Có một Điện Biên Phủ trong ký ức

03:10, 15/10/2013

Trận Điện Biên Phủ gắn liền với sự nghiệp quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành huyền thoại của thế kỷ 20. Đại tá Nguyễn Phú Xuyên Khung - người được Tướng Giáp giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy đánh đồi A1 bằng khối bộc phá nặng gần 1.000 kg và là pháo hiệu cho toàn chiến trường nổ súng đã có nhiều ký ức đẹp về người chỉ huy vĩ đại trong một dịp đến Đà Lạt cách đây 3 năm.

Trận Điện Biên Phủ gắn liền với sự nghiệp quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành huyền thoại của thế kỷ 20. Đại tá Nguyễn Phú Xuyên Khung - người được Tướng Giáp giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy đánh đồi A1 bằng khối bộc phá nặng gần 1.000 kg và là pháo hiệu cho toàn chiến trường nổ súng đã có nhiều ký ức đẹp về người chỉ huy vĩ đại trong một dịp đến Đà Lạt cách đây 3 năm.

Hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - Ảnh: Thanh Toàn
Hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - Ảnh: Thanh Toàn


Như một sự tình cờ may mắn, năm 2010, chúng tôi được gặp ông Nguyễn Phú Xuyên Khung khi ông vào Đà Lạt thăm người con trai lúc ấy đang sống tại phường 8 vào thời điểm cận kề dịp 7/5. Cảm giác hồi hộp khi được gặp một nhân chứng lịch sử của hơn nửa thế kỷ trước đã được xóa dần đi khi chúng tôi tiếp xúc với ông. Sự mạch lạc trong trí nhớ, dõng dạc trong những dòng hồi ức nhưng lại rất bình dị và cởi mở, sẵn sàng giải thích thấu đáo đến từng chi tiết nhỏ của Đại tá Xuyên Khung đã khiến lịch sử gần lại. Ở đó có mồ hôi của chiến sỹ và người chỉ huy, có những phút đấu tranh căng thẳng đến từng gang tấc với kẻ thù trong trận chiến quyết tử, có tình đồng chí - đồng đội, có kỹ năng chiến đấu… tất cả gần như mở ra trọn vẹn trong cảm nhận của thế hệ đi sau!

Trận Điện Biên Phủ đã gắn liền với quyết định chuyển hướng từ “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc thắng chắc” - một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Quyết định ấy đã làm nên lịch sử! Ông Xuyên Khung tham gia trận đánh này khi đang làm công tác tham mưu phụ trách đơn vị A83 chuyên nghiên cứu các loại bom mìn của địch. Đơn vị này thuộc Trung đoàn 151 và là Trung đoàn công binh duy nhất của quân đội ta lúc đó. Trong các đợt tấn công, trong khi tại các điểm khác quân ta đã đánh chiếm và giành thế thượng phong thì tại đồi A1, thế trận vẫn giằng co, A1 trở thành “thành lũy cuối cùng” của tập đoàn cứ điểm. Trong tình thế ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng chỉ huy chiến dịch tin tưởng cử cán bộ Nguyễn Phú Xuyên Khung cùng đội công binh gồm 20 người tiến vào A1 để tấn công bằng thuốc nổ, tiến hành công việc ngay trước mũi súng của quân thù. Chất đất ở đồi A1 vô cùng rắn, chiến sỹ ta đã dùng giũa sắc và xẻng nhọn đào hầm, phải mất 3 đêm mới đào được cửa hầm. Quân Pháp không ngừng bắn súng và ném lựu đạn. Đội quân do ông Xuyên Khung chỉ huy đã di chuyển bằng nhiều tư thế khi tiến đến hầm Móng Ngựa có chiều dài 50m với trách nhiệm phải đảm bảo tuyệt đối bí mật. Khó khăn hơn khi đường hầm thiếu oxi, chiến sỹ bèn dùng nứa đan thành quạt để khơi thông không khí, lấy mũ sắt của địch ngửa lên đựng nước để canh mặt phẳng. Anh em tránh cử động nhiều nhằm giảm tạo ra nhiệt, giữ lại nguồn oxi. Đất đào đến đâu lại được bỏ vào bao di chuyển ra ngoài để tránh sự phát hiện của địch. Đào hầm xuyên qua trận địa của địch, các chiến sỹ nghe rõ từng tiếng giày đinh, mỗi khi pháo bắn vào, cả đội cùng bị sức ép lồng ngực, ù hai tai, thế nên, cứ một người đào, 3 người còn lại hỗ trợ nguồn khí bằng cách thay nhau quạt, đến ngày 20/4, họ đào được đường hầm dài 49m, sâu 7m. Nhận được khối thuốc nổ gồm 54 gói nặng 986 kg do Thiếu tướng Lê Sơn lúc đó là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 249 đưa vào, 20 chiến sỹ cùng xếp 54 gói thuốc thành một khối, đẽo các cọc đóng vào cho khối thuốc căng ra, dùng 500 kíp nổ sẵn sàng chờ lệnh.

Đúng 19h30 tối 6/5, đội công binh nhận được lệnh điểm hỏa. Trong tinh thần đầy tập trung cho nhiệm vụ lớn, người chỉ huy Nguyễn Phú Xuyên Khung nhận được điện: “Gửi các đồng chí công binh trên đồi A1. Chúc các đồng chí thành công!” từ đồng chí Ngọc (bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Có 3 phương án châm ngòi nổ nhưng ở ngay phương án thứ nhất đã thành công, 5 dây chuyền lửa được sắp so le để chuyền lửa vào kíp, đến một giờ đồng hồ sau, cả quả đồi rung chuyển, hàng trăm tấn đất đá tỏa ra. Người chỉ huy Xuyên Khung vẫn không rời nhiệm vụ. Toàn thể chiến trường nổ súng, Tướng De Castries bị bắt sống chiều 7/5. Đến ngày 8/5, Hội nghị Gèneve diễn ra bàn về vấn đề Đông Dương. Sau hội nghị, Pháp công nhận tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của các nước Đông Dương, trong đó có Việt Nam. Việt Nam là quốc gia thuộc địa đầu tiên đánh đuổi được đế quốc xâm lăng.

Trận Điện Biên Phủ là niềm tự hào của dân tộc, dấu son của thời đại. Trong ký ức đầy hào hùng và chan chứa tình cảm đồng đội ấy, là người trực tiếp đi cùng từng diễn biến ở chiến trường, ông Xuyên Khung in đậm dấu ấn về người Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp. Được quân đội đào luyện trong gian khổ, sống trong sự tin tưởng của nhân dân, nhận được sự dìu dắt và chỉ huy sáng suốt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Xuyên Khung đã trưởng thành theo từng chặng đường binh nghiệp.

Với tố chất của một người làm quân sự lâu năm, Đại tá Xuyên Khung cũng rất nhạy cảm với thông tin, ông hẹn dịp 19/5 năm sau (vào ngày sinh nhật Bác Hồ), ông sẽ sắp xếp gặp lại tác giả bài viết này để kể về kỷ niệm những lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dù vậy, lời hẹn đã không thể thực hiện được khi không lâu sau đó, ông trở bệnh và ra đi. Lần được gặp và nghe ông nói chuyện trở thành một kỷ niệm quý giá để chúng tôi thêm trân trọng quá khứ gắn liền với chiến công của cả dân tộc, Tướng De Castries sau khi bại trận trở về Pháp đã nói rằng: “Người ta có thể đánh bại một quân đội chứ không thể đánh bại được một dân tộc!”.

HẢI YẾN