở Đà Nẵng sáng sớm nay:
 
Lá cây phủ đầy

Nhiều cây xanh bị gãy

Đường phố tan hoang



Nhiều cây gãy ngang thân, trốc gốc


Một góc tiêu điều của Đà Nẵng trong gió bão. ảnh: Tr.Thường
 
 
Cây cối trong vườn của dân ở quận Thanh Khê, Đà Nẵng bị quật ngã

Những cây xanh to bị gió bật gãy ngang thân nằm chắn đường Trần Cao Vân
 
 
Cảnh hoang tàn sau một đêm mưa bão ở Đà Nẵng. Ảnh: B.Vân
 
Lý Sơn:

Từ 21 giờ 30 tối 14-10, tại huyện đảo Lý sơn bão đã mạnh thêm cấp 10 cấp 11 giật cấp 12 (tốc độ gió trên 31 m/s), gió lớn kèm theo mưa to đã làm hệ thống đường dây nhà máy điện gặp sự cố, toàn đảo không có điện lưới, người dân chống và đối phó với bão trong đêm tối.
 
Đến 1 giờ sáng 15-10, mưa gió liên tục gầm thét và tàn phá nhà cửa của dân. Hàng ngàn ngôi nhà bị tốc mái, nhiều nhà bị sập đổ do cây cối ngã trong mưa bão. Tuyến đường liên xã dài gần 10 km bị tê liệt do cây cối đổ chắn ngang đường. Nhiều trường học cơ quan đơn vị và các công trình phúc lợi bị mưa bão tàn phá gây hư hại. Hàng chục trụ điện cùng hàng trăm ki lô mét đường dây điện cao thế, viễn thông cùng hệ thống dây truyền thanh bị đứt hư hại, tuyến kè Đông Nam đảo cũng bị sóng biển triều cường cao từ 7 -10 m liên tục xô bờ và uy hiếp.
 
Tại Vũng neo trú tàu thuyền An Hải, hàng trăm tàu cá bị mưa gió xô tấp gây va đập hư hại, trong đó có nhiều tàu cá bị sóng biển nhấn chìm cuốn trôi toàn bộ ngư cụ.
 
Đến 7 giờ sáng nay, trên đảo còn gió bão cấp 7 cấp 8 kèm theo mưa to, chính quyền huyện Lý Sơn đang khẩn trương chỉ đạo cho địa phương các xã, phối hợp với lực lượng chức năng phân công lực lượng kịp thời cứu hộ, ứng cứu người dân cùng tài sản bị nạn trong mưa bão.
 
 

 
Hàng ngàn nhà cửa của dân, các cơ quan, công trình phúc lợi bị gió bão làm tốc mái.
 
Hàng trăm tàu cá của ngư dân bị va đập và bị sóng biển nhấn chìm.
 
 
Cây cối ngã đổ gây ách tắc giao thông trên tuyến đường liên xã. Ảnh: V.Mịnh
 
(Theo Người Lao Động)