Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, nhưng để lại nhiều di sản vô cùng quý báu cho mỗi người dân. Tôi may mắn được gặp Đại tướng một lần và mãi không quên bài học Đại tướng truyền dạy về cuộc sống nói chung, lĩnh vực nghiên cứu nói riêng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, nhưng để lại nhiều di sản vô cùng quý báu cho mỗi người dân. Tôi may mắn được gặp Đại tướng một lần và mãi không quên bài học Đại tướng truyền dạy về cuộc sống nói chung, lĩnh vực nghiên cứu nói riêng.
Đúng tròn 20 năm chẵn, tháng 10 năm 1993, tại thành phố Nha Trang, Đại tướng tròn 83 tuổi. Đó là Hội thảo khoa học quốc gia “Giáo dục ngôn ngữ và sự phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số (DTTS) phía Nam” có nhiều GS, PGS, PTS đầu ngành về ngôn ngữ học, dân tộc học, văn hóa học ở Việt Nam như Hoàng Tuệ, Hồ Lê, Mạc Đường, Cao Xuân Hạo, Võ Xuân Trang, Trần Thanh Pôn, Đặng Ngọc Lệ, Bùi Khánh Thế, Phan An,… và một số nhà khoa học nước ngoài như Kenneth J.Gregerson, Marilyn J. Gregerson, F.B Dawson, Barbar Jean Dawson, E.Lou Hoholin… Hơn 50 báo cáo khoa học được Nhà Xuất bản Khoa học xã hội tuyển chọn in thành sách, ngẫu nhiên Giấy phép của Cục Xuất bản lại cấp ngày 4/10, trùng ngày Đại tướng qua đời sau 20 năm sau.
Sau lời khai mạc của PGS Mạc Đường và báo cáo đề dẫn của PTS Võ Xuân Trang, cả hội trường òa lên bất ngờ trước sự xuất hiện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phu nhân PGS Đặng Bích Hà. Đại tướng đến với tư cách là nhà khoa học. Ung dung, tự tại, cởi mở và gần gũi. Không cầm giấy, Đại tướng nói về cách nghiên cứu ngôn ngữ. Đặc biệt, Đại tướng nhấn mạnh vấn đề thực hành. Người nghiên cứu, người cán bộ phải luôn luôn gần đồng bào, làm việc với họ thì mới nghiên cứu được tiếng của họ. Đại tướng dẫn chứng cách học tiếng của đồng bào Tày, đồng bào Thái… hồi ở Việt Bắc hết sức sinh động và cụ thể. Đại tướng đến nhà người dân bản địa cùng nhặt rau, chẻ củi, nấu cơm, dọn dẹp... Vừa làm, Đại tướng vừa học hỏi đồng bào thân tình, cởi mở và rất say mê với những câu hỏi thường trực “cái này nói thế nào”, “nói như thế này đúng chưa”…
Quá trình tự đào tạo và học hỏi từ “Người thầy Nhân dân”, Võ Nguyên Giáp đã trở thành “Đại tướng của Nhân dân”; vĩ nhân quân sự hiển hách và nhà văn hóa kiệt xuất… Đại tướng thông thạo nhiều ngoại ngữ: Anh, Nga, Pháp, Trung và rất nhiều tiếng DTTS; là tác giả của hơn 70 đầu sách quý với 10 vạn trang. Những lời truyền dạy của Đại tướng tại Hội thảo đã thực sự khải thị cho chúng tôi nhiều điều sâu sắc.
Tham luận “Tiếng Việt đối với người dân tộc thiểu số trong trường chuyên nghiệp” của tôi được chọn báo cáo tại Hội thảo. Đây là đề tài nghiên cứu về sự phát triển ngôn ngữ Việt của sinh viên các dân tộc ở Lâm Đồng: K’Ho, Churu và Mạ. Ở Lâm Đồng, nhiều năm qua, Trung ương và tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư vùng đồng bào DTTS. Trong đó, phương diện tri thức ngôn ngữ, vừa phát triển mạnh hệ thống giáo dục quốc dân tại các vùng DTTS vừa tích cực đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người DTTS; đồng thời, mở lớp bồi dưỡng cho hàng ngàn lượt cán bộ người Kinh học tiếng K’Ho và tiếng Churu. Những việc làm này hết sức có ý nghĩa. Song chưa đủ, thầy giáo - nhà khoa học Võ Nguyên Giáp khuyên rằng: Hãy gần dân, làm việc cùng dân, chia sẻ cùng dân mới học được tiếng của dân. Bài học này trở thành kinh điển cho mỗi cán bộ và nhà khoa học.
MINH ĐẠO