Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa trong xây dựng hình ảnh con người và TP. Đà Lạt

04:10, 09/10/2013

120 năm chỉ là tuổi thơ của lịch sử nhưng với con người Đà Lạt, môi trường văn hóa - xã hội Đà Lạt thì khác. Các giá trị vật thể và phi vật thể đa phần được chuyển lưu từ các cộng đồng dân cư chủ nhân và được điều chỉnh bởi môi trường tự nhiên có phần riêng biệt.

120 năm chỉ là tuổi thơ của lịch sử nhưng với con người Đà Lạt, môi trường văn hóa - xã hội Đà Lạt thì khác. Các giá trị vật thể và phi vật thể đa phần được chuyển lưu từ các cộng đồng dân cư chủ nhân và được điều chỉnh bởi môi trường tự nhiên có phần riêng biệt.

Nét bảo tồn văn hóa của người dân tộc. Ảnh: Thanh Toàn
Nét bảo tồn văn hóa của người dân tộc. Ảnh: Thanh Toàn


Từ trước đến nay mọi người thường nói nhiều, luận bàn nhiều về rừng, về thác, về hoa, về biệt thự, về khí hậu… nhưng ít ai để ý đến “cái gạch nối” giữa những giá trị ấy và con người Đà Lạt.

 Những năm 1990 của thế kỷ XX, “phong cách người Đà Lạt” manh nha được đặt ra và được nhiều người quan tâm. Cho dù có không đặt vấn đề này đi chăng nữa thì thực tế vẫn cho thấy: con người gắn bó với môi trường sống chịu, nhận và tạo cho riêng mình một phương thức tác động riêng vào môi trường tự nhiên đó; kết quả của những tác động này ngoài giá trị vật chất còn là những giá trị phi vật chất hình thành nên cung cách ứng xử, tập tính sinh hoạt, giao tiếp…

Chuyển mình mạnh mẽ trong giai đoạn 1990-2000, với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội không ngừng tăng lên, ưu thế về tự nhiên đã khiến Đà Lạt đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách khắp các vùng miền trong cả nước. Mối quan hệ giữa những giá trị vật thể và phi vật thể trở thành một đề tài giữa bảo tồn và phát triển. Bên cạnh những tác động nội tại của môi trường văn hóa xã hội của cư dân Đà Lạt, con người và tự nhiên Đà Lạt đang nhận những tác động lớn từ hoạt động du lịch. Chú trọng khai thác những lợi thế về mặt sinh thái tự nhiên mà không chú ý đến những lợi thế về mặt sinh thái nhân văn sẽ khó có thể kiểm soát, định hướng được sự phát triển bền vững của Đà Lạt trong tương lai.

Trong nghiên cứu nhân văn, sinh thái tự nhiên là một thành phần quan trọng trong tương quan hữu cơ với sinh thái nhân văn; kết quả của quan hệ có tính tương tác này là các giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc. Một trong những thuộc tính cơ bản của một địa danh bao giờ cũng gồm hai yếu tố cộng hưởng: (1) Đặc điểm nổi bật, đặc trưng về sinh thái tự nhiên; (2) Đặc điểm nổi bật, đặc trưng về sinh thái nhân văn (của cộng đồng dân tộc trên vùng, lãnh thổ đó).

Mức độ tồn tại của nhiều giá trị văn hóa vật thể ở Đà Lạt hiện nay cho thấy khía cạnh giá trị phi vật thể trong đó chưa được quan tâm đúng mức, hoặc quan tâm không đồng bộ. Những nguyên tắc cơ bản để xây dựng quy hoạch phát triển du lịch là bảo vệ, phát triển tài nguyên du lịch và môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc chưa thấm sâu vào đời sống xã hội. Về nguyên tắc, tài nguyên du lịch bao gồm tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn, tương đồng nhất định đối với các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Như vậy, nội dung “giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” được nhấn mạnh nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch, loại hình du lịch và môi trường du lịch có tính đặc trưng bền vững.

Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội có thể được hiểu theo cách phổ thông hơn: phát triển có sự hài hòa giữa sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn; Trong du lịch là hình thành được những sản phẩm du lịch, loại hình du lịch sử dụng hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên du lịch nhân văn – các loại hình văn hóa đặc sắc; là mối quan hệ (tác động qua lại) giữa hoạt động du lịch (theo định hướng) và văn hóa của cộng đồng dân cư.

Trước sức ép ngày càng gia tăng của cuộc sống hiện đại, ngày nay phương thức sống, nhận thức và tư duy thẩm mỹ của đại bộ phận cư dân Đà Lạt, nhất là thế hệ trẻ đã có nhiều thay đổi. Do đó, giữ gìn di sản văn hóa – bao gồm các giá trị vật thể và phi vật thể cần những phương thức và bước đi phù hợp; nhất là đối với khu vực thành phố Đà Lạt, nơi luôn có sự đan cài, cộng cư, tác động của nhiều cộng đồng dân cư địa phương khác nhau. Đối với hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, nhận thức về giá trị văn hóa không chỉ dừng lại ở việc hình thành các thiết chế, các hoạt động văn hóa thể thao, các sản phẩm, loại hình du lịch dựa trên cơ sở về hiện trạng của các môi trường văn hóa – xã hội; mà còn phải được nhìn nhận từ góc độ chủ thể: sự tham gia của các cộng đồng dân cư địa phương ở Đà Lạt.

Một vấn đề vừa có tính khoa học vừa có tính thời sự là làm sao khai thác các giá trị đặc sắc về văn hóa Đà Lạt để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là du lịch. Đối với ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần tư duy lại một số vấn đề sau:

- Thứ nhất, nhận thức về sản phẩm du lịch, loại hình du lịch: Luật Du lịch Việt Nam (năm 2005) giải thích từ ngữ: sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ cần thiết để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch trong chuyến đi du lịch. Đây cũng là cách hiểu chung của nhiều tài liệu về du lịch hiện nay, một cách hiểu thiên về khía cạnh kinh tế của vấn đề. Xem xét sản phẩm du lịch, loại hình du lịch từ góc độ cấu trúc, chức năng để có cách hiểu toàn diện hơn:

+ Thực chất sản phẩm du lịch là các giá trị văn hóa được tổ chức, sắp xếp, trình diễn để phục vụ khách tham quan, thưởng ngoạn. Các giá trị văn hóa này có thể nhân tạo (tài nguyên du lịch nhân văn), hoặc thiên tạo (tài nguyên du lịch tự nhiên) và tự nhiên chỉ đẹp, chỉ có giá trị (cả vật chất và cả tinh thần) khi đặt trong quan hệ với con người.

+ Loại hình du lịch là một tập hợp các loại sản phẩm du lịch nhằm thỏa mãn các nhu cầu, động cơ của du khách; đây là loại hình đặc biệt hoạt động dựa vào mục đích và tính chất của hoạt động du lịch.

Sản phẩm du lịch có tính dịch vụ, thậm chí các hoạt động dịch vụ phát sinh những chức năng khi tham gia vào các hoạt động du lịch, trong chuỗi cung cầu du lịch. Nếu như không có hoạt động cung cầu du lịch, các dịch vụ này vẫn có thể tồn tại nhưng bằng phương thức khác, đáp ứng cho đối tượng khác nhưng bản chất vẫn là sự phục vụ cho một nhu cầu nào đó của con người.

    Trên cơ sở bản chất của sản phẩm du lịch, việc định hướng quy hoạch phát triển du lịch sử dụng các yếu tố văn hóa bản địa, cũng như mối quan hệ giữa quy hoạch phát triển du lịch và văn hóa bản địa một mặt đáp ứng được các nguyên tắc trong xây dựng quy hoạch phát triển du lịch, mặt khác phải sử dụng và huy động được sự tham gia của cộng đồng dân cư vào phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa của địa phương tạo môi trường du lịch lành mạnh, phát triển du lịch bền vững.

- Thứ hai, nhận thức về tổ chức không gian đô thị trong quy hoạch kinh tế - xã hội và quy hoạch ngành: Từ hai vấn đề vừa nêu và mục tiêu phát triển du lịch Lâm Đồng đến năm 2020 đã được chỉ rõ trong Quyết định số 1369/QĐ-UBND ngày 5/6/2010 của UBND tỉnh Lâm Đồng; vấn đề quy hoạch du lịch và quy hoạch thiết chế văn hóa thành phố Đà Lạt cần thực hiện hai phương thức sau:

+ Chọn lọc những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể phù hợp để đầu tư hình thành cơ sở vật chất về thiết chế văn hóa; phát triển sản phẩm du lịch, loại hình du lịch đặc trưng, giàu bản sắc trên cơ sở điều tra, phân loại, đánh giá được giá trị của các loại hình văn hóa của Đà Lạt. Mặt khác, thông qua hiện trạng giá trị của văn hóa (cả truyền thống và tiếp biến) sẽ có cơ sở để đánh giá nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của các hoạt động đối với chủ thể văn hóa và môi trường tự nhiên – xã hội.

+ Cộng đồng và cộng cảm: tạo ra sự đồng thuận, huy động được sự tham gia tự nguyện của cộng đồng chủ nhân văn hóa nhằm tạo ra môi trường văn hóa ổn định; duy trì được khả năng tái hiện, sáng tạo và duy trì sản phẩm bằng các mô hình hoạt động văn hóa; làm mới sản phẩm du lịch thông qua các hoạt động văn hóa.

Hiện trạng về bảo tồn và phát triển di sản văn hóa hiện nay ở Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Sản phẩm du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng  hiện vẫn dựa chủ yếu vào sự ưu đãi của sinh thái tự nhiên, trong khi sinh thái nhân văn, tài nguyên du lịch là các giá trị văn hóa bản địa ngày càng mờ nhật. Bên cạnh một số sinh hoạt văn hóa mang màu sắc bản địa được hình thành dưới chân núi Langbiang từ đầu thập niên 90 – thế kỷ XX mang tính tự phát, nhỏ lẻ thì cho đến thời điểm hiện tại, định hướng về sản phẩm du lịch văn hóa, loại hình du lịch văn hóa vẫn còn để ngỏ. Tầm vóc về thương hiệu du lịch, giá trị văn hóa của địa danh Đà Lạt rất cần có những định hướng cung cầu bền vững dựa trên các giá trị đặc trưng về văn hóa, nhất là văn hóa bản địa, bao hàm cả văn hóa đã được tiếp biến; đây cũng đồng thời là một cách làm tăng thêm giá trị đặc trưng của thành phố Đà Lạt, làm đẹp thêm hình ảnh con người Đà Lạt và văn hóa Đà Lạt.

Đà Lạt, tháng 8/2013

Nguyễn Văn Hương - GĐ Sở VHTT&DL Lâm Đồng