Cần chọn một số khâu, chính sách đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn

04:10, 02/10/2013

Để chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (lúc đó là Chủ tịch Quốc hội) đã dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương xuống làm việc, tìm hiểu nắm tình hình về nông nghiệp, nông thôn và nông dân tại nhiều địa phương trong cả nước. Sau đó nhiều điểm mới từ thực tiễn nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã được bổ sung vào Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011).

Để chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (lúc đó là Chủ tịch Quốc hội) đã dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương xuống làm việc, tìm hiểu nắm tình hình về nông nghiệp, nông thôn và nông dân tại nhiều địa phương trong cả nước. Sau đó nhiều điểm mới từ thực tiễn nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã được bổ sung vào Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011). Một trong những chương trình làm việc đầu tiên trên cương vị mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tiếp tục tìm hiểu tình hình và những khó khăn, vướng mắc trong ngành nông nghiệp để từ đó có sự chỉ đạo sát đúng hơn nữa. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta đối với người nông dân và lĩnh vực nông nghiệp.

Sự quan tâm của Đảng và người lãnh đạo cao nhất của Đảng có ý nghĩa rất quan trọng, cần thiết. Từ những sự quan tâm này tất yếu có nhiều chủ trương, chính sách mang tính định hướng sẽ được đưa ra trong thời gian tới đối với lĩnh vực này. Tuy nhiên, để có sự phát triển mang tính bước ngoặt trong lĩnh vực này cần phải có sự vào cuộc, bước đi cụ thể, thiết thực của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở. Thời gian qua có rất nhiều chương trình, đề án hướng đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân như chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình đầu tư xây dựng nhà ở (167), cấp đất cho người dân tộc thiểu số (134), mua bảo hiểm y tế (139)... đã giúp đỡ rất nhiều cho người nông dân nghèo ở vùng nông thôn, miền núi, bộ mặt nông thôn vì thế mà dần thay đổi... Nhưng mức sống, sinh hoạt của người dân ở nông thôn hiện vẫn còn chênh lệch khá xa so với thành thị và nghiêm trọng hơn là khoảng cách này ngày càng bị kéo giãn, gia tăng theo thời gian.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng chủ yếu, cơ bản là chúng ta chưa có chính sách đột phá thực sự, mang tính bước ngoặt đối với nông thôn, miền núi, người nông dân. Những chính sách mà Đảng và Nhà nước đã triển khai vừa qua, tuy mang lại kết quả bước đầu nhưng vẫn rất mong manh, chưa thật sự bền vững, khả năng tái nghèo rất cao. Thực tế chứng minh là nhiều chương trình, dự án do Nhà nước tài trợ hoặc các nguồn lực của xã hội trợ giúp sau khi đạt được các mục đích cơ bản, ban đầu và dần rút đi thì những vùng đó trở lại nghèo đói như xưa! Vì vậy, Nhà nước cần có những định hướng mang tính đột phá, mang tính bước ngoặt đối với vùng nông thôn, miền núi.

Trước hết, là về chính sách đất đai: Nhà nước cần có chính sách ưu đãi thỏa đáng đối với vùng nông thôn, miền núi để thu hút đầu tư như cần có chính sách giảm thuế, miễn thuế hoàn toàn đối với nhà đầu tư. Ví dụ, nếu đầu tư vào các vùng đất cằn cỗi, bạc màu, hoang hóa không thể sản xuất lương thực, thực phẩm ở vùng miền núi, khó khăn và sử dụng nguồn lao động tại chỗ thì không thu thuế, giảm thuế. Hạn chế tối đa điều kiện khắt khe đối với việc lấy đất nông nghiệp màu mỡ để làm khu công nghiệp, khu vui chơi giải trí... Do đất đai luôn gắn với người nông dân, họ sống bằng đất, đất là tư liệu sản xuất chủ yếu, quan trọng nhất đối với họ, nếu không hạn chế thu hồi đất nông nghiệp sẽ dẫn đến bần cùng hóa nông dân!. Chính sách đất đai hiện nay chưa phát huy hiệu quả thiết thực, nhiều vùng nông thôn người dân chỉ sống dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng chính quyền địa phương vẫn cứ cho thu hồi đất để phát triển kinh tế, xây khu vui chơi giải trí. Điều này bất cập vì làm cho người nông dân mất đất dẫn đến thất nghiệp, nghèo khó do không có tư liệu sản xuất gây hậu quả rất lớn về mặt xã hội mà không thể cân đo, đong, đếm được trong ngày một ngày hai...

Tiếp đến, là cần chọn lĩnh vực giao thông làm khâu đột phá. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng muốn phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế, nâng cao đời sống hàng ngày... tất cả mọi thứ đối với các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa thì quan trọng nhất có ý nghĩa quyết định đó là giải quyết tốt vấn đề giao thông. Giao thông mà thuận tiện, thông suốt thì đương nhiên đã đóng góp đến 50% thành công đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, vùng miền. Nhiều chuyên gia đưa ra các dẫn chứng hết sức sinh động, thuyết phục là bất kể vùng nào, miền nào nếu hệ thống giao thông thuận tiện thì tỷ lệ nghèo đói ở vùng đó thấp hơn nhiều so với các vùng khác có cùng điều kiện, thậm chí có điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn. Và họ kết luận rằng giao thông đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các vùng miền, thậm chí đối với cả quốc gia. Giao thông thông suốt sẽ góp phần thu ngắn khoảng cách giữa thành thị với nông thôn và ước mơ sống ở thành thị cũng như nông thôn mới có cơ may trở thành hiện thực!

Do đó, bên cạnh triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách cụ thể thiết thực với các vùng nông thôn, miền núi, với người nông dân như hỗ trợ nhà ở, miễn giảm thuế, hỗ trợ vật tư, lương thực, kinh phí... trong ngắn hạn thì Nhà nước cần chọn các khâu đột phá chính - Đó là nên quan tâm đến việc hoàn chỉnh chính sách đất đai, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Coi đây là các khâu mang tính đột phá, quyết định đến sự phát triển mang tính bước ngoặt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn cũng như của cả đất nước.

PHẠM VĂN CHUNG