Ngày 1/11/2013, dân số Việt Nam đạt 90 triệu người, đứng thứ 14 trên thế giới, thứ 5 ở châu Á và thứ 3 ở Đông Nam Á. Tổng cục Dân số - KHHGĐ chỉ đạo các Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đẩy mạnh truyền thông về sự kiện này.
* Tây Nguyên có số dân ít nhất, chiếm 6% dân số
Ngày 1/11/2013, dân số Việt Nam đạt 90 triệu người, đứng thứ 14 trên thế giới, thứ 5 ở châu Á và thứ 3 ở Đông Nam Á. Tổng cục Dân số - KHHGĐ chỉ đạo các Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đẩy mạnh truyền thông về sự kiện này.
Đây là mốc để đánh giá việc thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Theo chỉ tiêu của chiến lược, qui mô dân số không vượt quá 93 triệu người vào năm 2015 và 98 triệu người vào năm 2020. Với việc đạt 90 triệu người vào tháng 11/2013, dân số trung bình của nước ta năm 2015 ước tính dưới 91,5 triệu người.
Vùng có quy mô dân số lớn nhất là Đồng bằng sông Hồng, chiếm 22,8% tổng số dân, trong khi diện tích đất chỉ có 6,9%. Tây Nguyên là vùng có số dân ít nhất với tỷ lệ 6%, nhưng diện tích đất chiếm 16,5%.
Năm 1960 trung bình mỗi phụ nữ 15-49 tuổi có 6,4 con. Năm 2002, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết TW 4 về chính sách dân số, mức sinh giảm xuống 2,28 con/phụ nữ. Năm 2006, Việt Nam đã đạt được mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ) và mức sinh này đã được duy trì cho đến nay.
Việt Nam đạt được cơ cấu dân số vàng từ năm 2007. Giai đoạn cơ cấu dân số vàng sẽ kéo dài trong khoảng 30-35 năm. Cơ cấu dân số vàng tức là ít nhất có 2 người trong tuổi lao động nuôi 1 người trong độ tuổi phụ thuộc. Như vậy, giai đoạn này có đông lực lượng lao động, ổn định nguồn nhân lực, chăm sóc được người cao tuổi và trẻ em, quỹ bảo hiểm xã hội cân bằng được.
Tuổi thọ của người Việt Nam tăng đáng kể trong khi mức sống vẫn ở mức trung bình. Năm 1960, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam là 40 tuổi (bằng mức của một số nước châu Phi), nhưng đến năm 2012 đã tăng lên 73 tuổi. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức mới đối với an sinh xã hội cho người cao tuổi. Hiện tại cứ 1 trẻ em dưới 6 tuổi thì có 1 người cao tuổi.
DIỆU HIỀN