Trong những năm qua, huyện Bảo Lâm luôn chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhờ vậy, hàng trăm lao động đã được đào tạo nghề sát với nhu cầu thực tế và tìm được việc làm ổn định.
Trong những năm qua, huyện Bảo Lâm luôn chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhờ vậy, hàng trăm lao động đã được đào tạo nghề sát với nhu cầu thực tế và tìm được việc làm ổn định.
Thông qua các lớp thêu ren, nhiều phụ nữ đã học được nghề và kiếm thêm thu nhập |
Lộc Nam là xã được UBND huyện Bảo Lâm chọn làm điểm để triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 - 2013. Do đặc thù của địa phương, phần lớn lực lượng lao động làm nông nghiệp nên việc chọn ngành nghề đào tạo cũng phải phù hợp. Do đó, các ngành nghề được đào tạo chủ yếu tại xã là thêu ren, đan bèo… nhằm giúp người lao động có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi, tăng thêm thu nhập. Trong 3 năm qua, trên địa bàn xã đã tổ chức được 8 lớp dạy nghề thêu ren, đan bèo, may công nghiệp cho gần 300 lao động nông thôn. Trên thực tế, xã Lộc Nam là một trong những địa phương có nghề thêu ren phát triển khá mạnh và ổn định. Vì vậy, xã Lộc Nam, nòng cốt là Hội LHPN xã, đã mở 2 lớp dạy thêu ren cho 70 chị em phụ nữ trên địa bàn xã. Sau đào tạo, hầu hết người lao động đã có thể nhận hàng về nhà thêu trong lúc nhàn rỗi, tăng thêm thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Theo đánh giá của UBND xã Lộc Nam, các lớp dạy nghề này đều bám sát nhu cầu của lao động. Ngoài chú trọng đến các nghề có thể tìm việc tại chỗ, xã Lộc Nam cũng đã mở các lớp may công nghiệp nhằm giúp người lao động có cơ hội tìm được việc làm tại các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Song song với việc thực hiện Đề án đào nghề cho lao động nông thôn của UBND tỉnh Lâm Đồng, Hội LHPN huyện Bảo Lâm còn thực hiện chương trình hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm. Từ năm 2010 đến nay, Hội đã phối hợp mở 47 lớp dạy nghề cho phụ nữ với gần 1.400 người tham gia. Các lớp đào tạo nghề chủ yếu là may công nghiệp, dệt thổ cẩm, tranh thêu tay, đan bèo, kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê. Sau các lớp đào tạo, trên 75% chị em phụ nữ đã áp dụng kiến thức đã học vào sản xuất, kinh doanh. Nhiều mô hình phát triển kinh tế, tạo việc làm cũng được hình thành và phát huy được hiệu quả như: Tổ tranh thêu tay ở xã Lộc Nam, Lộc Đức; Tổ đan bèo ở Lộc Thành, Lộc Thắng và Tổ kết cườm, dệt len tại xã Tân Lạc, Lộc Đức, Lộc Thành… Bên cạnh công tác đào tạo nghề, Hội LHPN huyện Bảo Lâm còn quan tâm giới thiệu việc làm cho chị em có nhu cầu. Trong 3 năm thực hiện Đề án, Hội đã giới thiệu hơn 300 chị đi làm tại các công ty chè, cà phê, dệt may trong và ngoài tỉnh.
Theo Phòng Lao động Thương binh và xã hội huyện Bảo Lâm, trong 3 năm qua (2010 - 2012), huyện đã đào tạo và cấp chứng nhận nghề cho gần 850 lao động. Trong đó, lao động là người dân tộc thiểu số tại các xã nghèo, thôn nghèo thuộc Chương trình 30a, xã đặc biệt khó khăn là 450 người. Số lao động sau đào tạo tìm được việc làm trong và ngoài tỉnh là 735 người. Tuy nhiên, số lao động được đào tạo so với nhu cầu thực tế còn chênh lệch khá lớn. Theo báo cáo của UBND huyện Bảo Lâm, số lao động trên địa bàn huyện chưa có trình độ và tay nghề chiếm 65%. Do đó, việc đào tạo nghề cho lao động cần tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới. Mục tiêu của huyện Bảo Lâm từ nay đến năm 2015 sẽ đào tạo nghề cho trên 700 lao động nông thôn. Ngoài các ngành nghề đã được đào tạo trước đây, huyện Bảo Lâm còn chú trọng mở các lớp về sửa chữa xe máy, cơ khí máy nổ, kỹ thuật chăm sóc chè, cà phê và bảo quản, chế biến nông sản. Đặc biệt, huyện tập trung mở 3 lớp may công nghiệp cho khoảng 100 học viên nhằm đáp ứng nhu cầu đi xuất khẩu lao động tại Nga, Nhật Bản.
Không riêng huyện Bảo Lâm, hiện tại tất cả các huyện, thành trong tỉnh rất chú trọng đến công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Bởi lẽ, dạy nghề và tạo việc làm cho người lao động nông thôn là trao cho họ “cần câu” để ổn định cuộc sống hiện tại và sau này, góp phần giảm nghèo bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống.
ĐÔNG ANH