Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và các đơn vị liên quan…
[links()]Quốc lộ 20 (QL 20) nối Lâm Đồng với Tp.HCM đang được khôi phục cải tạo đoạn từ Ngã ba Dầu Giây đến Bảo Lộc nhận được nhiều bức xúc của người dân Lâm Đồng và Đồng Nai do chậm tiến độ. “Dứt khoát phải đảm bảo giao thông trên tuyến QL 20 và nếu để xảy ra tai nạn đơn vị liên quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” - đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và các đơn vị liên quan.
Thi công đoạn huyện Đạ Huoai trên tuyến QL 20 |
Sửa chữa bảo trì chưa kịp thời
Tại buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường và các đơn vị liên quan đến Dự án Khôi phục, cải tạo QL 20 - đoạn Dầu Giây - Bảo Lộc (gọi tắt là Dự án BT 20) với lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt cho rằng: QL 20 là tuyến giao thông kinh tế huyết mạch của Lâm Đồng nhưng trước thực trạng phần đang thi công ngổn ngang, phần chưa thi công thì xuống cấp khiến cho nhật trình đi từ Đà Lạt đến Tp.HCM từ 6 - 7 giờ nay kéo dài 9 - 10 giờ, đó là chưa kể nỗi khổ của người dân sống trong công trường đang thi công. Sửa chữa chưa kịp thời những nơi hư hỏng, gây ảnh hưởng đến đảm bảo an toàn giao thông.
Theo báo cáo của liên doanh nhà đầu tư chủ sở hữu dự án là Công ty cổ phần BT 20 và Ban Quản lý Dự án 7 - quản lý điều hành Dự án BT 20 cho biết, đến nay các nhà đầu tư đã huy động đủ vốn góp chủ sở hữu với hơn 516 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động này gồm tiền mặt, khối lượng đã thi công, vật tư, vật liệu… và các cấu kiện đang tập kết tại công trường. Trong đó, khối lượng đã thi công đạt 350 tỷ đồng, cấu kiện tập kết tại hiện trường trị giá khoảng 100 tỷ đồng; còn lại là vốn ứng hợp đồng, chi phí thiết kế, giải phóng mặt bằng và quản lý dự án.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công (đồng thời được giao thêm nhiệm vụ sửa chữa mặt đường hư hỏng nặng tại một số đoạn, vị trí xung yếu), việc sửa chữa cục bộ không hiệu quả, thậm chí sửa chữa xong đã hỏng. Đánh giá của đại diện Cục Đường bộ (Bộ GTVT) cho hay, hệ thống cống dọc đã thi công được đắp trả chưa đúng kỹ thuật; hệ thống cống dọc lắp đặt chạy dài mà không có cống ngang hay đường hạ lưu thoát nước, trong khi vị trí thi công đồi núi hễ mưa xuống là nước tràn mặt đường gây ngập úng cục bộ. Sử dụng dải phân cách cũ để phân luồng và một số nơi thi công xong dù chưa hoàn thiện nhưng chưa lắp trả biển báo. Các vị trí bảo trì, sửa chữa có nơi dùng đá dăm vá mặt đường dẫn tới bong tróc, trong khi phải láng nhựa mới đảm bảo.
Theo tư vấn thiết kế, việc sửa chữa, bảo trì chưa kịp thời do phải thiết kế xong mới thi công, và khi thiết kế xong hiện trạng đã thay đổi. Vì vậy, kiến nghị cho thiết kế sửa chữa toàn tuyến và giao cho đơn vị có kinh nghiệm sửa chữa, bảo trì thi công mới đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.
Và đảm bảo giao thông
Mặc dù liên doanh nhà đầu tư đã huy động vốn chủ sở hữu trong cơ cấu vốn với tổng mức đầu tư Dự án BT 20 là hơn 4.589 tỷ đồng để đầu tư khôi phục, cải tạo 123 km QL 20 từ Dầu Giây đến Bảo Lộc. Số còn lại thuộc vốn vay các tổ chức nước ngoài là 4.055 tỷ đồng, nhưng khối lượng đã thi công - kể cả phần cấu kiện tập kết thì tới nay dự án mới đạt 10% trên tổng khối lượng dự án công trình.
Theo Công ty cổ phần BT 20, hiện đơn vị đã hoàn tất nội dung hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Goldman Sach (GS), đồng thời đã ký tắt hợp đồng tín dụng với GS gồm các điều khoản vay, phương thức giải ngân và chỉ còn chờ Bộ Giao thông vận tải thống nhất với Bộ Kế hoạch và đầu tư cam kết bố trí vốn trung, dài hạn để trả nợ. Để có vốn thi công, trước mắt Công ty cổ phần BT 20 đã chuẩn bị nguồn vốn vay ngắn hạn 500 tỷ đồng, trong đó 300 tỷ đồng xây lắp và 200 tỷ đồng chi đền bù giải phóng mặt bằng từ ngân hàng trong nước.
Với nguồn vốn này, các đơn vị sẽ tập trung vào 5 mũi thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án. Bởi hiện đang rất thuận lợi là đã có vốn, đất sạch, nhất là điều kiện thời tiết đang chuyển qua mùa khô.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, cần phải xây dựng tiến độ tổng thể chung, đồng thời phải có tiến độ cho từng hạng mục và thời gian thực hiện. Nếu chậm tiến độ do nguyên nhân khách quan thì phải có kế hoạch bù lại, có như thế mới đảm bảo tiến độ của dự án đề ra, qua đó tập trung vào vị trí cần làm dứt điểm phù hợp với nguồn vốn hiện có. Đặc biệt, dứt khoát phải đảm bảo giao thông trên tuyến, nếu đơn vị nào để xảy ra tai nạn giao thông chết người đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt băn khoăn: Vào cuối năm nay, Đà Lạt cùng lúc tổ chức 4 sự kiện văn hóa lớn (Kỷ niệm 120 năm thành lập Đà Lạt, Festival Hoa Đà Lạt, Tuần lễ Di sản Unesco ASEAN và Năm Du lịch Quốc gia Lâm Đồng - Tây Nguyên) nếu QL 20 không đảm bảo giao thông thuận lợi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lượng du khách từ miền Đông và Tây Nam Bộ lên Đà Lạt.
Để đáp ứng tiến độ, Công ty cổ phần BT 20 cam kết, đến tháng 10/2013 nếu các đơn vị cổ đông không đẩy nhanh tiến độ thi công thì các cổ đông sáng lập sẽ xem xét điều chỉnh khối lượng thi công giữa các đơn vị hoặc chủ động đề nghị kết nạp thêm cổ đông có năng lực để thực hiện dự án có hiệu quả.
XUÂN TRUNG