Năm 2013 là năm kỷ niệm 120 năm thành lập thành phố Đà Lạt; đồng thời, kỷ niệm 150 năm sinh và 70 năm mất nhà khoa học Alexandre Yersin - vị danh nhân người Pháp, đã phát hiện cao nguyên Lang Biang và cắm mốc khai sinh đô thị Đà Lạt vào năm 1893...
Năm 2013 là năm kỷ niệm 120 năm thành lập thành phố Đà Lạt; đồng thời, kỷ niệm 150 năm sinh và 70 năm mất nhà khoa học Alexandre Yersin - vị danh nhân người Pháp, đã phát hiện cao nguyên Lang Biang và cắm mốc khai sinh đô thị Đà Lạt vào năm 1893. Nhằm đánh giá và tri ân những cống hiến của ông cho thành phố Đà Lạt, tại Đà Lạt, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt vừa tổ chức buổi Tọa đàm khoa học về bác sĩ Alexandre Yersin. Có 5 tham luận và nhiều ý kiến xung quanh cuộc đời và sự nghiệp của Alexandre Yersin được đưa ra trong buổi tọa đàm.
Kiểm định vacxin tại Phân viện Pasteur Đà Lạt |
Tiến sĩ Phan Quốc Lữ - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, cho rằng với hơn 50 năm sinh sống tại Việt Nam, thật khó để đánh giá đầy đủ những cống hiến của Alexandre Yersin cho Việt Nam, nhưng chắc chắn ông xứng đáng với nhận xét “là một thầy thuốc trứ danh, một nhà thám hiểm can trường, một nhà nông học uyên bác”.
Còn dược sĩ Chu Bá Nam - nguyên giảng viên Trường Đại học Dược Hà Nội, lại nhìn nhận bác sĩ Yersin dưới con mắt của một nhà dược học. Ông cho biết: “Ngoài việc thám hiểm cao nguyên Lâm Viên rồi đề xuất với Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer thành lập Trạm điều dưỡng trên cao nguyên này, Alexandre Yersin còn có công lớn trong việc hình thành và phát triển Viện Pasteur Đà Lạt”.
Theo dược sĩ Chu Bá Nam, trước khi Viện Pasteur Đà Lạt được thành lập, ở Việt Nam đã có Viện Pasteur Nha Trang và Viện Pasteur Sài Gòn. Viện Pasteur Sài Gòn chú trọng thực hiện các công việc nghiên cứu, sưu tầm, phân tích và điều tra về vi trùng học, sinh lý học liên quan đến sức khỏe cộng đồng và việc phòng ngừa, điều trị các bệnh có nọc độc và truyền nhiễm cho người, súc vật. Viện Pasteur Nha Trang chế tạo các loại huyết thanh và các loại thuốc chủng để phòng ngừa và điều trị các chứng bệnh truyền nhiễm của súc vật.
Tuy nhiên, việc sản xuất vacxin ở Sài Gòn và Nha Trang thường xuyên gặp khó khăn do ô nhiễm môi trường và cấy ghép trong điều kiện khí hậu nhiệt đới. Vì vậy, Alexandre Yersin đã đề xuất thành lập một viện Pasteur tại Đà Lạt. Tháng 11/1931, Toàn quyền Pasquier và bác sĩ Jean Bablet - người được sự ủy quyền của Viện Pasteur Paris, ký hiệp định xây dựng Viện Pasteur Đà Lạt. Viện Pasteur Đà Lạt được khởi công xây dựng năm 1932 và hoàn thành vào tháng 6/1935. Năm 1936, Viện Pasteur Đà Lạt đi vào hoạt động và là viện Pasteur cuối cùng trong chuỗi các viện Pasteur tại Đông Dương đặt dưới sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Viện Pasteur Paris.
Hoạt động chủ yếu của Viện Pasteur Đà Lạt là tận dụng điều kiện khí hậu ôn hòa để sản xuất vacxin. Ngay năm đầu hoạt động, vacxin phòng tả đã được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp để đương đầu với dịch tả đang hoành hành tại Trung Quốc và Bắc Kỳ. Các vacxin phòng bệnh vi trùng (tả, dịch hạch, thương hàn…) là các sản phẩm chính của Viện từ khi thành lập cho đến năm 1958. Sau đó, Viện Pasteur Đà Lạt còn sản xuất thêm các sản phẩm giải độc tố bạch hầu, uốn ván và vacxin phòng bệnh đậu mùa cung cấp cho Viện Pasteur Sài Gòn.
Bên cạnh hoạt động sản xuất vacxin, Viện Pasteur Đà Lạt có nhiệm vụ nghiên cứu các loại thuốc chủng để phòng ngừa và điều trị các bệnh truyền nhiễm của con người; làm một số xét nghiệm y tế; sản xuất một số chế phẩm sinh học cung cấp cho Viện Pasteur Sài Gòn; xét nghiệm nước uống; khám điều trị bệnh dại miễn phí và thực hiện các xét nghiệm về giải phẫu học; điều tra dịch tễ (chủ yếu về các bệnh sốt rét, sốt phát ban do chấy rận, bệnh do nhiễm khuẩn salmonella) cho người dân địa phương…
Trong số 1.838 mẫu mà Viện tiến hành xét nghiệm vào năm 1936, có 200 mẫu bệnh sốt rét do những bệnh nhân từ vùng khác đến Đà Lạt. Ngoài ra, Viện Pasteur Đà Lạt còn đảm nhận việc thành lập khu trồng cây canh-ki-na tại xã Xuân Thọ để khảo nghiệm và sản xuất ký ninh.
Thạc sĩ sử học Trương Thị Thu Thảo ghi nhận: “Kể từ năm 1891, lần đầu tiên Alexandre Yersin đặt chân lên bờ biển Nha Trang, coi như ông đã gắn trọn đời mình với Việt Nam. Ông đã để lại nhiều dấu ấn trên nhiều lĩnh vực: Địa lý, du lịch, văn hóa, dân tộc học, nông học và y học. Thành phố Đà Lạt trải qua 120 năm hình thành và phát triển có sự góp công rất lớn của Alexandre Yersin”.
Đa số các ý kiến trong buổi tọa đàm đều nhận định: Alexandre Yersin là một nhà bác học tầm cỡ, một nhà nhân văn lớn của thế giới. Riêng đối với Đà Lạt, trải qua 120 năm, từ một vùng đất hoang sơ, dân cư thưa thớt, giờ đây Đà Lạt trở thành một trung tâm văn hóa - du lịch của cả nước, mà công đầu thuộc về Alexandre Yersin. “Việc ghi nhận những đóng góp của Alexandre Yersin đối với Đà Lạt là một việc làm hết sức nhân văn, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” trong truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta” - Ông Trương Trổ, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng, nói.
TRỊNH CHU