Cho đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức được 6 lần Hội thi sáng tạo kỹ thuật, bắt đầu từ năm 2006 và 9 lần Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, bắt đầu từ năm 2003. Đây là những hoạt động thi đua yêu nước nằm trong phong trào toàn dân tiến quân vào khoa học kỹ thuật nhằm đẩy mạnh các hoạt động sáng kiến, sáng tạo và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và đời sống.
Cho đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức được 6 lần Hội thi sáng tạo kỹ thuật, bắt đầu từ năm 2006 và 9 lần Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, bắt đầu từ năm 2003. Đây là những hoạt động thi đua yêu nước nằm trong phong trào toàn dân tiến quân vào khoa học kỹ thuật nhằm đẩy mạnh các hoạt động sáng kiến, sáng tạo và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và đời sống.
Tăng cường để sinh viên nghiên cứu khoa học giúp họ có điều kiện tiến gần với thực tiễn ứng dụng. Ảnh: Minh Đạo |
Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ sáu (2012-2013) có 40 giải pháp với 90 tác giả dự thi và có 14 giải pháp được trao giải thưởng, bao gồm 2 giải nhì, 4 giải ba, 8 giải khuyến khích (không có giải nhất). Trong đó có 5 giải được xét chọn gởi đi tham dự Hội thi sáng tạo toàn quốc lần thứ 12 (2012-2013). Một số giải pháp của Hội thi được ban giám khảo đánh giá cao, đó là:“Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân để xác định thành phần hỗn hợp hai pha và tốc độ di chuyển trong hệ thống đường ống kín phục vụ cho công nghiệp khai thác và chế biến dầu khí” của các tác giả Lê Trọng Nghĩa, Mai Công Thành, Phạm Văn Đạo, Lê Văn Lộc thuộc Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (giải nhì); “Bộ đồ dùng dạy thể dục đa năng” của nhóm tác giả Trần Văn Bình, Mai Duy Việt, Trần Thị Thanh Tâm, Vũ Thị Thuận, Nguyễn Thị Lương, Đỗ Thị Bích Việt và Phạm Thị Thu thuộc Trường Tiểu học Liên Đầm, Di Linh (giải nhì); “Trồng rau sạch đô thị” của tác giả Nguyễn Hồng Chương, ở Lạc Lâm, Đơn Dương (giải ba); “Máy gieo hạt giống liên hợp vào vỉ xốp” của tác giả Nguyễn Thái Linh, Nguyễn Công Dân ở Lạc Lâm, Đơn Dương (giải ba); “Hệ thống thu gom màng bọt bể xử lý nước thải (Bể imhoff) tại Xí nghiệp quản lý nước thải” của các tác giả Nguyễn Hữu Khải, Nguyễn Đình Thắng, Huỳnh Công Kháng, Phan Minh Hải, Nguyễn Thị Vân, Phạm Minh Thế, Phạm Tường Quang và Phan Tấn Lực (giải ba); “Ứng dụng tổ hợp hai kỹ thuật SPECT/CT (kiểm tra không hủy thể) để xác định thành phần hỗn hợp rắn trong công nghệ vật liệu” của các tác giả Phạm Văn Đạo, Đặng Nguyễn Thế Duy, Bùi Trọng Duy và Phan Quốc Minh thuộc Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (giải ba).
Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng lần thứ 9 năm 2013, có 38 giải pháp của 58 tác giả trẻ là các em học sinh trong độ tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng từ 6 đến 19 tuổi đến từ 18 trường tiểu học, phổ thông cơ sở, phổ thông trung học trong tỉnh. Kết quả có 17 giải pháp đạt giải, gồm 1 giải nhất, 1 giải nhì, 3 giải ba và 12 giải khuyến khích.
Một số giải pháp của cuộc thi được ban giám khảo đánh giá cao, đó là: “Sử dụng lõi ngô (cùi bắp) làm giá thể trong việc sản xuất cây giống và xử lý môi trường đất, môi trường nước” của tác giả trẻ Trần Tuấn Anh, học sinh lớp 12A1 và Lê Anh Tân, học sinh lớp 11A1 Trường Chu Văn An, huyện Đức Trọng (giải nhất). Giải pháp này cũng đã được Ban Tổ chức lựa chọn gởi đi tham dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 2013 và đã nhận được giải khuyến khích trong lễ trao giải tại Hà Nội vừa qua. Giải pháp “Thiết kế và chế tạo mạch báo giờ tự động phục vụ dạy và học” của em Phù Dương Bảo Duy, học sinh lớp 11A1 Trường THPT Bùi Thị Xuân,TP Đà Lạt (giải nhì); “Bản đồ ẩm thực đường phố Đà Lạt” của tác giả Bùi Thị Hồng Thắm và Nguyễn Văn Tú, học sinh lớp 12 Toán 2 Trường PTTH Chuyên Thăng Long - Đà Lạt, (giải ba); “Mái hiên tự động” của tác giả Trần Đăng Quang lớp 12A3 Trường THPT Đức Trọng (giải ba); “Lên men vỏ mác mác tạo Ethanol và xử lý phế phẩm công nghiệp” của tác giả Bùi Thị Ngọc Hân và Trần Thị Phương Linh, lớp 11 Sinh Trường THPT Chuyên Thăng Long - Đà Lạt (giải ba)…
Như vậy phong trào sáng tạo kỹ thuật tỉnh đã có 148 tác giả với 78 giải pháp dự thi, trong đó có 58 tác giả trẻ và có 31 giải pháp của 34 tác giả đạt giải cao. Điều này đã nói lên tiềm năng của phong trào quần chúng trong hoạt động sáng tạo kỹ thuật là rất to lớn. Tất cả các giải pháp dự thi với những chi phí và công sức tự bỏ ra không nhỏ, nhưng các tác giả vẫn nhiệt tình, hăng say tham dự vì mục đích phát triển khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, đời sống. Đó là những gương điển hình cần phải được biểu dương của các tổ chức, các trường, các cấp, các ngành. Các giải pháp đạt giải cũng cần được tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu, nhân rộng với quy mô lớn hơn để phục vụ cho sản xuất và đời sống.
Đối với những người lao động trong các ngành kinh tế - xã hội là các tác giả của các giải pháp dự thi, có thể nói, chính họ là những “chiến sĩ thi đua” thực sự của phong trào lao động sản xuất trong thực tiễn, có những công trình sản phẩm cụ thể được công nhận từ xã hội, chứ không phải là kiểu “chiến sĩ thi đua” được bình bầu nhằm mục đích tăng lương trước thời hạn một cách hình thức.
Đối với các tác giả trẻ là các học sinh phổ thông cũng rất cần có sự hỗ trợ của quỹ khoa học công nghệ tỉnh để các em tiếp tục nghiên cứu phát triển hoàn thiện và mở rộng giải pháp của mình hoặc tiếp tục đăng kí những sáng tạo mới. Đối với các trường có nhiều học sinh tham gia hội thi có nhiều tác giả trẻ đạt giải thưởng là những vinh dự rất lớn, vì đó là kết quả thể hiện phần nào của phương pháp giáo dục tiên tiến, học gắn với hành, phát huy tính năng động, sáng tạo, đổi mới của đội ngũ thầy cô giáo và các em học sinh, là một trong những định hướng lớn của sự nghiệp cải cách giáo dục toàn diện mà nghị quyết của Đảng đã đặt ra.
Để đẩy mạnh hoạt động sáng tạo kỹ thuật nói chung và các Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng trong những lần kế tiếp, UBND tỉnh đã có chỉ đạo cho các cấp, các ngành cần tập trung vào một số nhiệm vụ quan trọng như sau:
Tổ chức phong trào thi đua sáng tạo kỹ thuật sâu rộng hơn nữa, tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lâm Đồng theo hai cấp, cấp tỉnh và cấp cơ sở trong tất cả các tổ chức, cơ quan, đơn vị, trường học, địa phương. Tăng cường về số lượng và chất lượng, số tác giả và số giải pháp dự thi.
Ngoài việc trao giải thưởng theo quy chế của các cuộc thi, hội thi, cần có các hình thức tuyên dương khen thưởng, động viên cũng như hỗ trợ cho việc phát triển nhân rộng, giải quyết các quyền lợi về sở hữu trí tuệ cho các tác giả của các giải pháp đạt giải.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hoạt động sáng tạo kỹ thuật một cách thường xuyên, liên tục, nhất là các cá nhân, tập thể, đơn vị có thành tích nổi bật trong phong trào; cần thành lập các câu lạc bộ sáng tạo trẻ để tạo sân chơi trí tuệ cho giới trẻ; có sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ nguồn ngân sách và các quỹ khoa học công nghệ, quỹ khuyến công, khuyến nông… cho hoạt động sáng tạo kỹ thuật.
TRƯƠNG TRỔ